Không nên “bóp nghẹt” thị trường trái phiếu lúc này
Theo TS Cấn Văn Lực, nếu bây giờ bóp nghẹt thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì vô cùng nguy hiểm đối với các nhà đầu tư.
Trái phiếu là nguồn vốn “trụ cột” của doanh nghiệp bất động sản
Theo Bộ Tài chính, hiện nay, đã có trên 280 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu để huy động vốn. Riêng năm 2021, có 174 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu, chiếm 33,6% tổng khối lượng phát hành trái phiếu toàn thị trường.
Quy mô huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng tăng, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp của nhóm bất động sản từ năm 2019 đến nay khoảng 500 nghìn tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp bất động sản cũng đã huy động được gần 90 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp lớn, tình hình hoạt động tốt cũng đã mở rộng phát hành ra thị trường quốc tế với tổng khối lượng phát hành đạt 1.305 triệu USD trong giai đoạn 2019 - 2021.
Đánh giá về vai trò của trái phiếu đối với doanh nghiệp bất động sản, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, hiện có 5 nguồn huy động vốn cho bất động sản, trong đó có 2 nguồn vốn trụ cột là vốn tín dụng và trái phiếu.
Ông Lực lưu ý về nguồn vốn, dư nợ tín dụng cho bất động sản hiện chiếm trên 20,6% dư nợ nền kinh tế, so với các nước vẫn thấp hơn, nên còn dư địa cho vay, đặc biệt cho vay bất động sản nhà ở.
"Rất tiếc thời gian qua hơi chững lại, nhưng kênh trái phiếu vẫn là kênh quan trọng", ông Lực nói và đề xuất cần tiếp tục phát triển thị trường vốn tốt hơn.
Nhìn nhận về bức tranh về thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay và đặc biệt là thị trường trái phiếu bất động sản, TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, báo chí đang nói nhiều là có vấn đề về tăng trưởng nóng, thiếu minh bạch, bất đối xứng cao. Thông tin về những vấn đề liên quan đến tài chính, lãi suất của một số dự án quá cao trong khi đòn bẩy tài chính quá lớn.
Đó còn là tình trạng "ba không" gồm không tài sản bảo đảm; không bảo lãnh; rủi ro sở hữu chéo giữa ngân hàng thương mại, dự án bất động sản, doanh nghiệp phát hành và giới kinh doanh đầu cơ bất động sản, năng lực giám sát quản lý không theo kịp với sự bùng nổ của thị trường trái phiếu.
Nhấn mạnh đến vai trò tích cực của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, TS. Võ Trí Thành cho biết, đến nay, tổng quy mô của trái phiếu doanh nghiệp là 1,5 triệu tỷ đồng bằng quy mô của thị trường trái phiếu Chính phủ.
"Trong thời gian gần đây nếu không có trái phiếu doanh nghiệp thì thị trường bất động sản khó khăn hơn rất nhiều”, ông Thành nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thành, riêng năm 2021, phát hành trái phiếu doanh nghiệp vượt quá tín dụng mới cho vay trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng thương mại. Không có trái phiếu doanh nghiệp thì nguồn vốn trung dài hạn cho các doanh nghiệp nói chung và bất động sản nói riêng sẽ gặp khó. Các tầng lớp thu hút trái phiếu này đều là những khâu quan trọng, thứ nhất là ngân hàng thương mại, thứ hai là bất động sản và thứ ba là năng lượng, đặc biệt là chuyển dịch năng lượng tái tạo.
Quan tâm giải quyết rủi ro từ dư nợ trái phiếu
Liên quan đến giải pháp về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Lực đề xuất cần giải quyết những vấn đề trước mắt như quan tâm giải quyết rủi ro từ dư nợ trái phiếu, ứng xử phù hợp, tránh hiệu ứng domino…Nếu bây giờ bóp nghẹt thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì vô cùng nguy hiểm đối với các nhà đầu tư.
Ông cho rằng nên xây dựng chiến lược phát triển thị trường phát triển bất động sản, cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh liên quan đến đất đai, quy hoạch, đấu giá đấu thầu, xây dựng…
Riêng với thị trường bất động sản, ông nói cần cho phép thí điểm một số kênh huy động nguồn vốn mới như Fintech, đa dạng kênh huy động vốn… và phân nhóm bất động sản để không đánh đồng, có căn cứ xác định mức độ rủi ro.
Ngoài ra, cần có đầu mối quản lý chuyên nghiệp, chuẩn hóa để quản lý, tham gia thị trường bất động sản.
TS. Võ Trí Thành cũng kiến nghị, việc đầu tiên là tạo lập niềm tin. Ông cho rằng chúng ta phải coi thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một phần hữu cơ của thị trường vốn mà Việt Nam thực sự mong muốn phát triển. Đó là thông điệp của Việt Nam gửi đến thế giới, đặc biệt là thế giới doanh nghiệp. Bên cạnh đó phải tăng cường tính kỷ luật của thị trường đồng thời không hình sự hóa các quan hệ kinh tế.
Thứ hai, liên quan đến ngân hàng thương mại, trái chủ, tín dụng… Chúng ta không siết tín dụng bất động sản, nhưng có chọn lọc hơn dựa theo những đánh giá của phân khúc bất động sản, nhu cầu thực của người dân và xã hội, phân biệt các vấn đề phức tạp, khó khăn của một số dự án điển hình, một số dự án lớn cần quan tâm.
Theo TS. Võ Trí Thành, các doanh nghiệp có sai phạm đã bị xử lý, nhưng chúng ta cần rút ra bài học là trước khi xử lý phải đánh giá tác động có thể của việc xử lý đó đối với xã hội và thị trường, điều đó rất quan trọng đối với việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Đối với các doanh nghiệp có vấn đề chúng ta cần giám sát chặt chẽ, tính đến các kịch bản xấu, cách thức xử lý như tự xử, cảnh báo, thời hạn xử trước khi xử lý nặng.
Theo Bộ Tài chính, để vừa phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vừa khuyến khích các doanh nghiệp bất động sản huy động vốn trái phiếu một cách minh bạch, lành mạnh, hiệu quả, Bộ Tài chính đề xuất tập trung vào các nhóm giải pháp chính để ổn định kinh tế vĩ mô; hoàn thiện chính sách, pháp luật theo hướng tăng cường quản lý giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nâng cao chất lượng hàng hóa, cải thiện chất lượng của các tổ chức cung cấp dịch vụ.
Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước và các đơn vị chức năng tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm tại các doanh nghiệp phát hành, các công ty cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, củng cố niềm tin nhà đầu tư.
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thường xuyên cung cấp thông tin, cảnh báo, khuyến nghị thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về các rủi ro đối với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.