Làn sóng đầu tư tài chính rầm rộ đổ vào lĩnh vực bản quyền âm nhạc

Nguồn tài chính bên ngoài đổ vào ngành công nghiệp âm nhạc từ lâu đã đóng một vai trò quan trọng trong ngành kinh doanh âm nhạc, nhưng chưa bao giờ ở quy mô rầm rộ như vậy. Quy mô đầu tư này không có dấu hiệu chậm lại.

Thương vụ mới nhất trong làn sóng giao dịch bản quyền âm nhạc

Pershing Square Tontine Holdings (PSTH), công ty có trụ sở tại New York, xác nhận họ đang thảo luận để mua lại 10% cổ phần của Universal Music Group (UMG) với giá khoảng 4 tỷ USD.

PSTH được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) là một công ty chuyên mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) liên kết với Pershing Square Holdings, do tỷ phú Bill Ackman làm Giám đốc điều hành. Một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (special purpose acquisition company) về cơ bản là một công ty vỏ bọc được thành lập bởi các nhà đầu tư, với mục đích duy nhất là huy động tiền thông qua IPO để cuối cùng mua lại một công ty khác.

Cả Pershing Square và Vivendi đều xác nhận rằng giao dịch được đề xuất sẽ đưa giá trị doanh nghiệp của UMG lên 35 tỷ euro (42,4 tỷ USD theo tỷ giá hối đoái hiện tại). PSTH cho biết thỏa thuận này "tùy thuộc vào việc hoàn thành tài liệu giao dịch thỏa đáng của hai bên, nhưng không phải thẩm định bổ sung".

Bill Ackman, Giám đốc điều hành của PSTH cho biết: “Universal Music Group là một trong những doanh nghiệp vĩ đại nhất trên thế giới. “Được Lucian Grainge dẫn dắt, UMG có một trong những đội ngũ quản lý xuất sắc nhất mà tôi từng gặp”.

“Điều quan trọng, UMG đáp ứng tất cả các tiêu chí mua lại và nguyên tắc đầu tư của chúng tôi vì đây là công ty âm nhạc hàng đầu thế giới, với tiền bản quyền dựa trên nhu cầu âm nhạc ngày càng tăng trên toàn cầu”.

Làn sóng đầu tư tài chính rầm rộ đổ vào lĩnh vực bản quyền âm nhạc - Ảnh 1

Không giống như hầu hết các kết hợp kinh doanh SPAC, PSTH và UMG sẽ không kết hợp thành một công ty sau giao dịch.

PSTH đã nói với các cổ đông rằng UMG mang lại “những lợi thế chiến lược và cạnh tranh” như nắm giữ thị phần số một ngành trong môi trường cạnh tranh ổn định. Đội ngũ quản lý đẳng cấp thế giới mang tính biểu tượng; thị trường tổng thể có địa chỉ rộng lớn và đang phát triển. Mọi người đều yêu âm nhạc!

Việc người tiêu dùng toàn cầu chấp nhận tính năng phát trực tuyến sẽ tạo ra mức tăng trưởng cao trong nhiều năm cho UMG. UMG sẽ là công ty cung cấp nội dung âm nhạc lớn thuần túy, không bị kiểm soát duy nhất và UMG có một ban giám đốc độc lập, chất lượng cao.

Các tổ chức tài chính đổ tiền mua bản quyền âm nhạc

Theo blog âm nhạc Music Industry Blog, thương vụ về việc PSTH lên kế hoạch mua lại 10% cổ phần của UMG là thông tin mới nhất trong làn sóng giao dịch tài chính của ngành công nghiệp bản quyền âm nhạc.

Bên cạnh thương vụ đáng chú ý này, đợt IPO sắp xảy ra của Believe có khả năng trở thành một trong những điều lớn nhất sẽ xảy ra đối với lĩnh vực âm nhạc độc lập và là một phần của làn sóng IPO trong ngành âm nhạc.

Xu hướng này được gọi là “tài chính hóa âm nhạc” nhưng điều đó chỉ nắm bắt được một phần của những gì đang diễn ra trong ngành công nghiệp âm nhạc trực tuyến. Đây không chỉ đơn giản là các giao dịch mua bán, các tổ chức tài chính hiện đang trở thành một phần của hệ thống kinh doanh âm nhạc. Và đến lượt họ, các tổ chức tài chính sẽ thay đổi định nghĩa về những gì tạo nên thành công trong ngành âm nhạc. Sự thay đổi mục tiêu và kết quả mong muốn này có khả năng tái cân bằng cách thức hoạt động của ngành công nghiệp âm nhạc.

