Kinh doanh bất động sản khu công nghiệp nhiều triển vọng trong dài hạn
Đại dịch Covid-19 được kỳ vọng sẽ tiếp thêm động lực cho việc dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, giảm sự phụ thuộc chuỗi cung ứng tập trung một khu vực.
Theo báo cáo triển vọng ngành quý IV/2020 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), đơn vị này đánh giá khả quan đối với ngành bất động sản khu công nghiệp nhờ Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ thu hút nguồn vốn vào trong nước . Cùng với đó là kế hoạch rời Trung Quốc của nhiều Tập đoàn đa quốc gia và điểm đến là Việt Nam, việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao cũng là lực kéo quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn ngoại vào Việt Nam.
BSC cho biết, vốn FDI thực hiện 9 tháng năm 2020 đạt 13,76 tỷ USD (giảm 4,2% so với cùng kỳ), mặc dù vẫn ở mức giảm tuy nhiên đã có xu hướng cải thiện so với các tháng đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong các tháng đầu năm khiến nhiều hoạt động thương mại, đầu tư đình trệ.
Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp Phía Bắc tăng chậm trong quý III/2020 đạt 74% (tăng 160 bps so với quý I/2020). Nguyên nhân do vốn FDI giải ngân giảm, tiến trình thuê đất khu công nghiệp chậm so với năm 2019 do đại dịch Covid-19.
BSC cho rằng, gián đoạn này chỉ xảy ra trong ngắn hạn 2020, và kỳ vọng thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn hưởng lợi từ nhu cầu gia tăng do việc di chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác.
Theo BSC, giá cho thuê vẫn có xu hướng tăng nhẹ nhờ nhu cầu tìm kiếm đối với bất động sản KCN vẫn tăng và nguồn cung đất sẵn sàng cho thuê đang hạn chế. Cụ thể, giá thuê trung bình đạt 102 USD/m2/chu kỳ thuê (tăng 7,1% so với cùng kỳ), giá thuê nhà xưởng xây sẵn cũng tăng nhẹ khoảng 4 - 5,2 USD/m2 (tăng 2,1% so với cùng kỳ).
Mặc dù Covid-19 có thể tạm thời làm gián đoạn đầu tư tại Việt Nam, nhưng sự quan tâm từ các nhà đầu tư vẫn duy trì mạnh mẽ, thể hiện qua lượng tiềm kiếm trên về các khu công nghiệp (KCN) đều tăng mạnh từ 20 - 37% trong quý III/2020 (theo thống kê của batdongsan.com.vn).
Đồng thời các doanh nghiệp cũng phát triển mạnh các nền tảng trực tuyến (thực địa ảo trực tuyến, hội thảo, nâng cấp trang web...) để đáp ứng nhu cầu khách thuê tìm hiểu. Ngoài ra, nguồn cung các khu công nghiệp mới tăng chậm vì chịu sự quản lý chặt chẽ của Chính phủ, các doanh nghiệp khu công nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề xử lý pháp lý, do đó quỹ đất sẵn sàng cho khách thuê bị hạn chế.
BSC kỳ vọng đại dịch Covid-19 sẽ tiếp thêm động lực cho việc dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, giảm sự phụ thuộc chuỗi cung ứng tập trung một khu vực. BSC cho rằng tiến trình này sẽ chậm lại trong năm 2020 do việc hạn chế đi lại để khảo sát thực địa và tâm lý thị trường thận trọng hơn, tuy vậy triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ tích cực trong dài hạn.
Với lợi thế vị trí địa lý, chi phí nhân công giá rẻ, ưu đãi thuê phí của Chính phủ, thu hút FDI từ các hiệp định kinh tế, và việc kiểm soát dịch bệnh tốt, Việt Nam được cho rằng sẽ là điểm đến hấp dẫn trong chuỗi dịch chuyển này. Các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp có quỹ đất lớn sẵn sàng đón đầu cơ hội (KBC, BCM, IDC, GVR, PHR,…).
Sau khi báo cáo này được công bố, dường như các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp hưởng ứng khá tích cực. BCM được kéo lên mức giá trần trong phiên 27/11. Các cổ phiếu như SNZ, D2D, ITA hay KBC cũng đồng loạt tăng giá mạnh trong phiên 27/11.