Lãi suất huy động tăng, Ngân hàng Nhà nước liên tục hút tiền về

Xu hướng tăng lãi suất huy động chưa dừng lại. Trong khi đó, trên thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục hút tiền về với khối lượng lớn.

Kể từ tháng 3 trở lại đây, các ngân hàng liên tục điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm.

Chỉ tính từ đầu tháng 7 đến nay, có 16 ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động, gồm: NCB, Eximbank, SeABank, VIB, BaoViet Bank, Saigonbank, VietBank, MB, BVBank, KienLong Bank, VPBank, PVCombank, PGBank, Sacombank, BIDV và ABBank.

Trong đó, VietBank tăng lãi suất lần thứ ba kể từ đầu tháng, Saigonbank cũng tăng lãi suất huy động lần thứ hai trong tháng.

Hiện có một số ngân hàng trả lãi suất tiết kiệm từ 6% trở lên. Một số ngân hàng như: NCB, OceanBank, BVBank, NCB, HDBank, OCB… đang niêm yết lãi suất tiết kiệm ở mức 6-6,1%/năm với kỳ hạn dài. Nhiều ngân hàng khác cũng đã tăng lãi suất huy động tiến sát mốc 6% ở các kỳ hạn dài, từ 12-36 tháng.

Các chuyên gia cho rằng, xu hướng tăng lãi suất huy động sẽ tiếp tục diễn ra trong nửa cuối năm 2024. Theo đó, lãi suất huy động có thể sẽ thiết lập một mặt bằng mới tích cực hơn so với đáy giá vốn đã về rất thấp.

Lãi suất giao dịch trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng cũng tăng. Các mức lãi suất can thiệp thị trường từ cơ quan quản lý như lãi suất thị trường mở (OMO), lãi suất phát hành tín phiếu cũng được điều chỉnh cao hơn.

Gần đây, NHNN cũng liên tục hút tiền về trên thị trường mở. Ngày 23/7, NHNN hút về hơn 13.063 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 4,5%/năm. Trong khi đó, lượng tiền bơm ra chỉ ở mức 3.950 tỷ đồng ở kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 4,5%/năm. Những phiên trước đó, giao dịch trên thị trường mở khá sôi động với lượng tiền hút về nhiều hơn bơm ra.

Từ đầu năm đến nay, thông qua thị trường mở, NHNN thực hiện chào mua giấy tờ có giá hàng ngày với khối lượng, kỳ hạn phù hợp để sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, ổn định thị trường tiền tệ. Đồng thời, NHNN thực hiện phát hành tín phiếu để hỗ trợ điều hành tỷ giá

Đáng chú ý, từ ngày 19/4, NHNN đã bán ngoại tệ can thiệp thị trường với giá bằng với giá bán ra niêm yết tại Sở Giao dịch NHNN.

Theo Báo cáo vĩ mô tháng 7 của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong tháng 6, NHNN đã bán ra khoảng 1,9 tỷ USD, tương đương 48,3 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế đến ngày 3/7, NHNN ước tính đã bán ra khoảng 6,4 tỷ USD, tương đương khoảng 162,5 nghìn tỷ đồng.

Ở chiều hút ròng, tháng 6 là tháng thứ hai liên tiếp, NHNN thực hiện hút ròng trên thị trường mở, quy mô khoảng 99,5 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh 62% so với tháng trước. Việc hút ròng được cân đối trên cả hai kênh cầm cố giấy tờ có giá và phát hành tín phiếu. Khoảng 54 nghìn tỷ đồng được hút về qua kênh cầm cố và phần còn lại được hút ròng qua tín phiếu NHNN.

Lãi suất huy động tăng, Ngân hàng Nhà nước liên tục hút tiền về - Ảnh 1

Đồng thời, NHNN cũng đã nâng lãi suất tín phiếu lên ngang bằng với lãi suất của kênh cầm cố ở mức 4,5%/năm trong tháng 6. Bù lại, NHNN điều tiết kỳ hạn tín phiếu từ 28 ngày còn 14 ngày, có thể là nhằm mục đích ứng phó với những thanh khoản ngắn hạn.

Theo VDSC, việc hút tiền qua thị trường mở và bán ngoại tệ một mặt giúp lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức cao nhưng có khả năng khiến cho thanh khoản tiền đồng trở nên khó khăn. Điều này sẽ dẫn đến rủi ro về mặt thanh khoản của hệ thống trong thời gian tới khi cung tiền M2 và huy động tăng chậm nhưng tín dụng đang tăng tốc trở lại.

Trong nửa sau năm 2024, VDSC cho rằng, lãi suất huy động tăng thêm khoảng 50-100 điểm cơ bản là một kịch bản phù hợp dựa trên biến động kỳ vọng của tỷ giá và lãi suất chính sách. Riêng đối với lãi suất cho vay, thống kê của NHNN cho thấy mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 90 điểm cơ bản trong 5 tháng đầu năm, nhanh hơn tốc độ giảm của lãi suất huy động.

“Việc lãi suất huy động tăng trở lại sẽ ảnh hưởng đến đà giảm của lãi suất cho vay, tuy nhiên, tác động này sẽ chỉ bộc lộ rõ hơn vào quý cuối năm hoặc đầu năm 2025”, VDSC đánh giá.

Các chuyên gia đánh giá tỷ giá hiện đã ổn định sau hàng loạt các biện pháp của NHNN. Tỷ giá sẽ hạ nhiệt vào cuối năm.

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo tỷ giá ổn định trong nửa cuối năm sẽ giúp NHNN không phải bán ra nhiều USD hay nâng lãi suất điều hành, lãi suất OMO hay tín phiếu.

Các chuyên viên phân tích của KBSV cho rằng NHNN sẽ vẫn tập trung vào việc điều tiết thanh khoản trên thị trường mở và giữ nền lãi suất quanh 4-5% để hạn chế hoạt động carry trade (giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ).

 

Minh Anh

Theo VietnamFinance