Kho bạc Nhà nước gửi gần 292.000 tỷ đồng tại nhóm Big4
Số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại các ông lớn Big4 đã lên tới gần 292.000 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ cuối năm 2021.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II năm nay của 4 ngân hàng quốc doanh gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank, số dư tiền gửi của KBNN tại những nhà băng này tăng mạnh.
Trong đó, BIDV đang là ngân hàng nhận nhiều tiền gửi nhất từ KBNN.
Tính đến cuối quý II, số dư tiền gửi của KBNN tại BIDV đạt 120.265 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần so với cuối năm 2023 và gần 3 lần so với số dư tiền gửi vào cuối quý I/2024. Trong 120.265 tỷ đồng, có 118.251 tỷ đồng là loại hình có kỳ hạn và 2.014 tỷ đồng là tiền gửi không kỳ hạn.
Đứng thứ 2 là VietinBank. Tính đến cuối quý II, KBNN đang gửi 107.718 tỷ đồng tiền gửi thanh toán tại nhà băng này. Số tiền này gấp hơn 5 lần so với cuối năm 2023 và gấp hơn hai lần so với thời điểm cuối quý I.
Vietcombank đứng thứ 3 khi nhận được số tiền gửi của KBNN tính tới cuối quý II đạt 62.534 tỷ đồng, trong đó 60.568 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn và 1.966 tỷ đồng là tiền gửi không kỳ hạn bằng cả VND lẫn ngoại tệ.
Còn Agribank nhận được ít tiền gửi của KBNN ít nhất trong nhóm Big 4. Tính đến cuối quý II, số dư tiền gửi của KBNN tại Agribank là 1.099 tỷ đồng, tăng 23% so với đầu năm.
Như vậy, tổng số tiền gửi của KBNN tại nhóm Big4 đến cuối quý II lên tới 291.616 tỷ đồng. Đây là mức cao nhất kể từ cuối năm 2021.
Số dư tiền gửi của KBNN tại nhóm Big 4 hiện cao gấp hơn ba lần so với cuối quý I/2024 và gấp hơn 7 lần so với cuối năm 2023.
Tiền gửi của KBNN tại các ngân hàng quốc doanh tăng mạnh trong bối cảnh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong nửa đầu năm tăng chậm.
Bộ Tài chính cho hay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của cả nước đến hết tháng 7 ước đạt 32,22% tổng kế hoạch, đạt 34,68% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước hơn 3%.
Trước đây, lượng lớn tiền gửi của KBNN tại các ngân hàng nằm dưới dạng tiền gửi không kỳ hạn với số dư thường xuyên duy trì ở mức cả trăm nghìn tỷ đồng. Nhưng từ cuối năm 2019, tiền gửi không kỳ hạn của KBNN được kết chuyển về Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước thay vì để qua đêm tại ngân hàng thương mại như trước đây. Các ngân hàng sẽ phải đấu thầu công khai để được nhận tiền gửi có kỳ hạn của KBNN.
Quy định này thúc đẩy KBNN cơ cấu lại tiền gửi tại ngân hàng theo hướng giảm tiền gửi không kỳ hạn, tăng tiền gửi có kỳ hạn. Các ngân hàng cũng được nhận các khoản tiền gửi có tính ổn định hơn.
Tính tới cuối năm 2023, tức trong gần 7 năm, gần 7,8 triệu tỷ đồng tiền nhàn rỗi của ngân quỹ nhà nước được gửi có kỳ hạn ở ngân hàng thương mại, hưởng lãi 25.100 tỷ đồng.
Đây là nguồn vốn tốt mà nhiều ngân hàng mong muốn nhưng không phải nhà băng nào cũng được tiếp cận.
Với việc chiếm gần một nửa thị phần trong cơ cấu huy động và cho vay trong hệ thống, dòng tiền lớn của KBNN trú ngụ hỗ trợ đáng kể giúp nhóm Big 4 kiềm chế cuộc đua lãi suất huy động. Lãi suất của các ngân hàng này luôn thấp nhất trên thị trường.
Kể từ cuối quý I đến nay, các ngân hàng tư nhân liên tục tăng lãi suất huy động thì nhóm Big4 hầu như chưa có động thái điều chỉnh lãi suất đáng kể.
Hiện nay, lãi suất huy động của nhóm Big 4 ở mức thấp nhất trên thị trường, dải lãi suất chỉ còn 1,6-4,7%/năm (tuỳ theo kỳ hạn).