Kon Tum kêu gọi đầu tư phát triển điểm du lịch Vườn quốc gia Chư Mom Ray
Vườn quốc gia Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) sẽ được kêu gọi đầu tư và phát triển thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí mang bản sắc riêng của địa phương, tạo nguồn thu bền vững cho Vườn quốc gia và góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum cho biết, UBND tỉnh Kon Tum cho biết vừa có quyết định phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Chư Mom Ray giai đoạn 2021 – 2030.
Vườn quốc gia Chư Mom Ray nằm cách TP. Kon Tum khoảng 30km về phía Tây Bắc, thuộc địa phận hai huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi. Vườn hiện do Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray làm chủ rừng.
Theo UBND tỉnh Kon Tum cho biết, nhằm thực hiện Đề án, Vườn quốc gia Chư Mom Ray sẽ được chú trọng quy hoạch, đầu tư các tuyến, điểm du lịch bao gồm: Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học và Du lịch sinh thái - xã Sa Sơn (huyện Sa Thầy), rừng khộp Đăk Kan (xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi), điểm du lịch Safari Ya Book (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy).
Các tuyến du lịch dự kiến sẽ được triển khai với 3 nhóm chính: Tuyến du lịch sinh thái cảnh quan và các tuyến du lịch sinh thái văn hóa, các tuyến trải nghiệm văn hóa sinh thái. Dự kiến sẽ khai thác 12 tuyến du lịch về sinh thái cảnh quan, du lịch sinh thái văn hóa và trải nghiệm văn hóa sinh thái, như:
Tuyến số 1: Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái - Cây Sấu.
Tuyến số 2: Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái - thác Bê Rê I - Điểm du lịch Safari Ya Book.
Tuyến số 3: Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái - đồi Charlie - Rừng khộp - Điểm du lịch Safari Ya Book - Thác 7 tầng.
Tuyến số 4: Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái - Đỉnh Chư Mom Ray.
Tuyến số 5: Rừng khộp - Điểm du lịch Safari Ya Book - Thác 7 tầng - điểm dù lượn Chư Tan Kra.
Tuyến số 6: Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái - Cây Sấu - Trải nghiệm văn hóa làng Bar Gốc (Văn hóa bản địa người J’rai).
Tuyến số 7: Rừng khộp - Trung tâm - làng Bar Gốc.
Tuyến số 8: Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái - Thác Bê Rê I - Làng Kram (Văn hóa bản địa người H’lăng).
Tuyến số 9: Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái - Đỉnh Chư Tan Kra - Làng Chốt (Văn hóa bản địa người J’rai).
Tuyến số 10: Rừng khộp - Điểm du lịch Safari Ya Book - Văn hóa Rơ Mâm (Làng Le) - Văn hóa Làng Chốt.
Tuyến số 11: Làng Bar Gốc - Chư Tan Kra - thác 7 tầng - điểm du lịch Safari rừng bằng Lăng - Rừng khộp.
Tuyến số 12: Làng Bar Gốc - Làng Chốt - Điểm dù lượn - thác 7 tầng.
Tổng vốn dự kiến đầu tư giai đoạn 2021 - 2030 là 135.550 triệu đồng (giai đoạn 2021-2025 dự kiến 80.200 triệu đồng; giai đoạn 2026 -2030 dự kiến 55.350 triệu đồng) từ nguồn vốn ngân sách đầu tư các công trình quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng kết hợp du lịch sinh thái, nguồn xã hội hóa và nguồn vốn khác./.
Tổng mức đầu tư và nguồn vốn triển khai Đề án sẽ là 135,5 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 sẽ là 80,2 tỷ đồng; giai đoạn 2026 -2030 sẽ là 55,3 tỷ đồng; bao gồm nguồn ngân sách đầu tư các công trình quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng kết hợp du lịch sinh thái, nguồn xã hội hóa (kêu gọi đầu tư của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch) và nguồn vốn khác (nguồn cho thuê môi trường rừng; kêu gọi hỗ trợ từ các tổ chức phi Chính phủ…)
Ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, để Đề án được triển khai hiệu quả, UBND tỉnh Kon Tum giao Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện xúc tiến, kêu gọi đầu tư để triển khai các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Đồng thời, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các dự án đầu tư đảm bảo các quy định về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.
Đặc biệt là phải thực hiện giám sát, kiểm soát chặt chẽ các dự án có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng và hướng dẫn, tham mưu việc thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định.
"UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, định hướng phát triển sản phẩm du lịch; phát triển thị trường khách du lịch; hỗ trợ, hướng dẫn chủ rừng, các nhà đầu tư về hoạt động du lịch; hỗ trợ công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư và liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Vườn quốc gia Chư Mom Ray với các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh", ông Tháp cho biết.
Được biết, mục tiêu Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Chư Mom Ray giai đoạn 2021 – 2030 nhằm xây dựng Vườn quốc gia Chư Mom Ray trở thành điểm du lịch hấp dẫn, chuyên nghiệp, sản phẩm du lịch đa dạng, mang đậm bản sắc riêng; tạo ra nguồn thu bền vững cũng như góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân.