Canh bạc sai lầm của đại gia dầu mỏ: Khiến cả đế chế sụp đổ, trở thành con nợ của 23 ngân hàng lớn, thay đổi toàn bộ ngành giao dịch hàng hóa
Hậu quả từ vụ phá sản của tập đoàn Hin Leong còn lan rộng đến năm 2021, khiến những khu vực lớn trong ngành giao dịch dầu mỏ 4 nghìn tỷ USD toàn cầu cũng bị lung lay.
Hồi tháng 1, khi một dịch bệnh lạ bùng phát ở Vũ Hán, giá dầu toàn cầu đã lao dốc. Cách thành phố đó hơn 3.200km tại Singapore, một trong những người đàn ông quyền lực nhất thế giới ngành giao dịch hàng hóa – Lim Oon Kuin, lặng lẽ đưa thêm nhiên liệu vào kho dự trữ khổng lồ của mình. Ông thực hiện một khoản đặt cược rằng Trung Quốc sẽ sớm kiểm soát thành công dịch bệnh mới.
Tuy nhiên, canh bạc đó nhanh chóng thất bại. Dù Trung Quốc đã kiểm soát thành công, nhưng đại dịch đã khiến giá dầu thô giảm tới 70%. Các ngân hàng sau đó đã nỗ lực thu hồi các khoản nợ từ phía công ty của Lim là Hin Leong Trading Pte, từ đó gây ra một trong những vụ bê bối lớn nhất trong ngành giao dịch dầu mỏ của thế kỷ này. Đế chế dầu mỏ của Lim sụp đổ, nợ 23 ngân hàng 3,5 tỷ USD. Hậu quả từ sự gục ngã này còn lan rộng đến năm 2021, khiến những khu vực lớn trong ngành giao dịch dầu mỏ 4 nghìn tỷ USD toàn cầu cũng bị lung lay.
Nhóm chịu ảnh hưởng lớn nhất có thể là hàng trăm công ty thương mại nhỏ, nhiều trong số đó chỉ thuê 1 số ít nhân sự. Các công ty này sẽ mất khoản tiền đáng kể để đáp ứng yêu cầu ngày càng gắt gao từ phía ngân hàng cho các khoản vay, thậm chí 1 số sẽ không đủ khả năng để chi trả. Trong khi đó, có những công ty vẫn trụ vững sau cuộc khủng hoảng là các công ty thương mại lớn toàn cầu như Trafigura Griup và Vitol SA, họ vẫn giữ được niềm tin từ phía các nhà cho vay và có khả năng chi trả cho việc tăng cường giám sát.
Cả ngành thương mại hàng hóa rung chuyển
Một dấu hiệu cho thấy những thay đổi đó đã xuất hiện vào đầu tháng này. Đó là khi các ngân hàng ở trung tâm giao dịch dầu mỏ lớn của Singapore ban hành nội dung mới về hoạt động cấp vốn, nhằm hạn chế một số hoạt động gây ra “cú sốc Hin Leong”. Hiện tại, nhóm chủ nợ của Hin Leong, bao gồm HSCB và DBS Singapore, hiện vẫn đang nỗ lực thu hồi vốn.
Ngân hàng ABM Amro có trụ sở tại Hà Lan cho biết họ sẽ rút hoàn toàn khỏi chương trình cấp vốn thương mại hàng hóa. Các tổ chức khác cũng đưa ra thông báo tương tự, BNP Paribas nói rằng họ đang thu hẹp quy mô hoặc cân nhắc hoạt động kinh doanh. Hơn 20 trader kỳ cực và các chủ ngân hàng chia sẻ với Bloomberg rằng nguồn tài chính cho ngành này đang bị thắt chặt. Tình trạng này có thể sẽ tiếp tục diễn ra vào năm tới khi các ngân hàng áp dụng tiêu chuẩn khắt khe hơn hoặc giảm sự tiếp xúc với doanh nghiệp nhỏ.
Steven Beck – trưởng nhóm Tài chính Thương mại và chuỗi cung ứng tại ADB, nhận định: “Các ngân hàng đang lo sợ rủi ro nhiều hơn trong bối cảnh hiện tại, khiến họ tập trung chủ yếu vào các công ty thương mại lớn.” Ông cho biết, cuộc khủng hoảng của Hin Leong đã khiến thâm hụt tài chính thương mại trở nên trầm trọng hơn.
