Làm sao để tăng trưởng bền vững?

Tăng trưởng GDP năm 2020 đạt 2,91%, thuộc nhóm cao nhất thế giới, song để tăng trưởng bền vững cần trú trọng nhiều yếu tố.

Tăng trưởng GDP năm 2020 đạt 2,91%, thuộc nhóm cao nhất thế giới, song để tăng trưởng bền vững cần trú trọng nhiều yếu tố.

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, kinh tế Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới, với tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 tăng 2,91% so với năm trước. Kết quả trên được đánh giá là thành công rất lớn, tuy nhiên chuyên gia kinh tế Bùi Trinh vẫn băn khoăn về tính bền vững của tăng trưởng.

Làm sao để tăng trưởng bền vững? - Ảnh 1
GDP Việt Nam năm 2020 tăng trưởng 2,91%, thuộc nhóm cao nhất thế giới.

 Xuất siêu nhiều, hưởng lợi bao nhiêu?

PV: Báo cáo từ Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế năm 2020 cho biết, GDP Việt Nam tăng 2,91%, thuộc nhóm nước có tăng trưởng cao nhất thế giới. Đánh giá của các cơ quan chức năng cho thấy, trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế xã hội thì đây là thành công lớn.

Báo cáo cho rằng, kết quả trên có được là nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh; động lực từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU. Nhờ thế, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 ước đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%. Năm 2020, Việt Nam xuất siêu 19,1 tỷ USD. Ông bình luận thế nào về kết quả trên?

TS Bùi Trinh: Tôi không bình luận nhiều về số liệu thống kê, tuy nhiên tôi vẫn nhắc lại con số tăng trưởng GDP cao hay thấp không có ý nghĩa nhiều đối với nền kinh tế Việt Nam. Cách tính GDP dựa trên quản lý cầu là của Keynes được đưa ra trong bối cảnh thế giới khủng hoảng thừa những năm 30 của thế kỷ trước. Người ta quản lý cầu là vì kỳ vọng rằng khi kích cầu tăng 1 đồng thì sẽ kích cung tăng hơn 1 đồng. Trong khi đó, thực tế tại Việt Nam hiện nay không giống như vậy, vì thế, chúng ta cũng không nên áp dụng cách tính này.

Nền kinh tế sản xuất của chúng ta còn yếu và phụ thuộc vào FDI.

Mặt khác, muốn tăng trưởng, kinh tế Việt Nam dựa trên 3 rường cột quan trọng: Xuất nhập khẩu, đầu tư cơ sở hạ tầng và tiêu dùng. Khi đó, muốn kinh tế tăng trưởng mạnh, chỉ cần tăng trưởng kinh tế tiêu dùng bởi kinh tế tiêu dùng luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tăng trưởng GDP. Chỉ cần tiêu dùng tăng, GDP sẽ tăng nhưng không có ý nghĩa lớn đối với nền kinh tế, về lâu về dài sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực.

Việc tính toán GDP theo sức mua tương đương tăng nhanh những năm tới cũng chỉ có ý nghĩa về thành tích, dùng để so sánh với các nước khác. Nó tương tự như chuyện Việt Nam xuất siêu hơn 20 tỉ USD trong 11 tháng năm nay, nhưng người Việt chỉ được hưởng lợi 14-17% giá trị xuất siêu đó.

Về tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu trong nước, chúng ta cũng không nên quá sa đà vào kết quả này vì xét cho cùng, xuất siêu hay nhập siêu đều là của FDI, không liên quan gì đến doanh nghiệp trong nước.

Phân tích cụ thể từ năm 2011 trở về trước sẽ thấy, chúng ta luôn nhập siêu, nhưng từ năm 2012 luôn có thặng dư và năm 2019 chúng ta xuất siêu gần 11 tỷ USD.

