Lạm phát cả năm 2023 nhiều khả năng tiếp tục giảm
Sáng 4/7, tại Hà Nội, Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2023. Hội thảo nhằm lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để tìm giải pháp quản lý, điều hành giá theo mục tiêu để ra.
Tại hội thảo, việc điều hành để giữ lạm phát theo mục tiêu đề ra nhận được sự quan tâm của các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế.
Quang cảnh hội thảo |
Tình hình giá cả 6 tháng đầu năm êm ả
Với bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế hiện nay, cùng sự thận trọng của chính sách tiền tệ, lạm phát trong năm 2023 nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm. Mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% chắc chắn được hoàn thành.
Tại hội thảo, TS Nguyễn Quốc Phương, Phó giám đốc Trung tâm thông tin Bộ Công thương cho biết, kinh tế thế giới trên ranh giới suy thoái và phục hồi. Do đó 6 tháng cuối năm có 2 kịch bản CPI. Cụ thể, kịch bản 1: kinh tế thế giới suy thoái, nên giá không tăng. Như vậy kết hợp các yếu tố thuận lợi và bất lợi, dự báo CPI 6 tháng cuối năm không tăng mạnh, khoảng 3,5%. Với kịch bản 2: kinh tế thế giới phục hồi, giá hàng hóa tăng nhẹ, CPI có thể tăng, bình quân 4-4,5%.
Theo chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Đức Độ, 6 tháng đầu năm, có thể thấy lạm phát đã đạt đỉnh vào tháng 1, nhưng cũng giảm mạnh hơn dự báo. Số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 6/2023 đã giảm về mức chỉ còn 2%. Dự báo về lạm phát cả năm, TS Nguyễn Đức Độ nhận định, các yếu tố về cung tiền, lãi suất và tổng cầu không chỉ khiến lạm phát giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm nay, mà còn tiếp tục có tác động kiềm chế tốc độ tăng CPI trong 6 tháng cuối năm.
Sự suy giảm mạnh của lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2023 xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu sau: Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức thấp với tất cả các cấu thành của tổng cầu đều tăng trưởng chậm (đầu tư, tiêu dùng) hoặc sụt giảm (xuất khẩu). Thứ hai, tăng trưởng cung tiền cũng thấp. Tổng phương tiện thanh toán tính đến ngày 20/6/2023 mới chỉ tăng 2,53% so với cuối năm 2022, thấp hơn cả thời kỳ xảy ra dịch bệnh Covid-19.
Nguyên nhân chính khiến cung tiền tăng chậm, một mặt, là do tổng cầu yếu khiến nhu cầu tín dụng thấp, mặt khác, do các ngân hàng thương mại hạn chế cho vay khi lo ngại nợ xấu gia tăng. Những nguyên nhân này khiến số nhân tiền tệ hay tốc độ quay vòng tiền tệ bị suy giảm mạnh.
Cần đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát lạm phát
Theo các chuyên gia, để kiểm soát lạm phát, từ nay đến cuối năm cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó phối hợp chính sách tiền tệ thận trọng với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý và các chính sách khác để ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn nền kinh tế. Các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng; chủ động chuẩn bị nguồn hàng, đáp ứng tiêu dùng; sử dụng hiệu quả các công cụ điều tiết giá bình ổn thị trường.
Ở góc độ quản lý, Cục Quản lý giá cho biết, Bộ Tài chính tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương quản lý, điều hành giá theo nguyên tắc thận trọng, linh hoạt và thực hiện tốt công tác tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá.
Đặc biệt, trong điều kiện nếu dư địa lạm phát tương đối rộng để điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý trong bối cảnh mục tiêu lạm phát năm 2023 được Quốc hội phê duyệt ở mức 4,5%, các bộ, ngành cần tận dụng thời điểm để chủ động sớm phương án điều chỉnh, tránh dồn vào các tháng cuối năm, hoặc vào cùng một thời điểm để hạn chế tác động cộng hưởng, giảm bớt áp lực công tác điều hành giá. Đồng thời, cần có phương án giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với người nghèo và những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước những tác động từ việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, tổ chức triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá...
Chuyên gia kinh tế Vũ Vĩnh Phú dự báo khả năng CPI cả năm cao nhất sẽ đạt ở mức 3,8 - 4% là có thể đạt được, góp phần vào việc ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Theo vị chuyên gia này, các mặt hàng là đầu vào của xã hội như xăng dầu, than, điện... cần quản lý một cách chặt chẽ tránh những điều hành đột biến không có lợi cho thị trường và giá cả chung.