Khắc phục tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”
Qua giám sát tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng kiến nghị UBND TP cần quyết liệt hơn trong công tác chuẩn bị đầu tư, khắc phục tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”.
Kiểm tra, rà soát từng dự án ngay từ đầu năm
Tại hội nghị chuyên đề ngày 22/2 đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 và triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2023, UBND TP Đà Nẵng cho hay, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của Đà Nẵng được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, HĐND TP giao hơn 7.947 tỷ đồng. Trong năm 2023, TP tập trung hoàn thành, đưa vào sử dụng 38 công trình, khởi công 25 công trình.
Để đạt được mục tiêu này trong bối cảnh công tác đầu tư công vẫn còn nhiều nút thắt cả về cơ chế, chính sách lẫn trong tổ chức thực thi, tại Báo cáo 37/BC-HĐND ngày 21/2/2023 về kết quả giám sát tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn TP, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng (gọi tắt là Ban KT-NS) đã nêu ra một số kiến nghị, đề xuất UBND TP Đà Nẵng cần tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa.
Cụ thể, Ban KT-NS đề nghị UBND TP Đà Nẵng tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, cụ thể, kiểm tra, rà soát từng dự án ngay từ đầu năm, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong từng khâu công việc, giao nhiệm vụ cụ thể, nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi từng nhiệm vụ được giao.
Triển khai tốt, có chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án. Nhanh chóng khắc phục những hạn chế, bất cập, chấn chỉnh khâu chuẩn bị đầu tư, đền bù giải tỏa; các khâu thẩm định về quy hoạch; đánh giá tác động môi trường, thẩm duyệt hồ sơ PCCC… Đồng thời lưu ý các Sở cần bố trí sắp xếp cán bộ, điều chuyển bổ sung nhân lực theo tình hình hồ sơ cần xử lý để thẩm định hồ sơ đúng thời gian quy định.
Tiếp tục khắc phục các “điểm nghẽn” về giải tỏa, đền bù
Đặc biệt, Ban KT-NS kiến nghị UBND TP Đà Nẵng cần quyết liệt hơn trong công tác chuẩn bị đầu tư, khắc phục tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”. Theo Ban KT-NS, thuận lợi hiện nay là Đà Nẵng đã có kế hoạch vốn trung hạn (2021- 2025), nguồn tài chính cho thời gian đến còn bao nhiêu chưa phân bổ cũng đã cơ bản được xác định.
Trên cơ sở nguồn lực dự kiến, vấn đề quan trọng hiện nay là TP Đà Nẵng cần có bước đột phá hơn, có tầm nhìn chiến lược trung và dài hạn hơn; quyết liệt hơn trong công tác chuẩn bị đầu tư dự án “từ sớm, từ xa”; chuẩn bị dự án bảo đảm tính sẵn sàng, để nếu được phân bổ vốn có thể đưa vào thực hiện, giải ngân sớm.
Đối với nguồn vốn chưa phân bổ năm 2023 (là 1.659 tỷ đồng; chiếm 21% kế hoạch vốn), Ban KT-NS kiến nghị cần khẩn trương, nhanh chóng giao nhiệm vụ giải ngân gắn với từng dự án, công trình cụ thể; trách nhiệm, tiến độ thực hiện của từng cơ quan đơn vị để nhanh chóng hoàn tất thủ tục, làm cơ sở phân bổ vốn chính thức cho dự án thì mới có thể “hấp thụ” số vốn này trong năm.
Ban KT-NS cũng kiến nghị UBND TP Đà Nẵng tiếp tục khắc phục các “điểm nghẽn” về giải tỏa, đền bù. Theo đó, tình trạng nợ đất tái định cư đã làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình triển khai thực hiện các dự án, giải ngân vốn (như tại một số dự án: đường Vành đai phía Tây, dự án ĐH2, dự án ĐT 601…thời gian qua).
Theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 19/6/2022 của Trung ương: “Đối với trường hợp thu hồi đất mà phải bố trí tái định cư thì phải hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất”, Ban KT-NS đề nghị UBND TP Đà Nẵng chủ động nghiên cứu, có phương án hình thành các khu tái định cư để sẵn sàng phục vụ các dự án đảm bảo phù hợp, đúng quy định; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tái định cư dỡ dang trên địa bàn.
Đồng thời khẩn trương cụ thể hóa Kết luận số 341-KL/TU ngày 4/11/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tại Hội nghị chuyên đề về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, nhất là quy định về hỗ trợ suất tái định cư tối thiểu để triển khai trong thực tế.
Cùng với đó, Ban KT-NS kiến nghị UBND TP Đà Nẵng tiếp tục nghiên cứu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trên một số nhiệm vụ (như thẩm định, phê duyệt phương án tái định cư tổng thể về UBND các quận, huyện) ; nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ ưu đãi khuyến khích các hộ dân bàn giao mặt bằng sớm; cũng như chế độ, chính sách khen thưởng kịp thời cho tổ chức, cá nhân hoàn thành đúng tiến độ giải tỏa dự án đã đề ra.