Mặc dù chiến lược và nguyện vọng của các tổ chức tài chính đầu tư vào âm nhạc rất đa dạng, nhưng chúng thường rất khác với chiến lược của các công ty âm nhạc, đặc biệt là chiến lược của các chủ sở hữu bản quyền âm nhạc truyền thống. Điều gì tạo nên thành công cho người này có thể không quan trọng nhiều đối với người kia. Ví dụ, một mục tiêu đáng tin cậy trong ngành âm nhạc (như đưa ra danh sách phát) có thể có ít liên quan tức thì đến giá trị loại nội dung.

Ngay cả các xu hướng thị trường vĩ mô cũng cho thấy sự mất kết nối, giá trị của các giao dịch danh mục âm nhạc được công bố công khai đã tăng 14% vào năm 2020, trong khi doanh thu của nhà xuất bản âm nhạc toàn cầu và hãng thu âm chỉ tăng 8%, tức là giá trị tài chính của danh mục âm nhạc tăng nhanh hơn khả năng tạo ra doanh thu.

Ngành công nghiệp âm nhạc sẽ thay đổi?

Bản quyền âm nhạc đã trở thành một loại tài sản, với giá trị của chúng được xác định khác với cách mà ngành công nghiệp âm nhạc thường đo lường giá trị. Giá trị của một bài hát đối với ngành công nghiệp âm nhạc nằm ở hiệu suất thương mại và văn hóa của nó.

Nhưng giá trị của bài hát đó trong danh mục tài sản tài chính cũng được xác định bởi nhiều yếu tố hơn, bao gồm cả giá trị tương đối của âm nhạc như một loại tài sản so với các loại tài sản tài chính khác. Khi các tổ chức như nhà quản lý đầu tư có được bản quyền âm nhạc, họ sẽ thêm chúng vào danh mục tài sản đa dạng, và âm nhạc đại diện cho một mức rủi ro và lợi tức cụ thể. Các tổ chức tài chính đó tích lũy giá trị bằng cách đóng gói lại tài sản trong các sản phẩm tài chính phái sinh mà sau đó họ sẽ bán. Đây là hoạt động sản xuất bản quyền âm nhạc.

Tất cả điều này đều quan trọng vì các mục tiêu chiến lược của các đơn vị tài chính chắc chắn sẽ định hình các mục tiêu của công ty quyền âm nhạc. Chẳng hạn, việc tập đoàn do Tencent đứng đầu mua lại 20% cổ phần của UMG đã đặt cược giá trị vào bản quyền thay vì đặt cược vào hệ thống phân phối (như Spotify). Như vậy, sẽ có một loạt quan điểm về mối quan hệ của UMG với các dịch vụ phát trực tuyến. Hiện tại, những quan điểm đó rất có thể phù hợp với quan điểm của ban lãnh đạo UMG, nhưng nếu ở một số giai đoạn, chúng có sự khác biệt thì bản thân chiến lược của UMG có thể bị ảnh hưởng.

Ví dụ trên đã minh họa rằng quy mô và bản chất của các khoản đầu tư vào bản quyền âm nhạc cũng đang thay đổi cách thức hoạt động của doanh nghiệp âm nhạc. Trong một số trường hợp sẽ dẫn đến chủ nghĩa bảo thủ, trong một số trường hợp khác, sẽ tạo ra chủ nghĩa cơ hội táo bạo. Nhưng các yếu tố quyết định sẽ không liên quan nhiều đến đặc điểm âm nhạc của công ty âm nhạc, mà liên quan nhiều hơn về luận điểm đầu tư của người ủng hộ tài chính.

Tài chính bên ngoài từ lâu đã đóng một vai trò quan trọng trong ngành kinh doanh âm nhạc, nhưng chưa bao giờ ở quy mô rầm rộ như vậy. Danh mục các vụ giao dịch sáp nhập và mua lại trong ngành công nghiệp âm nhạc (không bao gồm IPO, SPAC...) đã đạt 74% mức kỷ lục vào năm 2020. Quy mô đầu tư này không có dấu hiệu chậm lại. Vì vậy, bất kể quan điểm của mọi người về việc sản xuất bản quyền âm nhạc như thế nào, thì đây là một động lực thị trường sẽ giúp định hình tương lai của ngành kinh doanh âm nhạc.

Hoàng Lan

Theo DNVN