Kết quả kinh doanh ngân hàng MB 6 tháng đầu năm 2021: Mừng vì lợi nhuận lớn, nhưng lo vì lãi dự thu tăng!
6 tháng đầu năm 2021, MB báo lãi trước thuế tăng 56%, đạt hơn 7.986 tỷ đồng. Tổng nợ xấu cuối quý 2 giảm 22% so với đầu năm. Tuy nhiên, lãi dự thu tại MB có xu hướng tăng cao.
Theo BCTC hợp nhất quý 2/2021 vừa công bố, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HOSE: MBB) ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, MB ghi nhận gần 12.515 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tương đương tăng 34% so với cùng kỳ 2020.
Ngoài ra, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 24% đạt hơn 2.095 tỷ đồng; lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 64% đạt hơn 558 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư tăng 43%, lên mức hơn 1.019 tỷ đồng; lãi từ hoạt động khác tăng mạnh 139% đạt gần 1.860 tỷ đồng.
Tính chung 6 tháng đầu năm, chi phí dự phòng tại MB tăng 28% so với cùng kỳ, trích lập hơn 4.240 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí hoạt động cũng tăng 31%, tập trung chủ yếu chi cho nhân viên tăng 24% lên mức 3.415 tỷ đồng; chi cho hoạt động quản lý công vụ tăng 39% lên mức 1.284 tỷ đồng; chi về tài sản cũng ghi nhận gần 1.020 tỷ đồng, tăng 52%.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế tại MB 6 tháng đầu năm 2021 tăng 56% so với cùng kỳ, đạt hơn 7.986 tỷ đồng; lãi sau thuế tăng 53%, đạt gần 6.397 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế cổ đông ngân hàng mẹ tăng 55% đạt gần 6.149 tỷ đồng.
Nếu so với kế hoạch 13.200 tỷ đồng lãi trước thuế đề ra cho cả năm 2021, MB đã thực hiện được 61% chỉ tiêu sau nửa đầu năm.
Tuy nhiên, trên bảng cân đối kế toán, tính đến 30/6/2021 khoản mục lãi, phí phải thu tại MB (lãi dự thu) tăng 20% so với đầu năm, lên mức 4.554 tỷ đồng. Tỷ lệ lãi, phí phải thu/tổng tài sản theo đó đã tăng từ 0,76% hồi đầu năm lên gần 1%.
Về lý thuyết, lãi dự thu là khoản lãi mà ngân hàng dự kiến thu được trong tương lai từ các tài sản sinh lời, trong đó bao gồm cho vay khách hàng. Dù ngân hàng chưa thu được tiền thật từ khoản này, nhưng vẫn được ghi nhận vào vào kết quả hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, khi tỷ lệ này quá lớn, hoặc tăng quá nhanh và đặc biệt là cô đặc trong một khoảng thời gian dài thì dễ trở thành một dấu hiệu cảnh báo về chất lượng tài sản, nợ xấu tiềm ẩn cũng như chất lượng lợi nhuận của nhà băng. Do đó, lãi dự thu có liên quan mật thiết đến lợi nhuận, tăng trưởng tín dụng và cả nợ xấu thực.
Theo nguyên tắc thận trọng thì ngân hàng chỉ tính lãi dự thu cho nợ nhóm 1. Bởi các khoản nợ khi bắt đầu chuyển sang nhóm 2 trở đi sẽ xuất hiện rủi ro về khả năng thu hồi. Do đó, ngân hàng phải ngưng dự thu lãi nếu nợ đó quá hạn 10 ngày, hay bắt đầu chuyển sang nợ nhóm 2.
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ngân hàng nào cũng tuân thủ đúng theo nguyên tắc này. Họ không thực hiện chuyển nhóm nợ đối với những khoản thu quá hạn, không thoái lãi dự thu đối với các trường hợp khó có khả năng thu hồi, từ đó, làm tăng lãi ảo, đồng thời, con số nợ xấu không được thể hiện một cách chính xác và cụ thể trên báo cáo tài chính.
Theo đó, tính đến cuối quý 2/2021, tổng nợ xấu tại MB giảm 22% so với đầu năm, chỉ còn hơn 2.531 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn giảm 59%, còn 564 tỷ đồng; nợ nghi ngờ giảm 17%, còn gần 811 tỷ đồng nhưng nợ dưới tiêu chuần lại tăng 30% so với đầu năm, lên mức 1.156 tỷ đồng. Do đó, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tại MB giảm từ 1,09% đầu năm xuống còn 0,76%.
Tại thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản MB tăng 6% so với đầu năm, lên mức hơn 523.334 tỷ đồng. Cho vay khách hàng đạt 331.146 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng đạt 343.494 tỷ đồng, tăng lần lượt 11% và 10% so với đầu năm.
Đáng chú ý, nợ phải trả tại MB ghi nhận hơn 467.399 tỷ đồng, tăng gấp 8,3 lần vốn chủ sở hữu.
Liên quan tới dòng tiền, dù 6 tháng đầu năm lãi tăng mạnh so với cùng kỳ nhưng dòng tiền hoạt động kinh doanh tại MB lại đang âm gần 18.578 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 chỉ âm gần 4.268 tỷ đồng. Hơn nữa, dòng tiền hoạt động đầu tư cũng âm hơn 499 tỷ đồng (cùng kỳ 2020 chỉ âm gần 398 tỷ đồng). Do đó, dòng tiền thuần trong kỳ cũng âm 19.077 tỷ đồng.