Liên tục thay ‘tướng’ và áp lực với tân TGĐ Bamboo Airways
Ông Lương Hoài Nam về điều hành Bamboo Airways trong bối cảnh hãng này đang gặp nhiều khó khăn. Tất cả đều dõi theo vị CEO dầy dặn kinh nghiệm, từng trải qua nhiều sóng gió, nếu không nói là bị “bầm dập” trên thị trường hàng không Việt Nam.
Nhân sự cấp cao tại Bamboo Airways liên tục biến động trong khoảng hơn 1 năm qua. Khó khăn về tài chính, công cuộc tái cấu trúc để vực dậy hãng bay này đang là áp lực lớn với tân Tổng giám đốc Lương Hoài Nam.
Hãng bay Việt thay ‘tướng’ nhiều nhất
Trong số các hãng hàng không nội địa, nhân sự cấp cao tại Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways), nhất là vị trí Tổng giám đốc, thay đổi chóng mặt. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là hãng bay Việt thay lãnh đạo nhiều nhất trong lịch sử hoạt động.
Cùng nhìn lại sự biến động về nhân sự cấp cao tại Bamboo Airways kể từ ngày thành lập.
18/8/2018: Hãng hàng không Bamboo Airway ra mắt, ông Đặng Tất Thắng đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc. Tới 4/3/2019: Ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch FLC kiêm Tổng giám đốc Bamboo Airways.
Đến tháng 12/2019: Ông Đặng Tất Thắng trở lại làm Tổng giám đốc hãng bay này. Ông Thắng kiêm nhiệm cả vị trí Chủ tịch HĐQT từ ngày 31/3/2022, khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bắt tạm giam. Đến 27/7/2022, ông Đặng Tất Thắng xin thôi tất cả chức vụ.
Từ thời điểm này, Bamboo liên tục biến động lãnh đạo cao cấp. 27/7/2022: Tổng giám đốc Bamboo Airways là ông Nguyễn Mạnh Quân. Trước đó, ông Quân giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc (tháng 7/2020), Phó Tổng giám đốc Thường trực (tháng 9/2020).
Đến 24/5/2023: Ông Nguyễn Minh Hải, cựu Phó Tổng giám đốc Vietnam Airines, làm Tổng giám đốc Bamboo Airways; song tới 11/7/2023: Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm Tổng giám đốc Bamboo Airways thay ông Hải từ nhiệm trước đó.
Mới nhất, ngày 23/10/2023: Ông Lương Hoài Nam, nguyên Tổng giám đốc Jestar Pacific, trở thành tân Tổng giám đốc.
Đó là chưa kể những biến động về các vị trí khác, như thay đổi bộ máy hội đồng quản trị (HĐQT).
Sau nhiều lần cơ cấu, từ tháng 7, vị trí Chủ tịch HĐQT của hãng là ông Lê Thái Sâm, người nắm giữ hơn 50% cổ phần của Bamboo Airways.
Ông Oshima Hideki, cựu Phó Tổng giám đốc Japan Airlines, từng được bầu làm Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways hồi tháng 6, giữ chức Phó Chủ tịch thường trực HĐQT. Nhưng chỉ sau đó 2 tháng, tại phiên họp bất thường hôm 15/9, Bamboo Airways đã trình Đại hội đồng cổ đông miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT với ông Hideki Oshima.
Đến nay, sau kiện toàn, HĐQT của Hàng không Tre Việt chỉ còn 5 thành viên, thay vì 7 như trước, bao gồm các ông Lê Thái Sâm, Nguyễn Ngọc Trọng, Phan Đình Tuệ, Lê Bá Nguyên và bà Lê Thị Trúc Quỳnh.
Ngoài ra, việc Bamboo Airways thay đổi nhà đầu tư, với nhiều cái tên mới xuất hiện, cũng thu hút sự quan tâm của dư luận.
Sau khi người sáng lập hãng - ông Trịnh Văn Quyết - bị khởi tố (7/2022), lộ diện nhà đầu tư mới tiếp quản Bamboo Airways. Đó là ông Dương Công Minh - Chủ tịch Ngân hàng Sacombank, trong vai trò cố vấn cấp cao của hãng. Vào thời điểm cam go nhất, Công ty CP Him Lam của ông Minh được cho là đã cho Bamboo Airways vay gần 8.000 tỷ đồng.
