Kênh đào 1,7 tỷ USD của Campuchia ảnh hưởng đến ĐBSCL: Một số tỉnh thực hiện phương án ứng phó
Trước những dự đoán của chuyên gia về tác động của kênh đào Campuchia xây dựng Funan Techo cùng với biến đổi khí hậu, nhiều tỉnh thuộc ĐBSCL đang lên và thực hiện các giải pháp ứng phó trước mắt.
Dự án kênh đào Funan Techo (Phù Nam Techo) của Campuchia có tổng vốn 1,7 triệu USD. Kênh đào này có chiều dài 180km nối sông Mê Kông với biển của Campuchia phía Tây Nam. Điểm đầu tuyến kênh nối với dòng Bassac – dòng chính sông Mê Kông (sông Tiền khi vào Việt Nam), gần cảng ở thủ đô Phnom Penh, sau đó đi qua các tỉnh Kandal, Takeo, Kampot, Kep (Campuchia) và đổ ra vịnh Thái Lan.
Theo nhiều chuyên gia, kênh đào Funan Techo khi được hình thành có thể làm thay đổi dòng chảy sông Mê Kông, từ đó ảnh hưởng đến lượng nước đổ về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và trực tiếp tác động đến đời sống của những khu vực mà dòng sông này đi qua. Theo tuyên bố từ phía Campuchia, dự án kênh đào Funan Techo sẽ được thực hiện vào cuối năm 2024 và hoàn thành vào năm 2028. Như vậy, các địa phương vùng cuối nguồn Mê Kông còn 4 năm để chuẩn bị giải pháp ứng phó với việc sụt giảm nguồn nước và các tác động khác của kênh đào này, dù tới nay chưa được công bố rõ ràng.
Theo nhận định của chuyên gia, kênh đào Funan Techo sẽ ảnh hưởng đến những địa phương vùng ĐBSCL, dọc theo sông Tiền và sông Hậu như An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng… Bên cạnh đó, cùng với tác động của biến đổi khí hậu đã khiến nắng hạn kéo dài, lượng nước thượng nguồn sông Mê Kông đổ về vùng ĐBSCL sụt giảm, xâm nhập mặn vào sâu nội địa hơn.
Trước những mối lo ngại này, một số địa phương cần có kịch bản, giải pháp ứng phó với tác động của thời tiết cũng như của kênh đào Funan Techo.
Trao đổi với báo Tiền Phong, ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, kể cả khi chưa có những thông tin rõ ràng về dự án kênh đào của Campuchia, đã có những yếu tố khác ảnh hưởng đến nguồn nước trong vùng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, tỉnh Vĩnh Long đã đưa ra nhiều giải pháp. Địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền cho người dân biết để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất. Dù vậy, những giải pháp này chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, không thể khắc phục được hoàn toàn vấn đề nên cần sự chia sẻ, phối hợp, hỗ trợ từ Trung ương và địa phương.
Cũng theo báo Tiền Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh - ông Lê Văn Hẳn thông tin, tỉnh rất quan tâm đến dự án kênh đào Funan Techo, vì các địa phương dọc sông Mê Kông sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp. Ở góc độ địa phương, Trà Vinh dự kiến sẽ xem xét và họp các ngành chức năng để đề xuất, kiến nghị lên trung ương. Trường hợp dự án vẫn được triển khai, các địa phương ĐBSCL và Trà Vinh sẽ cần những giải pháp để chủ động ứng phó căn cứ theo thực tế địa phương sau này. Ông Hẳn cũng cho rằng, ở cấp tỉnh, vùng cần có kịch bản phải làm gì sau khi dự án đó được triển khai.
Ông Bùi Văn Thắm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết, Bến Tre nằm ở cuối nguồn sông Mê Kông, nên chịu tác động từ biến đổi khí hậu và các hoạt động điều tiết nước từ thượng nguồn như đập thủy điện, kênh đào Funan Techo. Tỉnh cũng đang hoàn thiện hệ thống thủy lợi và các cống, đê bao xung quanh. Theo dự kiến đến năm 2028, Bộ NN& PTNT hoàn chỉnh các cống của dự án quản lý nước, khi đó cơ bản làm chủ các đê bao bảo vệ toàn tỉnh.
Ông Thắm cũng cho biết, dù địa phương đã có phương án trước mắt, song tỉnh Bến Tre vấn không thể tác rời các giải pháp cho toàn vùng ĐBSCL. Bến Tre “phòng thủ” ở góc độ địa phương, còn ở phương diện vùng cần các nhà khoa học, cơ quan trung ương nghiên cứu mô hình mới về nguồn nước.
Cũng theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, dù người dân đã nhiều đời thích ứng với hạn mặn, nhưng khi có kênh đào Phù Nam tình hình có thể sẽ rất khác. Cần có nghiên cứu đánh giá và các giải pháp tổng thể cho từng tỉnh và liên vùng để giải quyết được các vấn đề cấp bách như đáp ứng nguồn nước ngọt vào mùa khô, lấy nước từ đâu để có thể chủ động...
Theo GS Võ Tòng Xuân - Nhà Khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp, với tác động của kênh đào Funan cần củng cố lại các kênh vùng Tứ giác Long Xuyên, cần tiến hành nạo vét (đào sâu) thêm các con kênh hiện có để trữ nước từ sông Vàm Nao đưa vào dự trữ, đi liền với kè chống sạt lở và xây dựng thêm các hồ chứa nước ngọt. Khi đó, nước ngọt sẽ tới Thoại Sơn, Núi Sập (An Giang), sang Hòn Đất (Kiên Giang). Còn hệ thống kênh vùng Đồng Tháp Mười đã gần hoàn chỉnh, cần củng cố thêm.