Tính theo từng khu vực, sẽ thấy khu vực trong nước luôn nhập siêu và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài FDI luôn xuất siêu. Năm 2010, khu vực trong nước nhập siêu 14,8 tỷ USD, đến năm 2019 nhập siêu của khu vực này là 24 tỷ USD.
Trong khi đó, khu vực FDI năm 2010 xuất siêu 2,2 tỷ USD, đến năm 2019 tăng lên 34,5 tỷ USD. Tỷ lệ xuất khẩu của khu vực FDI chiếm trong tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa tăng từ 54% năm 2010 lên 72% năm 2018 và 68% năm 2019. Như vậy có thể thấy việc xuất siêu hay nhập siêu của cả nước hoàn toàn do khu vực FDI quyết định.

Đáng nói, xuất siêu nhiều nhưng tỷ lệ nội địa hóa rất thấp. Theo báo cáo của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản công bố năm 2019, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam đạt 36,3%. Tuy nhiên, số doanh nghiệp Nhật thực sự mua các thiết bị nguyên liệu, phụ tùng chuẩn của doanh nghiệp Việt Nam chỉ dừng lại ở 14,4%.
Hay Samsung cũng vậy. Dù tuyên bố tỷ lệ nội địa hóa ở Việt Nam của tập đoàn này lên tới 57%, nhưng nếu trừ tỷ trọng xuất khẩu của các nhà cung ứng này, chắc chắn tỷ lệ nội địa hóa của Samsung ở Việt Nam thấp hơn con số 57%.

 Từ tỷ lệ nội địa hóa thấp, giá trị Việt Nam thực sự được hưởng cũng rất hạn chế. Ví dụ, đến ngày 15/3 nhóm điện thoại, linh kiện xuất khẩu 10,2 tỷ USD, chỉ có thể mang lại khoảng 2,7 tỷ USD giá trị tăng thêm, trong đó phía Việt Nam thực sự được hưởng 1,4 tỷ USD.

Mặt khác, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam lại chủ yếu là các mặt hàng điện tử, máy tính, điện thoại, điều này cũng đồng nghĩa với việc xuất khẩu càng nhiều thì nhập khẩu sẽ càng lớn. Như vậy, giá trị tăng thêm từ xuất khẩu những mặt hàng này chủ yếu lan tỏa đến khu vực nhập khẩu, không có giá trị lan tỏa nhiều tới các lĩnh vực kinh tế khác.

Ví dụ, nếu xuất khẩu hàng điện tử máy tính, điện thoại và linh kiện 100 USD chỉ tạo ra 27 USD giá trị tăng thêm và người lao động chỉ được hưởng 14 USD. Hay xuất khẩu sản phẩm dệt may, giày da 100 USD tạo ra 31 USD giá trị tăng thêm và 18 USD thu nhập của người lao động.

Các phân tích trên cho thấy, hàm lượng Việt Nam trong các sản phẩm xuất khẩu rất thấp, chỉ đạt dưới 20%. Nói cách khác, giá trị Việt Nam nhận được từ các sản phẩm xuất khẩu là rất hạn chế.

Chưa kể tình trạng doanh nghiệp FDI thường xuyên báo lỗ, chuyển giá, nếu tính toán chi li, xuất khẩu càng nhiều Việt Nam thậm chí còn càng thiệt.

Chưa hết, báo cáo của Bộ Tài chính mới đây cho biết, cả nước có 12.455 doanh nghiệp FDI báo lỗ 131.445 tỷ đồng trong năm 2019. Đây rõ ràng là vấn đề cần xem xét, mổ xẻ. Còn theo niên giám Thống kê giá trị gia tăng của khu vực FDI khoảng 52 tỷ USD, khoảng 35% trong số đó là thặng dư, tức khoảng 18 tỷ USD.

Cũng theo số liệu trên website của Tổng cục Thống kê, số chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài khoảng 15 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa gần 89% lợi nhuận của khu vực FDI được chuyển về nước họ. Đây là nghịch lý nữa buộc chúng ta phải suy nghĩ lại về chỉ số tăng trưởng GDP cũng như thành tích xuất khẩu những năm qua.

PV: Đáng lưu ý, chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2020 dừng ở mức 3,23%, nghĩa là cao hơn so với mức tăng trưởng. Kết quả này được đánh giá là một thành tích trước những biến động lớn của giá cả các mặt hàng năm 2020, việc chỉ số lạm phát cao hơn tăng trưởng có phải là một điều cần lưu tâm? Xin ông phân tích cụ thể.

