Khơi thông nguồn vốn 120.000 tỷ: Lãi suất giảm sâu hơn, thời hạn vay dài hơn

Theo đề xuất của NHNN, lãi suất của gói tín dụng cho vay mua nhà ở xã hội sẽ giảm 3 điểm % so với lãi suất bình quân của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước.

Giảm lãi suất cho gói tín dụng nhà ở xã hội

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), tính đến nay, ngoài 4 ngân hàng thương mại nhà nước (VCB, BIDV, Agribank, Vietinbank), đã có thêm 4 ngân hàng thương mại cổ phần khác là VPBank, TPBank, Techcombank và MBBank đăng ký tham gia, nâng quy mô của gói lên 140.000 tỷ đồng thay vì 120.000 tỷ đồng.

Trước tình hình này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết NHNN đang trình lên Chính phủ sửa đổi gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội với nhiều điểm mới.

Theo đó, mức lãi suất cho vay gói này sẽ giảm 3 điểm % so với lãi suất bình quân của 4 ngân hàng thương mại nhà nước (3 tháng xác định/lần) và kéo dài lên 5 năm ưu đãi thay vì mức 2 điểm % (6 tháng xác định/lần) và 3 năm như hiện nay. Ngoài ra, NHNN cũng sẽ tiếp tục đề xuất ưu đãi lãi suất tùy theo điều kiện kinh tế lúc đó nhưng vẫn đảm bảo mức giảm tối thiểu 1 – 2 điểm %/năm. Tuy nhiên, chính sách cho vay với các chủ đầu tư vẫn giữ nguyên như hiện nay.

Khơi thông nguồn vốn 120.000 tỷ: Lãi suất giảm sâu hơn, thời hạn vay dài hơn - Ảnh 1

Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết: “Tính đến nay, gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội hiện mới chỉ giải ngân được khoảng 1%, cho thấy gói tín dụng này vẫn chưa thực sự đi vào đời sống. Đề xuất giảm thêm lãi vay cho người mua nhà là hợp lý nhưng việc cứ sau vài tháng lại điều chỉnh lãi suất vay một lần khiến người vay bất an”.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) kiến nghị nên sửa đổi gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội theo hướng lãi suất cho vay phải tương đối ổn định trong vòng 10 – 15 năm sau khi vay. Đồng thời, sau chu kỳ 5 năm đầu tiên, nên quy định lãi suất của 5 năm tiếp theo sẽ không được vượt quá bao nhiêu phần trăm, ông Châu nói.

Bên cạnh đó, đại diện HoREA cho biết: “Những thay đổi trong Luật nhà ở có hiệu lực từ 1/8 tới đây sẽ mở rộng thêm đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội. Song, để luật thực sự đi vào cuộc sống thì phải cần thời gian để ‘thẩm thấu’. Vì vậy chúng tôi kiến nghị nên mở rộng thêm cho 2 đối tượng, đầu tiên là đối tượng mua nhà ở thương mại có giá từ 3,5 tỷ đồng trở xuống và đối tượng thứ hai là các chủ nhà trọ, được tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng này”.

Về dài hạn, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị cần khôi phục lại đề xuất ‘Gói tín dụng 110.000 tỉ đồng’ cho chủ đầu tư dự án, người mua, thuê mua nhà ở xã hội với lãi suất cho vay ưu đãi 4,8 - 5%/năm trong thời hạn tối đa 25 năm.

Giảm lãi suất là chưa đủ?

Dù vậy, đến nay, gói tín dụng này mới giải ngân được 1.344 tỷ đồng, trong đó cho chủ đầu tư 1.295 tỷ đồng và người vay mua nhà 49 tỷ đồng, trong đó, Agribank là ngân hàng giải ngân nhiều nhất.

Khi được hỏi về nguyên nhân gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội chậm giải ngân, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết: “Phía ngân hàng rất muốn giải ngân nhanh gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, nhưng muốn giải ngân cần có dự án, dự án xây dựng nhà phải theo tiến độ công trình. Chưa kể, tiến độ giải ngân còn phụ thuộc và phải chờ nhiều địa phương công bố danh mục nhà ở xã hội trong khi hiện mới chỉ có 34/63 địa phương công bố danh mục này”.

Bà Giang cho biết thêm, trong số 78 dự án nhà ở xã hội đã được các địa phương công bố, nhiều dự án chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn. Trái lại, một số dự án khi được ngân hàng tiếp cận lại gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý như vướng mắc trong thủ tục giải phóng mặt bằng, chưa khởi công,… nên chưa đủ điều kiện để ngân hàng cho vay.

Khơi thông nguồn vốn 120.000 tỷ: Lãi suất giảm sâu hơn, thời hạn vay dài hơn - Ảnh 2

Là người có nhu cầu mua nhà ở xã hội, anh Quốc Trọng (Thanh Oai, Hà Nội) cho biết mặc dù giảm lãi suất là tín hiệu đáng mừng nhưng chưa đủ để hỗ trợ người mua nhà ở xã hội. “Lãi suất không phải là mối quan tâm hàng đầu của người vay mua nhà ở xã hội. Thủ tục pháp lý cùng điều kiện để có thể mua nhà ở xã hội khá khắt khe,mới là rào cản thực sự”, anh Trọng cho hay.

Đồng quan điểm, trong chia sẻ với báo chí, ông Phạm Văn Dương, Giám đốc NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Bình Triệu cho rằng để khơi thông gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, các quy định liên quan đến thuê, mua nhà ở xã hội cần đơn giản hơn, chẳng hạn như người dân chỉ cần cam kết chưa có nhà ở và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc này.

“Trong khi đó, việc của các ngân hàng sẽ xác định người vay có đủ thu nhập trả nợ hay không. Trong trường hợp phát hiện người mua nhà ở xã hội không trung thực, các cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng có thể chế tài, xử phạt, thu hồi nhà ở, truy thu lãi suất ưu đãi,…”, ông Dương cho hay.

Khánh Tú

Theo VietnamFinance