Kêu cứu, chiêu "dò đường… thò chân cáo" của Chủ tòa nhà 8B Lê Trực?

TNNĐ- Dư luận cho rằng, việc chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực xin Thủ tướng và TP.Hà Nội không phá dỡ phần sai phạm là đang dùng chiêu “dò đường… thò chân cáo".

►Sai phạm tại 8B Lê Trực: Quyết định cách chức, kỷ luật hàng loạt cán bộ

►Dỡ công trình 8B Lê Trực gây nứt nhà, dân kêu cứu

Được đằng chân, lân đằng đầu?

Sau một thời gian dài thực hiện cam kết tự phá dỡ phần sai phạm của tòa nhà theo phương châm “nhỏ giọt”, khiến cơ quan chức năng Hà Nội kiên quyết “không phá thì tôi dỡ”, đẩy chủ đầu tư tòa nhà “vàng” – Công ty CP may Lê Trực phải ra "đòn" cuối cùng: “Xin đừng đánh kẻ chạy lại”.

Trong văn bản cầu cứu Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội mới đây, Công ty CP may Lê Trực đề xuất thay đổi phương án, thay vì phá dỡ phần sai phạm như quyết định của UBNDTP Hà Nội.

Theo chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực: Phá dỡ tầng 19 đã gây ra hiện tượng rung chấn rất mạnh đến kết cấu tầng 1 và cả các tầng hầm, cũng như toàn bộ hệ thống tường xây gạch, trần, gạch ốp lát, hệ thống khung kính mặt ngoài của công trình đã thi công xong.

Trong văn bản cầu cứu Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội mới đây, Công ty CP may Lê Trực đề xuất thay đổi phương án, thay vì phá dỡ phần sai phạm như quyết định của UBNDTP Hà Nội.

Kêu cứu, chiêu "dò đường… thò chân cáo" của Chủ tòa nhà 8B Lê Trực? - Ảnh 1

Ảnh: Báo Xây dựng,

►Dỡ công trình 8B Lê Trực gây nứt nhà, dân kêu cứu

Không chỉ ảnh hưởng đến toàn bộ kết cầu tòa nhà, nguy hiểm hơn - chủ đầu tư cảnh báo: Hiện tượng rung chấn mạnh này cũng gây ra nhưng nguy cơ mất an toàn cho khu dân cư liền kề, xung quanh công trình, nguy cơ mất an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông và người đi đường Trần Phú trong suốt thời gian phá dỡ.

Đòn cuối cùng, chủ đầu tư đánh vào yếu tố kinh tế, rằng nào là lãng phí của cải, vật chất cho xã hội, thiệt hại về kinh tế trong khi đất nước vẫn cần nhiều cơ sở phục vụ cho sự phát triển của xã hội.

Ngần ấy lý do, chủ đầu tư “chốt hạ”: Cho phép được phạt cho tồn tại như một số công trình khác; Hay, Nhà nước, TP Hà Nội dùng phần công trình này vào mục đích công ích, có lợi cho cộng đồng hoặc phục vụ công tác đảm bảo an ninh quốc phòng.

Hoặc, cho phép chủ đầu tư liên hệ với Hội Chữ thập đỏ để dùng phần công trình xây dựng trái phép vào mục đích từ thiện.

“Mong mỏi Thủ tướng, Bí thư Thành ủy Hà Nội giải quyết có tình có lý, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc là, đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”, trích lời lẽ đầy tha thiết của chủ đầu tư trong văn bản.

“Việc làm, thu nhập đời sống của tập thể Cán bộ công nhân viên Công ty CP may Lê Trực đều trông chờ vào tòa nhà này”, tấm lá chắn - được Công ty CP may Lê Trực giăng ra để “không muốn phá dỡ phần vi phạm”.

Văn bản cầu cứu được đánh giá thể hiện kín kẽ, có “cương”, có “nhu”, tình, lý đan xen. Nhưng quả là Công ty CP may Lê Trực đã “khôn” nhưng lại không “ngoan”, khi nói trước, quên sau.

"Vải thưa che được mắt thánh"

Công ty CP may Lê Trực chủ động xin được phá dỡ phần sai phạm theo 2 giai đoạn.

Ông Đỗ Thế Hùng - Giám đốc Ban Quản lý dự án 8B Lê Trực giải thích lý do vì sao tiến độ phá dỡ giai đoạn 1 (tum và toàn bộ tầng 19) bị chậm: Do công trình được thi công với bê tông chất lượng tốt, mác 400 nên việc phá dỡ sao cho ít ảnh hưởng đến chất lượng công trình nhất sẽ không hề đơn giản.

Đơn vị nhà thầu phải dùng máy nén khí để khoan rỉa từng mảng bê tông nhỏ cho hở cốt thép. Sau đó, dùng máy cắt sắt thép cắt rời từng mảng, ít tạo ra chấn động nhất.

Với phương pháp “cắt, tỉa” này, tất nhiên phải qua thẩm định, giám sát của các cơ quan chức năng thì mới được tiến hành phá dỡ.

