Người mua nhà lại “gặp khó” khi lãi suất bắt đầu tăng trở lại?
Lãi suất huy động đi lên kéo theo lãi suất cho vay tại nhiều ngân hàng đang tăng trở lại, nhiều người lo ngại thời kỳ tiền rẻ sẽ sớm chấm dứt. Theo đó, người có nhu cầu mua nhà lại bắt đầu gặp khó khăn.
Lãi suất tăng trở lại
Dù nhu cầu tìm mua nhà đã tăng lên đáng kể trong quý II/2024 nhưng tỉ lệ thanh toán thành công vẫn chưa cao. Bởi nhiều người lo ngại trong khoảng vài tháng đến nửa năm tới, lãi suất ngân hàng tăng, mức lãi suất thả nổi cũng sẽ tăng mạnh nên chưa dám vay ngân hàng để mua nhà.
Trong bối cảnh hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, sự tăng trưởng của thị trường bất động sản được dự báo sẽ có tác động tích cực và hiệu ứng đến những ngành lĩnh vực khác, trong đó có hoạt động tín dụng ngân hàng.
Báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước TPHCM cho thấy, tín dụng bất động sản trên địa bàn TPHCM đã duy trì tốc độ tăng trưởng dương trong 3 tháng gần đây. Tháng 3.2024 tín dụng bất động sản tăng 0,96%; tháng 4.2024 tăng 1,15% và tháng 5/2024 tiếp tục tăng trưởng 1,15% và đạt mức dư nợ 992,8 nghìn tỉ đồng, chiếm 28% so với tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn và tăng 2,78% so với cuối năm, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn.
Tín dụng nhà ở, cho vay với mục đích mua nhà để ở, mục đích tự sử dụng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 67,78% so với tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn. Trong đó, xuất hiện điểm tích cực ở phân khúc này, khi tín dụng nhà ở tăng trưởng trở lại, tăng 1,2% so với tháng 4/2024 (các tháng trước đó tăng trưởng âm).
Theo đánh giá của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM, đây là bộ phận tín dụng chiếm tỉ trọng cao, vì vậy tín dụng phân khúc này tăng trưởng không chỉ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bất động sản mà còn có ý nghĩa xã hội rất lớn, cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, qua đó tác động tích cực đến thị trường bất động sản và tăng trưởng kinh tế.
Theo khảo sát tâm lý người dùng bất động sản về mức lãi suất bao nhiêu là hợp lý để vay mua nhà, kênh Batdongsan cho biết hơn 50% người tham gia cho rằng, lãi suất vay mua nhà dưới 8% là hợp lý, 29% chấp nhận mức lãi suất từ 8-10%, chỉ 10% chấp nhận đi vay với lãi suất từ 10-13% (tính theo mức thả nổi). Tuy nhiên, hầu hết người đang đi vay mua nhà đều chia sẻ, họ vẫn phải vay với lãi suất trung bình trên 11,5-13%.
Đại diện một chi nhánh ngân hàng BIDV tại Hà Nội thông tin lãi suất ưu đãi vay mua nhà của ngân hàng vừa tăng lên 0,5%/năm. Còn tại VietinBank, nhà băng này chưa có chính sách về việc tăng lãi suất vay mua nhà. Theo đại diện VietinBank, nhìn chung lãi vay của nhóm Big4 không có thay đổi, chủ yếu nhóm ngân hàng tư nhân tăng lãi suất huy động nên kéo theo lãi suất vay tăng.
Khảo sát từ tháng 6 đến nay, hơn 20 ngân hàng thương mại cổ phần tăng lãi suất huy động gồm: Eximbank, OCB, BVBank, NCB, VietBank, VietA Bank, VPBank, PGBank, Techcombank, ACB, SHB, LPBank, Nam A Bank, OceanBank, ABBank, Bac A Bank, MSB, MB…. Trong khi đó, các ngân hàng nhóm Big4 gần như “đứng im”, chỉ riêng VietinBank vừa tăng nhẹ lãi suất tiền gửi trực tuyến một số kỳ hạn thêm 0,2-0,3% trong tháng 7.
Lãi suất huy động đi lên khiến nhiều người lo ngại lãi suất cho vay sẽ sớm tăng trở lại và thời kỳ tiền rẻ kết thúc. Bởi về lý thuyết, việc tăng lãi suất huy động có thể kéo lãi suất cho vay tăng lên, làm tăng chi phí vốn đối với các doanh nghiệp, tăng áp lực tài chính cho người vay.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP. HCM, nói rằng việc tăng lãi suất đã được dự báo trước đó. Khi lãi suất vay tăng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu vay mua nhà của người dân, vì phải tính toán lại các khoản chi phí. Tuy nhiên, ông nhìn nhận từ nay đến cuối năm, lãi suất sẽ tăng nhưng không quá mạnh như trước, dòng tiền rẻ vẫn còn. Ngân hàng nhà nước sẽ duy trì mức lãi suất hợp lý để vừa kiểm soát được lạm phát vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế.