Gần đây nhất, ngân hàng Sacombank - chủ nợ lớn của Bamboo Airways - đã chính thức vào cuộc. Tại đại hội cổ đông bất thường hồi tháng 9, ông Phan Đình Tuệ, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Bamboo Airways, đồng thời là thành viên HĐQT Sacombank nhiệm kỳ 2022-2026, thông tin rằng nhà băng này tham gia tài trợ lớn vào Bamboo Airways cũng như quá trình tái cấu trúc của hãng.
Áp lực lớn với tân Tổng giám đốc
Những ngày này, ông Lương Hoài Nam nhận được nhiều lời chúc mừng khi tiếp quản nhiệm vụ mới, nhưng đó cũng là áp lực với vị tân Tổng giám đốc Bamboo Airways. Tất cả đều dõi theo vị CEO dầy dặn kinh nghiệm, từng trải qua nhiều sóng gió, nếu không nói là bị “bầm dập” trên thị trường hàng không Việt Nam.
Trong hoạt động bay, ông Lương Hoài Nam từng là người lèo lái Jetstar Pacific Airlines, Hàng không Hải Âu, Hàng không Lưỡng dụng Ngôi Sao Việt,... Ngoài ra, ông còn tham gia kinh doanh bất động sản và là chuyên gia về du lịch, như thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam,... với nhiều ý kiến, đóng góp xác đáng.
Ông Lương Hoài Nam về điều hành Bamboo Airways trong bối cảnh hãng này đang gặp nhiều khó khăn , trong đó lớn nhất là vấn đề tài chính.
Trong năm 2022, dù đạt doanh thu lớn (11.732 tỷ đồng, tăng trưởng 230% so với năm 2021) nhưng Bamboo Airways vẫn kinh doanh dưới giá vốn khoảng 3.200 tỷ đồng. Trừ chi phí, trích lập, hãng lỗ dồn trước thuế 17.600 tỷ đồng.
Việc kiện toàn bộ máy nhân sự cấp cao được cho là để đáp ứng các điều chỉnh trong chiến lược kinh doanh của Bamboo Airways, song sự ‘đứt gãy’ về dòng tiền khoảng một năm trở lại đây khiến hãng phải thu hẹp đội máy bay (từ 30 giảm còn 17 chiếc), cắt giảm nhiều đường bay, khó khăn chi trả các chi phí thường xuyên ... Chưa kể là các chủ nợ về xăng dầu, dịch vụ mặt đất, sân bay... thúc giục đòi tiền.
Thế nên, giữa tháng 7/2023, rộ lên thông tin về văn bản xin bảo hộ phá sản của Bamboo Airways. Hãng đã lên tiếng bác bỏ tin này và cho hay đã “quyết liệt tái cấu trúc và tiến hành nhiều cải tổ mạnh mẽ”.
Phát biểu trong ngày đầu nhậm chức, tân Tổng giám đốc Lương Hoài Nam nhìn nhận “quá trình tái cấu trúc Bamboo Airways đã và đang diễn ra với đường hướng rõ ràng và đúng đắn". Ông cũng tự tin đánh giá đây là dự án tái cấu trúc toàn diện nhất, chiến lược nhất, sâu rộng nhất trong lịch sử hàng không Việt Nam.
Để hãng sớm ổn định hoạt động, mở ra cơ hội phát triển, vị CEO này đặt mục tiêu đưa quy mô đội bay về lại 30 chiếc, hướng tới nâng lên 50 chiếc và nhiều hơn.
'Sinh sau đẻ muộn' so với Vietnam Airlines hay Vietjet Air, Bamboo Airways được đánh giá khá cao về chất lượng dịch vụ. Hầu hết hành khách đều chung nhận xét, mặt bằng giá vé của Bamboo Airways không quá cao so với các hãng nhưng chất lượng nhiều điểm vượt trội, nên kỳ vọng Hàng không Tre Việt sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Tuy nhiên, để vực dậy Bamboo Airways, quan trọng nhất vẫn là vấn đề tài chính.
Mới đây nhất, Bamboo Airways thông báo dừng tất cả chuyến bay đường dài giữa Australia/Anh/Đức và Việt Nam từ 1/11. Trước đó, hãng cũng thông báo dừng bay đến và đi Hàn Quốc từ 29/10/2023 đến 31/3/2024... Tần suất các chuyến bay nội địa của hãng cũng bị cắt giảm mạnh từ ngày 28/10.