Vốn điều lệ MB sắp vượt mặt 'ông lớn' Vietcombank: Sao 'đổi ngôi'?
Sắp tới, MB sẽ vượt mặt 'ông lớn' Vietcombank về vốn điều lệ. Ngoài ra, chỉ số ROA và ROE tại MB nếu so với Vietcombank cũng đang có sự chênh lệch và thay đổi.
MB sắp vượt mặt “ông lớn” Vietcombank về vốn điều lệ
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu MBB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) tăng liên tục trong thời gian qua, từ mức 28.000 đồng/cp tại thời điểm cuối tháng 4, lên trên 43.450 đồng/cổ phiếu hiện nay, tương đương tăng hơn 55%.
Mức tăng này đến từ việc MB được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận thực hiện kế hoạch này để tăng vốn điều lệ thông qua phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 35%.
Hiện tại vốn điều lệ tại Vietcombank ở mức 37.089 tỷ đồng. Tại ĐHĐCĐ thường niên, ngân hàng cũng có phương án tăng vốn điều lệ lên trên 50.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhà băng này đến nay vẫn chưa thông báo thời gian triển khai cụ thể, chỉ ước chừng thời gian thực hiện trong năm 2021 và tiếp tục trong năm 2022 nếu chưa hoàn thành.
Ngoài Vietcombank, vốn điều lệ tại Agribank tính đến cuối năm 2020 ở mức 30.915 tỷ đồng. Đầu năm 2021, ngân hàng được cấp thêm 3.500 tỷ đồng từ ngân sách lên hơn 34.000 tỷ đồng. Với việc 100% thuộc sở hữu của Nhà nước, Agribank hiện nay chỉ có thể tăng vốn từ nguồn ngân sách.
Tại Techcombank tính đến cuối năm 2020, vốn điều lệ dừng ở mức 35.000 tỷ và không có kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ trong năm 2021. Do đó, MB sẽ tạm vượt Vietcombank, Agribank và Techcombank về vốn điều lệ trong thời gian tới.
Thực tế, câu chuyện tăng vốn đã được các ngân hàng đẩy mạnh trong nhiều năm gần đây chứ không phải chỉ năm nay. Nguyên nhân chính cho cuộc chạy đua này trước mắt là nhằm để đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo quy định.
Tổng Giám đốc MB – ông Lưu Trung Thái từng chia sẻ tại ĐHĐCĐ 2021 sau khi cổ tức 2020 tỷ lệ 35% được thông qua, “Với cá nhân tôi, chỉ đề xuất chia cổ tức tỷ lệ 20%, vì chia cổ tức bằng cổ phiếu nhiều thì sức ép lên ban điều hành càng lớn, phải nỗ lực hết mình mới có thể giữ được tỷ suất sinh lời và đảm bảo an toàn ngân hàng”.
CEO MB cũng chia sẻ thêm ngân hàng muốn theo mô hình Tập đoàn nên việc tăng vốn điều lệ là rất cần thiết trong thời gian này. Do đó, ĐHĐCĐ MB cũng đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 38,676 tỷ đồng.
MB còn đang 'vượt mặt' ông lớn Vietcombank điểm gì?
Những năm gần đây, cuộc rượt đuổi lợi nhuận của các ngân hàng ngày càng gay cấn khi liên tiếp có sự soán ngôi ở cả nhóm có vốn chi phối của Nhà nước lẫn nhóm cổ phần tư nhân. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của nhóm ngân hàng tư nhân điển hình như MBBank đang đe dọa không ít tới vị trí dẫn đầu của 3 "ông lớn" Vietcombank, VietinBank, BIDV.
Vài năm trở lại đây, xét về lợi nhuận, Vietcombank luôn giữ vị trí quán quân và MB luôn góp mặt trong top ngân hàng có lợi nhuận cao nhất. Đáng chú ý, năm 2020, lợi nhuận tại MB còn vượt cả BIDV, xếp thứ 6 toàn hệ thống ngân hàng.
Ngoài lợi nhuận, ở MB và Vietcombank đều có thứ hạng khác nhau ở những tiêu chí khác nhau, nên xét về tổng thể chưa thể đánh giá được ai mới là người số 1.
Chẳng hạn về tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) giữa MB và Vietcombank có sự chênh lệch.
Cụ thể, giai đoạn 2018 -2019 chỉ số ROA tại MB cao hơn Vietcombank. Năm 2019 và năm 2020 đạt 2,02% và 1,82% trong khi Vietcombank chỉ đạt lần lượt 1,61% và 1,45%. Tuy nhiên, chỉ số này tại hai nhà băng lại có xu hướng giảm.
Ngược lại, chỉ số ROE tại MB lại thấp hơn Vietcombank, năm 2019 - 2020 đạt 21,13% và 18,36% trong khi Vietcombank đạt 25,88% và 21,09%. Song ROE tại hai nhà băng này cũng đã giảm mạnh.
Liên quan đến vấn đề nợ xấu, dư nợ cho vay tại MB thấp hơn Vietcombank khá nhiều nhưng các nhóm nợ xấu tại MB lại khá cao.
Cụ thể, tính đến 31/12/2020, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tại MB ghi nhận 889,7 tỷ đồng trong khi Vietcombank chỉ ở mức 668,6 tỷ đồng. Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tại MB ghi nhận 973,5 tỷ đồng trong khi tại Vietcombank chỉ ghi nhận hơn 223 tỷ đồng.
Các chỉ tiêu khác như tổng tài sản, dư nợ và cả tiền gửi khách hàng thì Vietcombank luôn vượt MB.