Hơn nữa công nhân khoan nén khí cầm tay, phá dỡ theo kiểu thủ công, thế mà chủ đầu tư lại viện cớ việc phá vỡ làm rung chấn mạnh đến kết cấu tầng 1, kể cả các tầng hầm, “dọa” nguy hiểm như đã viện dẫn nêu trên, khiến những người trong ngành xây dựng đồ rằng, Công ty CP may Lê Trực đang chơi trò “rung cây dọa khỉ”.

Ông Đỗ Thế Hùng đã quên những gì mình đã nói với báo chí?

Việc phá dỡ làm ảnh hưởng đến kết cấu tòa nhà. Vậy xin hỏi, chủ đầu tư đã mời các chuyên gia xây dựng đánh giá, lựa chọn phương án phá dỡ tốt nhất? Hay mới chỉ là ý kiến từ phía nhà thầu mà chủ đầu tư thuê?

Ngay khi tòa nhà “vàng” có lệnh phải tháo dỡ, không phải là không có ý kiến các chuyên gia chuyên ngành xây dựng.

Chủ đầu tư nói việc phá tum và tầng 19 mất thời gian là 8 tháng, nhưng TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trả lởi trên VnEpress rằng, phương án phá dỡ trong giai đoạn 1 mất 8 tháng là quá dài, không thể chấp nhận được.

Nếu nhà thầu đó không làm được thì cơ quan chuyên ngành phải yêu cầu thay thế.Vì nếu chậm xử lý, công trình rất dễ bị biến tướng.Ngẫm lại lời ông Chủng ở thời điểm này, thật đúng.

Ông Chủng nhấn mạnh: Việc phá dỡ công trình cao tầng phải do đơn vị chuyên nghiệp thực hiện để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho người thực hiện và cả các hộ dân xung quanh. Sở Xây dựng Hà Nội cần tổ chức thực nghiệm tại công trình và mời các chuyên gia, tham vấn ý kiến một số công ty phá dỡ, sau đó mới yêu cầu chủ đầu tư làm theo.

Ông Trương Văn Hải - Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng dân dụng Bắc Nam nhận định: Doanh nghiệp chuyên nghiệp phá dỡ 1.900 m2 sàn một tầng chưa đến 2 tháng cho dù mác bê tông đến 450 hay 500.

Dẫn chứng để thấy việc Công ty CP may Lê Trực đưa ra giải pháp đầu tiên là phạt cho tồn tại thật... nực cười. Công ty CP may Lê Trực còn ví von sao những công trình sai phạm khác được phạt, còn tòa nhà 8B Lê Trực thì lại phải cắt ngọn?

Xin nhớ, mảnh đất vàng 8B Lê Trực, dù nằm ngoài quy hoạch trung tâm chính trị, nhưng ở vị trí sát bên cạnh, đâu dễ có mảnh đất thứ 2 để chủ đầu tư “đem góp đất” với doanh nghiệp có tiền xây chung cư, bán giá cao ngất ngưởng, thu lợi nhuận cao.

Hơn nữa, cả Cty CP may Lê Trực và Cty CP đầu xây dựng phát triển thương mai Kinh Đô (Kinh Đô TCI Group) đều quá biết cái giá phải trả nếu vi phạm giấy phép xây dựng.

Vậy, tại sao “ông có tiền, ông góp đất” liều mình đến vậy? Phải chăng chủ đầu tư đã thu được số tiền lời quá lớn từ diện tích hơn 6.000 m2 xây thêm. Và họ đồ rằng, nếu bị phát hiện, cùng lắm sẽ được phạt cho tồn tại, nên quyết liều vì…tiền?

Nếu “vin” vào thiệt hại kinh tế để cứu vãn sự nguyên vẹn cho tòa nhà thì quả chủ đầu tư đã đặt giá trị đồng tiền cao hơn kỷ cương phép nước.

Chủ đầu tư còn dự định “bán” lại tòa nhà cho nhà nước để dùng phần công trình này vào mục đích công ích, có lợi cho cộng đồng hoặc phục vụ công tác đảm bảo an ninh quốc phòng. Thật đúng là, chủ đầu tư lại đem vải thưa che mắt thánh.

Xem ra, cả ba giải pháp hiến kế của Công ty CP may Lê Trực khó mà được Thủ tướng cũng như Bí thư Thành ủy Hà Nội chấp nhận bất cứ một giải pháp nào.

Bởi lẽ, một 8B Lê Trực tồn tại nguyên vẹn được thì các công trình xây dựng khác cũng sẽ “tiền trảm hậu tấu” thì còn gì kỷ cương phép nước.

Làm nghiêm với tòa nhà 8B Lê Trực, sẽ không còn tình trạng chủ đầu tư các công trình bất động sản diễn trò “dò đường… thò chân cáo”.

Đừng nhìn lợi ích nhỏ mà mất đi cái lớn hơn, đó là niền tin ở nhân dân. Phép nước không nghiêm thì lòng dân không yên, xã hội bất an.

Việt Hoài

Báo GiaoDuc.net