LDG: Quý IV lỗ 39 tỷ, cả năm chỉ lãi 4 tỷ, hoàn thành 1,3% kế hoạch
Công ty Cổ phần Đầu tư LDG (HoSE: LDG) đã có một năm kinh doanh bết bát khi chỉ hoàn thành 16% mục tiêu doanh thu và 1,3% mục tiêu lợi nhuận. Mức lợi nhuận “hạt tiêu” của năm 2022 có phần đóng góp không nhỏ của khoản lỗ sau thuế 39 tỷ đồng trong quý IV.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất, quý IV/2022, doanh thu thuần của LDG đạt 47 tỷ đồng, giảm 83% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là việc buôn bán hàng hóa bất động sản gần như “sụp đổ” với doanh thu chỉ 12 tỷ đồng, giảm 96%, trong khi doanh thu xây dựng chỉ 33 tỷ đồng – quá nhỏ để cứu vãn.
Do doanh thu rất thấp, lợi nhuận gộp quý IV/2022 cũng chỉ đạt 10 tỷ đồng, giảm 93% so với cùng kỳ.
Trong quý, doanh thu tài chính có thể xem là điểm sáng, đạt 67 tỷ đồng (chủ yếu là lãi từ thanh lý khoản đầu tư dài hạn), song so với cùng kỳ vẫn giảm 55%. Bên cạnh đó, chi phí tài chính tăng 3,7 lần lên 70 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng gấp 3, lên 17 tỷ đồng; chi phí quản lý tăng 5% lên 25 tỷ đồng. Tất cả đã khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 35 tỷ đồng.
LDG còn phải chịu thêm 10 tỷ đồng lỗ khác, khiến lợi nhuận trước thuế quý IV/2022 âm tới 46 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 246 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý IV/2022 âm 39 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 196 tỷ đồng.
Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần của LDG đạt 276 tỷ đồng, giảm 54% so với năm trước. Nguyên nhân cơ bản vẫn là sự suy giảm của việc buôn bán hàng hóa bất động sản (giảm 68%, đạt 181 tỷ đồng), trong khi đây là mảng chiếm tới 65% tổng doanh thu năm 2022. Hoạt động cung cấp dịch vụ và môi giới bất động sản gần như tê liệt, với doanh thu chỉ 1,5 tỷ đồng. Vì vậy, một mình doanh thu hoạt động xây dựng (93 tỷ đồng) là không đủ để gánh vác.
Lợi nhuận gộp cả năm đạt 107 tỷ đồng, giảm 66%. Biên lợi nhuận gộp đạt 38,7%, giảm mạnh so với năm trước là 51,9%.
Hoạt động tài chính trong năm của LDG khá ấn tượng với doanh thu 202 tỷ đồng, tăng 27%, gồm: lãi hợp tác đầu tư và phạt chậm thanh toán (133 tỷ đồng), lãi từ thanh lý khoản đầu tư dài hạn (67 tỷ đồng).
Tuy nhiên, với việc các loại chi phí tăng mạnh (chi phí tài chính tăng gấp 3 lần, chi phí bán hàng tăng 72%, chi phí quản lý tăng 14%), cộng thêm khoản lỗ khác 11 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của LDG chỉ đạt 8 tỷ đồng, giảm 97%; lợi nhuận sau thuế chỉ 4 tỷ đồng, giảm 98% so với năm trước.
Năm 2022, LDG đặt mục tiêu doanh thu 2.337 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 310 tỷ đồng. Như vậy, công ty mới chỉ 16% mục tiêu doanh thu và 1,3% mục tiêu lợi nhuận.
Không chỉ kinh doanh sa sút, dòng tiền của LDG cũng rất xấu. Dòng tiền kinh doanh âm 36 tỷ đồng, do tăng các khoản phải thu (775 tỷ đồng), chi trả lãi vay (87 tỷ đồng). Dòng tiền đầu tư chỉ dương 26 tỷ đồng. Do đó, LDG chỉ có thể trông cậy vào việc đi vay. Tiền thu từ đi vay năm 2022 của công ty đạt 1.297 tỷ đồng, tiền trả nợ gốc vay lên tới 1.358 tỷ đồng. Kết quả là lưu chuyển tiền thuần âm 72 tỷ đồng, khiến tiền và tương đương tiền cuối năm chỉ còn vỏn vẹn 3 tỷ đồng, giảm 96% so với đầu năm.
Về tài sản, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của LDG đạt 7.930 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 39% tổng tài sản, đạt 3.130 tỷ đồng và tăng 21% so với đầu năm. Các khoản phải thu dài hạn chiếm 32% và tăng 17%. Hàng tồn kho chiếm 15%, đạt 1.205 tỷ đồng, giảm 10%. Như vậy 86% tổng tài sản của LDG là các khoản phải thu và hàng tồn kho – một tỷ lệ rất cao, cho thấy chất lượng tài sản không tốt.
Ngoài ra, công ty còn có 512 tỷ đồng, là chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn.
Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày 31/12/2022 là 4.658 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Cơ cấu nguồn vốn có điểm đáng chú ý là người mua trả tiền trước ngắn hạn giảm 24%, còn 457 tỷ đồng; nợ vay ngắn hạn tăng 26% lên 772 tỷ đồng; nợ vay dài hạn giảm 31% còn 450 tỷ đồng.
Với vốn chủ sở hữu 3.272 tỷ đồng, hệ số D/E là 1,42 lần, tăng đáng kể so với hồi đầu nâm là 1,18 lần.