TS Bùi Trinh: Chỉ số lạm phát cao hơn tăng trưởng là rất bình thường, không có gì đáng quan ngại. Điều tôi lo ngại hơn là theo điều tra mới công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ suất lợi nhuận trên vốn của các khối doanh nghiệp (trừ khối FDI) rất thấp, chỉ đạt 2,3-2,5%, thấp hơn lãi suất ngân hàng, thấp hơn cả lạm phát rất nhiều.

Thực trạng này cho thấy sức khỏe, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn, doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp sẽ có xu hướng thu mình, lựa chọn giải pháp an toàn là mang tiền gửi ngân hàng, thay vì lựa chọn đầu tư, mở rộng sản xuất.

 Trong bối cảnh đó, nếu điều tra trên là chính xác cũng cần cảnh báo một xu hướng mới, đó là doanh nghiệp mở ra nhưng không kinh doanh. Đây là lý do vì sao trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, khi hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa thì vẫn có hàng trăm doanh nghiệp khác được mở ra. Nếu không thận trọng thì việc các doanh nghiệp mở ra chưa chắc đã vì mục đích sản xuất, kinh doanh, thay vào đó là để nhắm vào đất đai hoặc vì những mục đích lợi ích khác. Đây mới là điều thật sự đáng lo ngại.

Giảm phụ thuộc xuất siêu, cơ cấu lại sản xuất

PV: Một điểm khác khiến dư luận băn khoăn là thống kê chỉ ra số doanh nghiệp phải rời thị trường năm 2020 lên hơn 100.000 doanh nghiệp, tăng 13,9% so với năm 2019, một con số kỷ lục từ trước đến nay.

Các ngành sản xuất trong nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, trong đó, chỉ riêng ngành du lịch chịu thiệt hại tới 23 tỷ USD.

Với những tác động nói trên, điểm sáng tăng trưởng có vẻ như vẫn dựa nhiều vào thành tích xuất siêu. Phải nhìn nhận thế nào về vấn đề này? Trong bối cảnh kinh tế khó khăn do dịch bệnh, tính hai mặt của sự phụ thuộc này cần được nhìn nhận thế nào?

TS Bùi Trinh: Đây là vấn đề lớn, nhưng khó khăn tác động tới kinh tế Việt Nam không chỉ có dịch bệnh COVID-19. Ngay từ đầu năm 2020, Việt Nam đã phải đối diện và phải đối phó với tình trạng hạn hán tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đến giữa năm 2020, Việt Nam lại phải đối diện với tình trạng lũ lụt tại các tỉnh miền Trung.

Trong khi đó, hoạt động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp thua lỗ, phá sản, rời thị trường lên tới con số hàng chục ngàn.

Xét theo cơ cấu tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam giai đoạn 2007-2019 thì chủ yếu dựa vào khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh cá thể. Thế nhưng, trong tổng số các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ chỉ có hơn 85% hoạt động sản xuất thực sự. 15% còn lại không hoạt động. Đáng nói, có tới 93% số doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ làm ăn không có lãi.

Cụ thể, số liệu từ điều tra doanh nghiệp trong giai đoạn 2011 – 2018 cho thấy, tỷ lệ thua lỗ của các doanh nghiệp Việt Nam đang có xu hướng tăng trong thời gian qua, trong đó đặc biệt cao ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và các doanh nghiệp siêu nhỏ.

Xét theo quy mô, các doanh nghiệp siêu nhỏ có tỷ lệ thua lỗ rất cao, chiếm tới 53,34% trong năm 2016 so với các nhóm doanh nghiệp còn lại. Trong bối cảnh này nếu GDP có tăng thì như đã nói ban đầu, điều đó cũng không mang lại nhiều ý nghĩa cho nền kinh tế.

