Bảo hiểm FWD Việt Nam lỗ lũy kế hơn 6.700 tỷ đồng
Trong nửa đầu năm 2023, Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam có lợi nhuận sau thuế hơn 170 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ gần 548 tỷ đồng. Theo đó, lỗ lũy kế cuối kỳ của công ty giảm từ 6.926 tỷ xuống còn 6.756 tỷ đồng.
FWD là công ty bảo hiểm thuộc Tập đoàn đầu tư Pacific Century Group (PCG) được thành lập tại châu Á vào năm 2013. FWD gia nhập thị trường Việt Nam sau khi mua lại Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Great Eastern Việt Nam vào tháng 06/2016.
FWD hoạt động tại Hồng Kông, Macau, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Singapore và Việt Nam, cung cấp các dịch vụ về bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm y tế, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm cho người lao động tại các thị trường trên.
Theo tìm hiểu, ngày 13/4/2020, một ngân hàng lớn triển khai thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm qua ngân hàng thời hạn 15 năm với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam (FWD Việt Nam). Kể từ đó đến nay, FWD Việt Nam chưa từng hết thua lỗ.
Theo báo cáo tài chính giữa niên độ 2023 vừa công bố, FWD Việt Nam ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm gốc 2.610,8 tỷ đồng, giảm 2% so với con số 2.633,6 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, phí nhượng tái bảo hiểm tăng 40% lên gần 107 tỷ đồng đẩy doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm xuống còn 2.530 tỷ đồng, giảm 1,4% so với cùng kỳ.
Kỳ này, tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 12% so với cùng kỳ, xuống còn gần 1.111 tỷ đồng, do chi phí bồi thường và trả tiền bảo hiểm đi ngang ở mức 689 tỷ đồng và chi phí khác giảm 27% so với cùng kỳ xuống còn 421 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm của công ty đạt gần 1.419 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ (năm 2022 lf 1.306 tỷ đồng).
Đáng chú ý, lợi nhuận từ hoạt động tài chính của công ty tăng 146,4 tỷ đồng, tương đương mức tăng 75% so với cùng kỳ. Công ty kiểm soát tốt khi chi phí bán hàng giảm 32,5% xuống còn 1.151 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm và tài chính đều có lợi nhuận tăng, cộng thêm chi phí bán hàng giảm giúp FWD Việt Nam thoát lỗ, ghi nhận lãi ròng hơn 170 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023. Trong khi cùng kỳ năm 2022 công ty ghi nhận khoản lỗ tới 547 tỷ đồng.
Theo đó, lỗ lũy kế của FWD Việt Nam giảm từ 6.926 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2022) xuống còn 6.756 tỷ đồng.
Được biết, trong giai đoạn 2015-2019, FWD Việt Nam ghi nhận các khoản lỗ 62 tỷ đồng, 120 tỷ đồng, 544 tỷ đồng, 760 tỷ đồng và 754 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của FWD Việt Nam là 18.697 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm, chủ yếu do tiền và các khoản tương đương tiền tăng mạnh gấp 2,1 lần so với hồi đầu năm, từ 632 tỷ đồng lên gần 1.355 tỷ đồng.
Trong danh mục đầu tư tài chính ngắn hạn, FWD Việt Nam có hơn 4.231 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn (là các hợp đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn trên 3 tháng đến dưới 1 năm, hưởng lãi suất từ 5,8% đến 11,5%/ năm); gần 263 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu niêm yết, tăng 16% so với đầu năm; trái phiếu doanh nghiệp hơn 145 tỷ đồng, tăng 31% so với đầu năm và hơn 4762 tỷ đồng các khoản đầu tư thuộc quỹ liên kết đơn vị,...
Ở khoản mục đầu tư tài chính dài hạn của FWD Việt Nam gồm: hơn 1.086 tiền gửi có kỳ hạn (khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn gốc từ hơn 1 năm đến 4 năm và được hưởng lãi suất từ 6% đến 11%/ năm); hơn 818,7 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và Chính phủ bảo lãnh (có thời hạn 7 đến 30 năm với mức lãi suất 2,7% đến 8,8%/ năm); 1.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (có thời hạn từ 5 đến 15 năm với mức lãi suất từ 3,75% đến 7,93%/ năm).
Tại ngày 30/6/2023, nợ phải trả của công ty tăng 5% so với đầu năm lên hơn 6.906 tỷ đồng, trong đó nợ dài hạn chiếm tới 68% với 4.713 tỷ đồng, chủ yếu là nằm ở khoản dự phòng nghiệp vụ dài hạn hơn 4.700 tỷ đồng, tăng 10% so với con số 4.275 tỷ đồng hồi đầu năm.
Vốn chủ sở hữu của FWD Việt Nam tại ngày 30/6/2023 là 11.790 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,4% so với đầu năm.