Là ‘đứa con cưng’ một thời của Vietcombank, được Trương Mỹ Lan nhắc tên, ‘số phận’ bảo hiểm FWD giờ ra sao?
Bảo hiểm FWD từng thông báo đã chuyển nhượng 100% vốn cổ phần cho 11 nhà đầu tư do chứng khoán Thiên Việt làm đại diện, nhưng chốt cuối chưa xong.
Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB và các bên liên quan đang được xét xử tại TAND TP. HCM. Lời khai của bà Trương Mỹ Lan qua các phiên xét xử lộ tên nhiều doanh nghiệp, công ty có liên quan với hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Một trong số đó là bảo hiểm FWD.
Tại tòa, bà Trương Mỹ Lan đề nghị, đối với cổ phần công ty FWD, tòa nên xem xét lại giá cổ phần để thu hồi khắc phục.
Từng là “đứa con cưng” của Vietcombank
Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam ngày nay tiền thân là Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Vietcombank – Cardif (VCLI).
Vietcombank – Cardif (VCLI) được thành lập ngày 23/10/2008, là công ty 2 thành viên trở lên và là liên doanh giữa ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – mã chứng khoán VCB); BNP Paribas Cardif (tên trước đây là Cardif SA) - một công ty được thành lập tại Pháp; và Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank – mã chứng khoán SSB).
Hoạt động chính của VCLI là kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm tử kỳ và các sản phẩm bảo hiểm bổ trợ, bảo hiểm sức khỏe và tai nạn, tái bảo hiểm nhân thọ, đầu tư trái phiếu, cổ phiếu và các hoạt động đầu tư khác.
Từ tháng 2/2012 công ty thay đổi địa chỉ trụ sở chính từ tháp B Vincom 91 Bà Triệu sang trụ sở mới tại tòa nhà Capital Tower, 109 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.
Dưới thời Vietcombank, VCLI đã tăng quy mô tổng tài sản lên mức 1.550 tỷ đồng vào cuối năm 2019; doanh thu hoạt động tăng mạnh qua các năm, đạt 586 tỷ đồng vào năm 2019. Lợi nhuận cao nhất vào năm 2019 đạt 33 tỷ đồng.
Xét về doanh thu, năm 2019 là "thời kỳ hoàng kim" khi doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 586 tỷ đồng, tăng trưởng 38,8% so với năm trước đó. Về lợi nhuận, FWD cũng có nhiều năm thua lỗ, trong đó năm 2018 lỗ xấp xỉ 38 tỷ đồng. Năm 2020 lãi lớn nhất với 90 tỷ đồng.
Còn năm 2023 FWD bất ngờ báo lãi hơn 69 tỷ đồng dù nửa đầu năm kinh doanh thua lỗ gần 1 tỷ đồng. Tổng tài sản vượt 2.500 tỷ đồng.
Về "đổi chủ", trước đó tháng 4/2020, Vietcombank ra thông báo về việc Bộ Tài chính đã chấp thuận về nguyên tắc chuyển nhượng vốn tại VCLI sang cho Tập đoàn FWD. Thời điểm VCLI "chia tay" Vietcombank bắt đầu từ đây.
Tại thông báo này, Vietcombank ghi nhận VCLI là công ty bảo hiểm nhân thọ liên doanh giữa Vietcombank và BNP Paribas Cardif. Còn Tập đoàn FWD là Tập đoàn bảo hiểm trực thuộc Tập đoàn đầu tư acific Century Group có hoạt động kinh doanh tại Thái Lan, Indonesia, Philippines, Singapore, Việt Nam, Nhật Bản và Malaysia…
Cùng với thông báo chuyển nhượng, Vietcombank cam kết không làm ảnh hưởng đến khách hàng hiện hữu của VCLI, tất cả các hợp đồng bảo hiểm (đến lúc đó) sẽ được Tập đoàn FWD tiếp quản và chăm sóc theo đúng hợp đồng đã ký.
Phía bảo hiểm FWD đăng tin, Tập đoàn FWD đã nhận được sự chấp thuận theo luật đinh cho việc mua lại VCLI. Ngay sau đó, VCLI được đổi tên thành Công ty TNHH Bảo hiểm FWD việt Nam.
“Long đong”, số phận bảo hiểm FWD đang ra sao?
Về với Tập đoàn FWD không lâu, tháng 3/2022 bảo hiểm FWD bất ngờ công bố thông tin đã được Bộ Tài chính ban hành công văn chấp thuận nguyên tắc về việc chuyển đổi chủ sở hữu từ FWD Life Insurance Company (Bermuda) Linited sang một nhóm gồm 11 nhà đầu tư, trong đó mỗi nhà đầu tư sở hữu không quá 10% cổ phần của công ty, được đại diện bởi CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI).
