Kênh 543 tỷ chưa xong đã hỏng: Do mưa hay...lỗi thi công?

PGS.TS Lê Anh Tuấn cho rằng, cần phải xem lượng mưa thế nào bởi trước khi làm công trình, đơn vị thiết kế phải lường trước những rủi ro của mưa nắng.

Xung quanh xôn xao vụ Kênh chính Đông và Kênh chính Tây của Công trình thủy lợi Ia Mơr, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đã hư hỏng tan hoang dù công trình chưa được nghiệm thu, bàn giao, ngày 22/7, trao đổi với PV, một lãnh đạo huyện Chư Prông cho biết, đây là công trình của Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 8, Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư dự án.

"Công trình này chưa chuyển giao cho địa phương nên chúng tôi không nắm được về các đơn vị thi công cũng như các hiện trạng của công trình", vị lãnh đạo trên cho biết.

Nói về việc này, cùng ngày,  PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu về Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ cho rằng, trước khi thiết kế một công trình thủy lợi như thế, đơn vị thiết kế đã phải lường trước được những rủi ro của mưa bão. Ngoại trừ có những trận siêu bão quá lớn, bất thường thì có thể mới bị ảnh hưởng.

Một vị trí các tấm đan bị sạt lở, hư hỏng kéo dài 30-40m, chỉ còn trơ lớp đất đắp. Ảnh: CAND  
Một vị trí các tấm đan bị sạt lở, hư hỏng kéo dài 30-40m, chỉ còn trơ lớp đất đắp. Ảnh: CAND  
 

Về thông tin chủ đầu tư dự án thủy lợi Ia Mơ cho rằng nguyên nhân xảy ra hư hỏng ở 2 tuyến kênh là do mưa lớn, nước chảy mạnh, PGS.TS Lê Anh Tuấn cho rằng:

"Cần phải xem lượng mưa cỡ nào, không ai thiết kế công trình lại không tính toán những rủi ro về mưa nắng. Phải có 2-3 trận bão liên tiếp mới gọi là lớn, còn chỉ có một trận bão mà hư hỏng vậy thì tôi cũng hơi nghi ngờ là do chất lượng công trình hoặc phía thi công.

Đối với những công trình như này thường phải có thanh tra điều tra hồ sơ của công trình, hồ sơ nghiệm thu".

Được biết, công trình xảy ra hư hỏng thuộc hệ thống kênh chính của công trình thủy lợi Ia Mơr, gồm kênh chính Đông chiều dài 35,6km và kênh chính Tây dài 15,2km. Tổng kinh phí cho 2 tuyến kênh 543 tỷ đồng.

Theo phản ánh, cả 2 hệ thống kênh đều xảy ra hư hỏng nghiêm trọng, những tấm bê tông lớn áp 2 bên ta luy của kênh bị đứt gãy và sạt lở bờ kênh. Dọc theo 2 tuyến kênh đều xuất hiện rất nhiều vết nứt, có đoạn bị sạt lở hàng chục mét. Có nhiều đoạn, những vết nứt được các đơn vị thi công vá, trét để che lấp chỗ nứt.

Đại diện Ban Quản lý Dự án Thủy lợi Ia Mơr (thuộc Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 8) lý giải, toàn bộ kênh đều đổ bêtông bằng trạm trộn nên chất lượng các tấm đan bêtông đạt chuẩn. Nguyên nhân hư hỏng do mưa lớn làm xói bờ, lớp đất trên bờ kênh sạt lở, xô xuống thân kênh khiến các tấm đan bêtông bị sụt lún, gãy vỡ.

Nhiều điểm sụt lún, sạt lở tại Kênh chính Đông và Kênh chính Tây của Thủy lợi Ia Mơr. Ảnh: TTXVN  
Nhiều điểm sụt lún, sạt lở tại Kênh chính Đông và Kênh chính Tây của Thủy lợi Ia Mơr. Ảnh: TTXVN  
 

Ban đã lập biên bản, yêu cầu các đơn vị thi công khắc phục, tháo dỡ các tấm bê tông để thay mới. Đối với những vị trí do nền đất yếu thì buộc phải tháo dỡ, làm lại nền.

Để tiến độ thi công kênh được nhanh hơn, các đơn vị thi công áp dụng công nghệ Neoweb (hệ thống ô hình mạng dạng tổ ong) thi công bờ kênh, không phải bê tông cốt thép. Dự kiến công trình hoàn thành vào tháng 9/2021.

Thanh Giang

Theo Đất Việt