Tăng trưởng GDP cả năm đạt 2,91%: Bước chạy đà cho những đột phá năm 2021
Quý IV/2020, nền kinh tế bứt tốc với mức tăng trưởng 4,48%, đẩy GDP cả năm lên 2,91%. Đây là mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo Tổng cục Thống kê, mức tăng 4,48% là mức tăng thấp nhất của quý IV/2020 các năm trong giai đoạn 2011 - 2020, nhưng lại là mức tăng trưởng vượt dự kiến trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát chặt chẽ, nền kinh tế từng bước hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã tạo động lực cho nền kinh tế, giúp cho kinh tế quý IV/2020 tăng trưởng khởi sắc so với quý III/2020.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,69% so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,60%; khu vực dịch vụ tăng 4,29%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,07%.
Quan trọng hơn, với sự bứt tốc của nền kinh tế trong quý IV/2020, tăng trưởng GDP cả năm 2020 ước đạt 2,91%. Mức tăng trưởng này, theo Tổng cục Thống kê, tuy là thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011 - 2020, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội thì đây là thành công lớn của Việt Nam.
Nhìn vào các số liệu thống kê về tình hình tăng trưởng qua từng quý của năm 2020 có thể thấy, nhờ sự nỗ lực điều hành của Chính phủ, cũng như sự quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các ngành, các cấp, nền kinh tế đã dần phục hồi. Cụ thể, quý I/2020, nền kinh tế tăng trưởng 3,68%; sang quý II/2020 chỉ còn tăng trưởng 0,39%; quý III/2020 nhích lên 2,69%; còn quý IV/2020 bật tăng với 4,48%.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 13,5% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,98%, đóng góp 53%; khu vực dịch vụ tăng 2,34%, đóng góp 33,5%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, chất lượng tăng trưởng kinh tế cũng đã có sự cải thiện. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2020 ước tính đạt 117,9 triệu đồng/lao động (tương đương 5.081 USD/lao động, tăng 290 USD so với năm 2019.
Còn theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 5,4%, do trình độ của người lao động ngày càng được nâng cao (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ năm 2020 đạt 24,1%, cao hơn mức 22,8% của năm 2019).
Với mức GDP 2,91% trong 2020, Việt Nam vẫn thuộc nhóm nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. “Điều này cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng nhìn nhận, đây là mức tăng trưởng như kỳ vọng, trong bối cảnh hầu hết các quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng âm. Với đà này, chỉ tiêu tăng trưởng 6% của năm 2021 hoàn toàn có thể thực hiện được.
Theo đánh giá của vị chuyên gia, trước hết, phải nhìn nhận rằng, có được chỉ số này là do nỗ lực của doanh nghiệp, thích ứng rất nhanh với đại dịch, tìm mọi cách để có thể tồn tại và phát triển, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp đã dần quen với một trạng thái gọi là “bình thường mới”, đó là vừa tích cực chống dịch, nhưng đồng thời vừa nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo ra mức tăng trưởng khá tốt trong quý IV này. Càng những tháng cuối năm, càng hoạt động tốt hơn.
“Qua số liệu thống kê từ tháng 10, tháng 11, chúng ta thấy rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đã có bước phục hồi rất ngoạn mục. Số doanh nghiệp thành lập mới cũng như số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động còn tăng lên so với 11 tháng của năm 2019.
Bước vào quý IV/2020, các doanh nghiệp đều được kỳ vọng sẽ có tăng trưởng tốt hơn. Và các doanh nghiệp cũng đã rất nỗ lực để tăng trưởng", ông Thịnh cho hay.
Tiếp đó, theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, sự thành công này có được là do sự hỗ trợ rất kịp thời của Chính phủ và các cơ quan chức năng trong việc tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Điều đáng kể nhất là việc giảm thiểu các chi phí chính thức và không chính thức, các thủ tục được thông thoáng hơn. Các chính sách về giãn hoãn thuế, giãn nợ cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp có được nguồn tài chính để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Ông Thịnh đánh giá, nỗ lực phòng chống, kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam đã được cả thế giới ghi nhận. Chúng ta chuyển hướng từ việc giãn cách toàn xã hội, giãn cách diện rộng sang vừa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, vừa phòng chống dịch một cách rất triệt để. Khi có dịch bùng phát thì kiểm soát khả năng lây lan từng địa bàn nhỏ một cách tối đa. Do đó, các hoạt động sản xuất kinh doanh ít bị ảnh hưởng hơn.
“Mức tăng trưởng GDP 2,91% sẽ là động lực, là bước chạy đà cho những bứt phá của năm 2021, của nền kinh tế nói chung. Từ đó các doanh nghiệp có thể đạt được những kết quả cao hơn”, vị chuyên gia nhấn mạnh thêm.
Ông Thịnh cũng cho rằng, những chỉ số về mức tăng trưởng của nền kinh tế vĩ mô cũng mở ra cửa sáng, tạo lực đẩy cho thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng nhanh: “Đây là một điểm sáng của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và sẽ là một yếu tố thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư quay trở lại với thị trường, dòng tiền sẽ sôi động và linh hoạt hơn. Chúng ta hy vọng sẽ thu hút được dòng vốn đầu tư từ dịch chuyển sản xuất trên thế giới, chỉ số FDI sẽ tăng lên và ngày càng chất lượng hơn”.
Bên cạnh đó, khi sản xuất kinh doanh phát triển trở lại, đời sống của người dân cũng được nâng lên, mức thu nhập cao hơn sẽ kích thích các nhu cầu quay trở lại, đặc biệt là nhu cầu lớn về bất động sản, nhu cầu nghỉ dưỡng.
“Trong quý I, quý II năm 2021, nhiều quốc gia trên thế giới có thể vẫn còn gặp khó khăn, nhiều nền kinh tế vẫn phải đóng cửa. Nhưng ở Việt Nam, tiêu dùng nội địa sẽ càng mở rộng ra, các nhu cầu chi tiêu tăng lên. Các nhà đầu tư sẽ rót vốn vào thị trường bất động sản nhiều hơn, biểu hiện rõ nhất là giá bất động sản nhiều khu vực trong thời điểm cuối năm đang rục rịch tăng”, vị chuyên gia nhận định.