Chứng khoán Tân Việt cũng là bên nhận ủy quyền của nhóm nhà đầu tư để thực hiện các thủ tục liên quan việc chuyển quyền sở hữu.
Bà Trương Mỹ Lan nhắc tới cổ phần tại Bảo hiểm FWD tại tòa
Ngày 4/4/2022 công ty đã nộp báo cáo giao dịch tới Bộ Tài chính và yêu cầu phê duyệt việc thay đổi chủ sở hữu và điều chỉnh giấy phép thoạt động.
Thông tin cho biết, ngày 21/3/2022 nhóm nhà đầu tư mới TVSI đã thanh toán giá trị chuyển nhượng vốn cho FWD thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp (DICA). Theo xác nhận giữa FWD Life Insurance và TVSI ngày 8/6/2022, quyền sở hữu của công ty đã được chuyển hoàn toàn sang các nhà đầu tư mới.
Dù đã 2 năm từ ngày chuyển nhượng, nhưng đến nay công ty vẫn "đang trong qúa trình cung cấp thêm thông tin tới Bộ Tài chính về giao dịch chuyển nhượng vốn này". Quá trình cung cấp thông tin thêm để thực hiện bước cuối của chuyển nhượng vẫn được để ngỏ.
Cộng với lời khai của bà Trương Mỹ Lan tại tòa liên quan cổ phần FWD, thương vụ hoàn tất quá trình chuyển nhượng có thể chưa thực hiện được ngay. Số phận của bảo hiểm FWD đang rất “long đong”, từng là đứa con cưng của Vietcombank, qua tay FWD và hiện giờ đang “bấp bênh” chờ xác định chủ mới một cách chính thức.
Hai pháp nhân FWD
Bán đi VCLI, ở mảng kinh doanh bảo hiểm, Vietcombank lúc đó chọn hợp tác. Trước thời điểm “chuyển giao” VCLI, năm 2019 ngân hàng cũng đã có hợp đồng ký kết hợp tác độc quyền 15 năm với Tập đoàn FWD về phân phối bảo hiểm. Thông tin này cũng được trình bày tại báo cáo của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam.
Nhắc tới FWD tại Việt Nam, trên thực tế nhiều người có nhầm lẫn. Thực ra có đến 2 pháp nhân mang tên FWD tại Việt Nam là Công ty TNHH Bảo hiểm FWD – công ty kế thừa chuyển tiếp từ VCLI của Vietcombank; và một pháp nhân khác là Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam – là đơn vị thể hiện sự hợp tác độc quyền 15 năm với Vietcombank.
Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam vào Việt Nam từ năm 2017 bằng cách mua lại Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Great Eastern (Việt Nam) và đổi tên thành Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ FWD, kế thừa giấy phép thành lập và hoạt động của Great Eastern cấp ngày 23/11/2007.
Cả Bảo hiểm FWD và bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam đều thuộc Tập đoàn đầu tư Pacific Century Group. Pacific Century Group hoạt động trong cả lĩnh vực bất động sản, dịch vụ tài chính, viễn thông và các nghiệp vụ đầu tư khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Về tình hình kinh doanh, khá bất ngờ khi 7 năm về Việt Nam tính từ 2016, bảo hiểm nhân thọ FWD đã báo lỗ 6 năm liên tiếp từ 2016-2022. Hiện công ty chưa công bố báo cáo kết quả kinh doanh năm 2023 vừa qua. Số lỗ “khủng” nhất là vào năm 2020, lỗ đến 1.700 tỷ đồng.
3 năm liên tiếp từ 2020-2022 bảo hiểm FWD đều lỗ trên nghìn tỷ, trong đó năm 2022 lỗ 1.684 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2022 bảo hiểm nhân thọ đã “ôm” số lỗ lũy kế đến 6.925 tỷ đồng.
Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam kinh doanh thua lỗ Kinh doanh thua lỗ với số lỗ lũy kế hơn 6.900 tỷ đồng, tuy vậy khá bất ngờ khi mới đây, công ty công bố thông tin được Bộ Tài chính cấp phép điều chỉnh vốn điều lệ.
Theo đó vốn điều lệ bảo hiểm nhân thọ FWD được từ 18.546 tỷ đồng lên 19.102 tỷ đồng. Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam là một trong số những doanh nghiệp tăng nhanh về quy mô tổng tài sản và vốn điều lệ trong những năm qua.