Khu vực sắp thành lên phố trực thuộc tỉnh lớn nhất Việt Nam sẽ trở thành trung tâm du lịch của khu vực Đông Nam Á
Thành phố miền Trung này được du khách đặt cho nhiều cái tên khác nhau như “Thành phố mù sương”, “Thành phố ngàn thông”, “Thành phố ngàn hoa”,... hay “Tiểu Paris”.
Trở thành trung tâm du lịch của khu vực Đông Nam Á vào năm 2030
Ngày 29/12/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Văn bản số 1727/ QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2030 Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch của khu vực Đông Nam Á, năm 2045 Lâm Đồng trở thành TP trực thuộc Trung ương.
Theo quy hoạch được duyệt, mục tiêu đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; xây dựng TP.Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á, là trung tâm giáo dục, đổi mới sáng tạo. Đến năm 2030, Lâm Đồng trở thành "Thiên đường xanh" với sức hút của các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng - sinh thái - chăm sóc sức khỏe - thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á.
Đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn; phát triển không gian đô thị hiệu quả, bền vững, hình thành các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, phát triển đô thị mới gắn với động lực, tiềm năng, thế mạnh từng vùng với tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững; bảo đảm tính tầng bậc, liên tục, thống nhất, đầy đủ, tích hợp của hệ thống quy hoạch.
Ngoài ra, phát triển mạnh giáo dục, y tế và khoa học công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, theo hướng hiện đại; nâng cao vai trò văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội…
Sẽ trở thành thành phố trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước
Nằm trên cao nguyên Lâm Viên, Lâm Đồng, TP Đà Lạt là một điểm đến nổi tiếng của Việt Nam nhờ khí hậu ôn hòa và dịu mát quanh năm, thiên nhiên tươi đẹp và nhiều di sản kiến trúc phong phú. Thời Pháp thuộc, thành phố có tên Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem - tức cho những người này niềm vui, cho những người khác sự mát mẻ. Ngày nay, thành phố này được du khách đặt cho nhiều cái tên khác nhau như “Thành phố mù sương”, “Thành phố ngàn thông”, “Thành phố ngàn hoa”, “Xứ hoa Anh Đào” hay “Tiểu Paris”.
Hiện Đà Lạt có diện tích gần 400km2, dân số tính đến năm 2022 là hơn 237.000 người. Mới đây, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, đến năm 2024, hoàn thành việc nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số huyện Lạc Dương vào TP Đà Lạt để mở rộng không gian đô thị Đà Lạt.
Nằm ở phía Bắc Đà Lạt, huyện Lạc Dương có diện tích lớn hơn, gấp 3 lần Đà Lạt, dân số khoảng 36.000 người, nhưng gần 90% diện tích tự nhiên là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, tỷ lệ đô thị hoá thấp.
Với việc sáp nhập huyện Lạc Dương, diện tích TP Đà Lạt sẽ mở rộng gấp 4,3 lần hiện có lên khoảng 1.707 km2 và dân số khoảng 280.000 người. Với quy mô này, Đà Lạt sẽ trở thành thành phố trực thuộc tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, lớn hơn một số thành phố trực thuộc Trung ương như Hải Phòng (1.508 km2); Đà Nẵng (1.285 km2) hay Cần Thơ (1.439 km2).
Trước đó, theo nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 3/2023, Đà Lạt trong tương lai được mở rộng, sẽ gồm 6 đô thị vệ tinh, lấy thành phố hiện hữu làm trung tâm hành chính, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, bảo tồn các di sản kiến trúc. Quy mô dân số Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm đến năm 2035 khoảng 1.100.000 - 1.150.000 người; đến năm 2045 khoảng 1.900.000 - 1.950.000 người.
"Tiểu Paris" với hơn hơn 1.300 biệt thự với kiến trúc đa dạng
Được công nhận là đô thị loại 1 năm 2009, ngày nay, đến với Đà Lạt, ngoài việc tận hưởng những cảnh quan thiên nhiên không nơi nào có được như: khí hậu mát mẻ quanh năm, rừng thông bạt ngàn, thác nước hùng vĩ và muôn ngàn loài hoa hội tụ…, du khách còn được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc độc đáo của thành phố này. Thời Pháp thuộc, thành phố này có hơn 1.300 biệt thự với kiến trúc đa dạng, nhiều nhất là kiến trúc phía bắc nước Pháp nên được ví là "tiểu Paris".
Nói đến kiến trúc đặc sắc của Đà Lạt không thể không nói về nhà thờ Domaine De Marie - một cụm những kiến trúc gồm nhà nguyện và hai dãy nhà của tu viện nữ với tổng diện tích là 12ha. Tuy nhà thờ không có tháp chuông trên đỉnh nhưng tiền đình được thiết kế là một tam giác cân, phía trước được thêm vào các vòm cửa nhỏ. Tường được xây dựng bằng đá chẻ đến ngang bệ cửa sổ theo lối kiến trúc Normandie. Không gian nội thất được chiếu sáng bởi những khung kính màu, càng làm gia tăng phần lung linh, quyến rũ cho thánh đường. Nhà thờ còn lưu trữ pho tượng Đức Mẹ cao 3m, nặng 1 tấn là quà tặng của phu nhân toàn quyền Đông Dương Decoux.
Ngoài ra, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt cũng là kiến trúc được Hội Kiến trúc sư thế giới công nhận là một trong số 1.000 công trình xây dựng độc đáo của thế giới trong thế kỷ XX. Đây cũng là một di tích độc đáo mang đậm dấu ấn châu Âu, nhưng đồng thời kết hợp được nhiều chi tiết kiến trúc bản địa để tạo thành một công trình kiến trúc hòa hợp giữa Đông và Tây.
Có thể nói, người Pháp đã mang đến Đà Lạt phong cách của mình, sáng tạo ra những công trình có mặt ở hầu khắp thành phố nên thơ này: nơi nghỉ hè của Vua Bảo Đại, biệt thự đẹp màu đất son vàng mang phong cách những năm 1930, ga màu vàng, một bản sao nguyên bản của thành phố Deauville, nhà thờ hoa hồng… cũng như nhiều công trình chứa đựng kỹ thuật và tập quán Pháp.
Hay những kiểu nhà dân Pháp với ống khói xinh xắn, các vòm cửa sổ xây kiểu biệt thự, mái nhà kiểu địa phương, ban công đối xứng có những ô cửa kính rộng. Những chi tiết đó là kiểu kiến trúc phỏng theo kiến trúc châu Âu xu hướng cổ điển mới thế kỷ XIX và nghệ thuật trang trí thế kỷ XX.