Lâm Đồng: Cưỡng chế công trình nhà dân dù tòa án đã có thông báo đang xem xét giải quyết khiếu nại
Tháng 9/2022 UBND TP Bảo Lộc ban hành văn bản 3139/QĐ-CCXP yêu cầu cưỡng chế các công trình trên thửa đất số 600, tờ bản đồ 37 tại xã ĐamBri, TP Bảo Lộc. Tuy nhiên, thửa đất này đã được bà Lê Thị Tố Loan sử dụng ổn định từ năm 2002 đến nay và các cơ quan chức năng xác định không có hành vi lấn chiếm.
Theo đó, ngày 19/9/2022, chủ tịch UBND TP Bảo Lộc ra Quyết định số 3139/QĐ-CCXP ngày 19/9/2022 và thông báo số 4417/QĐ-KPHQ ngày 20/9/2022 về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do bà Lê Thị Tố Loan đã có hành vi vi phạm hành chính quy định tạ điểm d, đ; điểm a, b khoản 7 Điều 17 Nghị định số 104/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
Tại quyết định này, UBND TP Bảo Lộc yêu cầu bà Loan phải phá bỏ các loại cây ăn quả (dừa, mãng cầu, bưởi) trên bờ ao và mép đường đi với diện tích 500m2; phá dỡ bờ kè tạo ra 02 ao có tổng diện tích 2.421m2 (ao thứ nhất: 949m2, ao thứ hai: 1.472m2) và đường đi có tổng diện tích 3.312m2 (đường bê tông: 326m2, đường rải đá: 1.101m2, đường đất: 1.885m2); Tháo dỡ đường điện thắp sáng có tổng chiều dài 173m (05 trụ tròn bê tông, dây điện vỏ bọc nhựa), cầu bắc từ bờ ra giữa ao (cầu làm bằng sắt có chiều dài 239m x rộng 20cm x cao 1m so với mặt nước với kết cấu 03 thanh sắt hộp (5x10cm) nối dài, có các chân trụ đỡ bằng bê tông và cầu làm bằng gỗ tạp có chiều dài 6m x rộng 1m x cao 1m so với mặt nước và hàng rào dựng bằng tôn có tổng chiều dài 55m x cao 2m.
Tuy nhiên, theo thông tin từ bà Lê Thị Tố Loan cung cấp, khu đất của bà nằm tại thửa số 600, tờ bản đồ số 37 tại xã ĐamBri, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng (nằm kế bên hồ Nam Phương) có tổng diện tích là 800 m2 (trong đó: 200 m2 đất ở đã được cấp GCN CS 043965 và 600m2 đất trồng cây lâu năm).
Thửa đất này, được bà Loan mua lại và các cơ quan chức năng xác định không có hành vi lấn chiếm, nguồn gốc thửa đất sô 600 cũng được UBND xã ĐamBri lấy ý kiến khu dân cư ngày 15/11/2019 và được niêm yết công khai tại UBND xã.
“UBND TP Bảo Lộc ra quyết định cưỡng chế các công trình tại thửa đất của tôi nhưng không hề cung cấp các căn cứ pháp lý nêu rõ ảnh hưởng đến lĩnh vực phòng, chống thiên tai, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi tại Hồ Nam Phương. Vì thế, tôi đã làm đơn khiếu nại Quyết định cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả số 3139/QĐ-CCXP ngày 19/09/2022 của UBND TP Bảo Lộc và quyết định 435/QĐ-UBND ngày 22/02/2023 về tiếp tục cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, thông báo số 51/TB-CCHC ngày 10/3/2023 về tiếp tục thi hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả gửi đến Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng và đã được tòa án ban hành thông báo số 72/2022/TL-ST-HC ngày 07/10/2022 thụ lý vụ án theo quy định của pháp luật” bà Loan cho biết.
Sau khi nhận được thông báo thụ lý của tòa án, ngày 21/10/2022, UBND TP Bảo Lộc ban hành quyết định số 3597a /QĐ-UBND tạm đình chỉ cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả vì Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã thụ lý vụ án hành chính về việc khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai và quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan.
Thế nhưng đến ngày 27/02/2023, UBND TP Bảo Lộc lại tiếp tục ra quyết định số 435/QĐ-UBND 22/2/2023 của Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc về việc tiếp tục cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả từ ngày 14/3/2023 đến ngày 16/3/2023.
“Nhận thấy việc UBND TP Bảo Lộc ra quyết định số 435/QĐ-UBND không đúng quy định pháp luật, nên ngày 01/3/2023 tôi có làm đơn khiếu nại quyết định số 435/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc gửi đến Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Đến nay, Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ban hành thông báo 69/TB-TLBSVA ngày 07/3/2023 về việc thụ lý bổ sung yêu cầu khởi kiện vụ án hành chính sơ thẩm”, chị Loan chia sẻ.
Mặc dù vụ án đang được Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng thụ lý và có đơn cầu cứu khẩn cấp của người dân đề nghị gửi đến UBND TP xem xét lại hồ sơ nhưng ngày 15/3/2023 UBND TP Bảo Lộc vẫn kiên quyết cưỡng chế công trình của người dân.
Tại buổi làm việc với Ban Cưỡng chế liên quan đến việc khắc phục hậu quả vi phạm hành chính, khi người dân đề nghị UBND TP cũng cấp các căn cứ, pháp lý nào liên quan đến thửa đất số 600, tờ bản đồ số 37 gây ảnh hưởng đến việc phòng, chống thiên tai, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, thì Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Bảo Lộc cho biết nguồn gốc đất, bản đồ địa chính khu vực hồ Nam Phương năm 1992 đã bị thất lạc, không thể xác định được vị trị chính xác.
Không chỉ thế, khi hỏi về các tài liệu chứng minh công trình của bà Loan có ảnh hưởng đến công tác phòng, chống thiên tai, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi thì UBND tỉnh vẫn chưa cung cấp bất kỳ văn bản hay hồ sơ thiết kế công trình và cũng không xác định được ranh giới hồ cho người dân.
Dù không đưa ra cho người dân chứng cứ xác thực về ảnh hưởng đến phòng, chống thiên tai, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi và cơ quan có thẩm quyền vào cuộc thụ lý vụ án nhưng UBND TP Bảo Lộc vẫn kiên quyết cưỡng chế công trình của người dân mà không chờ đến bản án cuối cùng của Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng.
Ngày 16/3/2023, toà án nhân dân tỉnh Lâm Đồng có công văn số 58/ CV- TA gửi Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc về việc đề nghị xem xét thời gian cưỡng chế, do Chánh án Đào Chiến Thắng ký. Văn bản nêu rõ: "Theo Quy định tại điều 77 Luật Tố tụng Hành chính: Chánh án Toà án phải xem xét giải quyết khiếu nại, kiến nghị quy định tại khoản 1 Điều 76 của luật này trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại, kiến nghị. Hiện nay, Chánh án toà án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đang xem xét, giải quyết đơn khiếu nại của bà Lê Thị Loan theo quy định. Kính đề nghị Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc xem xét gia hạn thời gian thực hiện cưỡng chế...".
Thế nhưng, sáng ngày 16/3/2023 Ban cưỡng chế UBND TP Bảo Lộc vẫn thực hiện cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với bà Lê Thị Tố Loan.