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao CBRE Hà Nội, cũng cho rằng lãi suất vay luôn ảnh hưởng tới tính thanh khoản tại các dự án của chủ đầu tư cũng như người mua nhà. Thực tế, lãi suất vay mua nhà được giữ ở mức rất thấp từ thời điểm giữa năm 2023 tới nay, điều này giúp hoạt động mua bán trở nên sôi động, đặc biệt tại thị trường Hà Nội.
Theo bà An, với xu hướng điều chỉnh lãi suất hiện nay, người mua nhà phải cân đối kế hoạch về tài chính. Việc mặt bằng lãi suất điều chỉnh tăng, sẽ tác động đến tâm lý người mua và chiến lược kinh doanh của chủ đầu tư do các chi phí về huy động vốn. Do đó, tuỳ vào biên độ tăng lãi suất mà mức tăng giá dự án sắp tới phải điều chỉnh cho phù hợp, bởi còn dựa trên nhu cầu và khả năng chi trả của người mua.
“Cửa” nào cho người mua nhà?
Lo ngại lãi suất cho vay sẽ sớm đảo chiều, không ít người dân mạnh tay chốt mua nhà sớm. Tuy nhiên, trên thị trường tâm lý chờ đợi vẫn còn nhiều, một là chờ lãi suất tiếp tục giảm, hai là chờ giá nhà giảm thêm mới “xuống tiền”.
Cuối tháng 6, anh Phan (Hà Đông, Hà Nội) vừa hoàn tất hồ sơ vay vốn và giải ngân từ ngân hàng BIDV. Số tiền mà Phan vay là 1,2 tỷ đồng, tương đương với khoảng 40% giá trị căn chung cư mà anh thế chấp.
Theo anh Phan, dù giá chung cư tăng cao nhưng lãi suất cho vay rẻ là động lực khiến vợ chồng anh chốt mua sớm một căn hộ 3 phòng ngủ. Lãi suất cho vay mua nhà trong 2 năm đầu tiên là 6%/năm. Từ năm thứ 3, lãi suất cho vay mua nhà thả nổi.
"Mức lãi suất này rẻ gần như thời điểm 10 năm trước, khi tôi vay gói 30.000 tỷ đồng. Tôi chốt mua nhà sớm vì sợ lãi suất cho vay sẽ sớm tăng trở lại", anh Phan chia sẻ.
Trong khi người có tiền đắn đo với việc gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn hay dài để được lợi, việc lãi suất huy động nhích lên khiến người vay lo lắng. Anh Kiên, chủ một hộ kinh doanh tại quận Gò Vấp (TP HCM), cho biết đang được vay với lãi suất 7,5%/năm - giảm 3%/năm so với cuối năm ngoái.
"Lãi suất cho vay giảm khiến chúng tôi cũng dễ thở hơn vì tiền lãi phải đóng hằng tháng giảm. NH cũng cấp sẵn cho tôi hạn mức nhưng cứ sáu tháng, tôi lại phải đáo hạn một lần. Do vậy, tôi lo sáu tháng nữa tôi phải nhận vốn với lãi suất cao hơn. Trong bối cảnh hiện nay, lãi suất tăng là thách thức với hộ kinh doanh như tôi", anh Kiên nói.
Đang tính vay vốn NH để mua nhà vì lãi suất xuống thấp và giá nhà đã mềm hơn, nhưng nhìn tín hiệu lãi suất, chị Thanh Tú (quận 12) cảm thấy hơi lo. Với mức lãi suất hiện nay, theo chị Tú, sau khi trừ đi số tiền gốc, lãi mà chị phải đóng cho NH hằng tháng thì phải ít nhất 5-6 năm chị mới có thể gom góp trả dứt khoản nợ. Nhưng nếu lãi suất tăng, với thu nhập hiện tại, chị khó mà dư ra để sớm trả dứt nợ. "Tôi theo dõi một thời gian nữa rồi mới dám quyết định", chị Tú nói.
TS Nguyễn Anh Vũ, trưởng khoa tài chính Trường đại học NH TP.HCM, cũng cho rằng có hai điều kiện để dòng vốn ra thị trường: một là phía cầu ấm lên, và hai là lãi suất cho vay phải duy trì ở mức thấp trong thời gian đủ lâu để doanh nghiệp có thể tính kế hoạch làm ăn.
Ngược lại, nếu lãi suất chỉ thấp trong một thời gian ngắn rồi "giật cục" sẽ rất khó cho doanh nghiệp. Tương tự với cá nhân, nhất là người vay để mua nhà. Nếu lãi suất chỉ thấp trong thời gian ưu đãi rồi đến kỳ điều chỉnh lại tăng, rất khó cho người vay khi tính kế hoạch tài chính.
Tuy nhiên, ông Vũ cũng thừa nhận có những cái rất khó cho NH vì lãi suất huy động còn phải phụ thuộc vào lạm phát cũng như cạnh tranh huy động vốn giữa các NH. Lãi suất cho vay cũng phải dựa vào "khẩu vị rủi ro" nên không thể có lãi suất thấp cho tất cả doanh nghiệp.