Còn theo Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020, kết quả tăng trưởng kinh tế có sự đóng góp tích cực của khu vực doanh nghiệp đạt trên 60% vào GDP. Tuy nhiên, số liệu cũng chỉ ra cả nước có khoảng 5,5 triệu hộ kinh doanh và đóng góp 34% GDP. Với một nền kinh tế mà cơ cấu tăng trưởng GDP bình quân lại chủ yếu dựa vào khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh cá thể thì cần phải suy nghĩ.

Nếu chỉ nhìn vào điểm sáng xuất siêu thì cũng không phải là thành tích đáng tự hào. Bởi thành tích xuất siêu chỉ là bề nổi. Việc xuất siêu trên thực tế không mang lại nhiều lợi ích cho người dân và nền kinh tế Việt Nam. Lợi ích phần lớn rơi vào các nước chủ sở hữu các doanh nghiệp FDI và các nước xuất khẩu yếu tố đầu vào cho sản xuất tại Việt Nam.

Muốn được hưởng lợi thực sự, phải tăng “hàm lượng Việt Nam” trong chuỗi giá trị xuất khẩu hàng hóa. Để làm được như vậy, phải thúc đẩy khu vực trong nước phát triển sản phẩm phụ trợ, thay vì chú trọng ưu đãi các doanh nghiệp FDI mang nặng tính gia công, lắp ráp để đạt được những chỉ số GDP đẹp trước mắt nhưng không bền vững về lâu dài. Cấu trúc kinh tế cùng sự thiên lệch trong việc ưu tiên các doanh nghiệp FDI xuất khẩu theo cách hiện nay không mang lại nhiều giá trị tăng thêm, thậm chí còn làm hao mòn nguồn lực trong nước.

PV: Trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, mục tiêu năm 2021 tăng trưởng GDP là 6%, quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD, chỉ số giá tiêu dùng bình quân đạt 4%... liệu có khả thi? Để đạt được mục tiêu này, theo ông, nền kinh tế Việt Nam nên dựa vào những động lực nào để tăng trưởng? Và cơ cấu nền kinh tế cần có sự chuyển đổi theo hướng tự chủ và bền vững ra sao? Xin ông phân tích kỹ hơn.

TS Bùi Trinh: Tôi không bình luận về mục tiêu trên. Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm ban đầu, GDP không có nhiều ý nghĩa với nền kinh tế, do đó không cần phải bình luận về chỉ số này.

Mặc dù vậy, tôi lại rất quan tâm tới những động lực có thể giúp nền kinh tế dựa vào để đạt tăng trưởng tốt. Trước hết, để tăng trưởng GDP bền vững, cần phải cấu trúc lại toàn bộ nền kinh tế, cải cách hành chính, cải cách môi trường kinh doanh và đặc biệt là chống tham nhũng. Cần củng cố niềm tin của khu vực kinh tế tư nhân, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp để tăng đóng góp của doanh nghiệp tư nhân vào tăng trưởng kinh tế.

Về cơ cấu ngành nghề sản xuất, cần phải xem lại ngành nào đem lại giá trị gia tăng cho đất nước, mang lại giá trị thực chất nâng cao đời sống cho người dân Việt Nam để ưu tiên, chú trọng, đẩy mạnh.

Kể cả trong bối cảnh có dịch bệnh hay không dịch bệnh, cơ cấu nền kinh tế vẫn cần chuyển đổi, hướng dần tới những ngành có độ lan tỏa và độ nhạy cảm cao. Cụ thể ở đây là các nhóm ngành nông nghiệp, tiếp theo là nhóm ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp và tiếp đến là các nhóm ngành dịch vụ.

Đặc biệt cần tập trung vào nông nghiệp và công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp sẽ mang lại giá trị gia tăng cao và thực chất hơn cho đời sống người dân Việt Nam. Nhiều nước phát triển trên thế giới cũng làm vậy, nông nghiệp vẫn luôn được chú trọng.

Cùng với đó cũng phải có những giải pháp để phát triến kinh tế tư nhân, các hộ kinh tế cá thể ngày càng lớn mạnh. Chú trọng doanh nghiệp trong nước để phát triển nội lực và tăng giá trị đóng góp vào GDP thay vì phụ thuộc vào FDI.

  PV: Xin cảm ơn ông !

Vũ Lan

Theo Báo Đất Việt