Sự bất ổn đang diễn ra trong ngành này hiện xoay quanh 2 công cụ tài chính vốn cho phép các danh nghiệp thực hiện hàng nghìn giao dịch mà chuỗi cung ứng hàng hóa trên toàn cầu dựa vào – đó là tín dụng thư và thư bảo đảm. Các công ty thương mại cung cấp hàng hóa và tài sản khác cho ngân hàng, doanh nghiệp như 1 tài sản thế chấp để sử dụng tín dụng thư làm khoản cam kết thanh toán cho các nhà cung cấp của họ. Các nhà giao dịch đôi khi cũng cung cấp thư bảo đảm – bảo đảm rằng có hàng hóa thay cho các chứng từ vận chuyển, để chứng minh tính xác thực của giao dịch.
Canh bạc sai lầm và những thùng dầu “không cánh mà bay”
Những khoản cam kết trên chính là trọng tâm trong vụ sụp đổ của Hin Leong. Hồi tháng 4, Bloomberg đưa tin công ty này gặp khó khăn về tài chính, sau khi 1 số nhà cho vay hạ hạn mức tín dụng trong bối cảnh lo ngại về khả năng thanh toán nợ của Hin Loeng. Nhưng vào thời điểm các ngân hàng yêu cầu hàng hóa cầm cố, thì khoảng 6 triệu thùng dầu và nhiên liệu lại không ở đó. Lim cho biết ông đã bí mật bán ra 1 số thùng. Sau đó, khi bị HSBC kiện, Lim phủ nhận việc sử dụng giấy tở giả mạo để được cấp vốn, cho biết giấy tờ được công bố là sự “nhầm lẫn”.
Vụ bê bối đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành dầu mỏ và cả ngân hàng. Doanh thu ngân hàng thương mại (banking revenue) từ hoạt động cấp vốn cho thương mại hàng hóa giảm 29% trong nửa đầu năm nay, theo công ty tư ván Crisil Coalition.
Các nhà giao dịch hàng hóa thường phát triển mạnh nhờ những biến động lớn như ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, năm nay, trong khi các công ty lớn thu lời lớn thì nhiều công ty nhỏ hơn đang chật vật sau cuộc khủng hoảng của Hin Leong, cùng với đó là căng thẳng địa chính trị do dịch bệnh gây ra và thương chiến Mỹ – Trung.
Trong những năm gần đây, nhiều công ty đã phải đối diện với khoản lợi nhuận ít ỏi do sự cạnh tranh gia tăng và nhu cầu không ổn định. Các nhà giao dịch độc lập ở Singapore, Malaysia và Indonesia được Bloomberg khảo sát cho biết hạn mức tín dụng từ ngân hàng của họ đã sụt giảm trong 6 tháng qua, trong khi chi phí cho các cơ sở lưu trữ và phí môi giới phái sinh cũng tăng lên.
Trong khi đó, đế chế lớn mạnh của Lim đã dần dần rơi vào suy thoái. Ocean Bunkering – công ty mà Lim “khởi nghiệp” với chiếc thuyền đánh cá vào những năm 1960, đã nộp đơn thanh lý tài sản vào cuối tháng 11. Lim cũng bán tài sản ở khu vực phía tây Tuas của Singapore. Ngoài ra, ông cũng đang bị cảnh sát điều tra và hiện đang được tại ngoại với khoản bảo lãnh 3 triệu SGD (2,3 triệu USD) hồi tháng 8.
2 nhà cho vay và 1 bên quản lý trader do tòa án chỉ định – PricewaterhouseCoopers, đã khởi kiện gia đình Lim. Các nhà giao dịch hàng hóa khác như Agritrade International và ZenRock Commodities, cũng vỡ nợ cùng thời gian với Hin Leong. Các công ty phụ thuộc vào việc đi vay ngân hàng cũng đối diện với tình trạng thanh khoản thấp do giá hàng hóa lao dốc, làm gián đoạn hoạt động giao thương và khiến giá trị tài sản cầm cố sụt giảm.
Những “tàn dư” mà Hin Leong để lại đặc biệt có tác động nặng nề ở châu Á. Khu vực này có hàng trăm nghìn người đang làm việc trong chuỗi cung ứng tài nguyên thiên nhiên, từ chủ tàu, cảng và cơ sở lưu trữ cho đến các trader, công ty bảo hiểm, bên cung cấp vốn và người mua.
Để khôi phục ngôi danh tiếng là trung tâm thương mại của Singapore, chính phủ nước này đã đưa ra 1 loại các biện pháp đối với ngành tài chính hóa vào tháng trước, bao gồm yêu cầu phải hiểu các phương pháp quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro cũng như tính minh bạch trong kinh doanh.