Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay 25/10: BSR, QTP và CTD
Yuanta đưa ra khuyến nghị mua cho CTD với giá kỳ vọng là 63.100 đồng/cổ phiếu.
BSR: Giá mục tiêu 1 năm là 21.600 đồng/cổ phiếu
Theo kết quả sơ bộ được công bố tại cuộc họp với chuyên viên phân tích Công ty chứng khoán SSI gần đây, doanh thu của Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) trong 3 quý đầu năm 2023 ước tính giảm 16% so với cùng kỳ đạt xuống 106,1 nghìn tỷ đồng, trong khi lợi nhuận ròng ước đạt 5,7 nghìn tỷ đồng, giảm 64% so với cùng kỳ từ mức nền cao trong năm trước. Sản lượng tiêu thụ trong 3 quý đầu năm ước đạt khoảng 5.235 triệu tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ.
Riêng trong quý III, doanh thu và sản lượng tiêu thụ sẽ đi ngang ở mức 38,4 nghìn tỷ đồng (giảm 3% so với cùng kỳ) và 1,71 triệu tấn (tăng 1,6% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, lợi nhuận ròng quý III/2023 ước tính tăng 6 lần so với cùng kỳ và 107% so với quý trước đạt 2,7 nghìn tỷ đồng. Theo ban lãnh đạo, ước tính này đã bao gồm khoản dự phòng hàng tồn kho khoảng 500 tỷ đồng sau khi giá dầu điều chỉnh giảm từ mức đỉnh năm 2023 trong tháng 9 và kết quả thực tế có thể tốt hơn dự tính.
Lợi nhuận trong quý III/2023 là mức cao thứ 2 từ trước đến nay, có thể là do chênh lệch giá crack nới rộng trong quý gần đây nhất, do nhu cầu phục hồi cùng với lượng hàng tồn kho thấp trên quy mô toàn cầu.
Lợi nhuận quý IV sẽ vẫn ở mức tốt, nhưng nhiều khả năng giảm so với mức nền cao trong quý III do chênh lệch giá crack đã thu hẹp: Chênh lệch giá crack trong khu vực đã điều chỉnh về mức 14 USD/thùng so với mức trung bình 21 USD/thùng trong quý III. Biên độ giá crack của BSR thường thấp hơn so với chênh lệch giá crack trong khu vực do giá đầu vào của công ty cao hơn so với dầu thô Brent. Công ty mua khoảng 72% từ nguồn trong nước, trong đó 30% từ mỏ Bạch Hổ.
Cổ phiếu BSR của Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn đang giao dịch ở mức P/E và EV/EBITDA dự phóng năm 2024 lần lượt là 10,7x và 4,0x.
SSI duy trì khuyến nghị trung lập và giá mục tiêu 1 năm là 21.600 đồng/cổ phiếu dựa trên P/E và EV/EBITDA 2024 mục tiêu lần lượt là 10x và 5x.
QTP: Khuyến nghị mua, giá mục tiêu 16.565 đồng/cổ phiếu
Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (UPCoM: QTP) công bố kết quả kinh doanh (KQKD) quý III/2023 với doanh thu đạt 2.507 tỷ đồng (giảm 20,2% so với cùng kỳ), lãi gộp đạt 62 tỷ đồng (giảm 73,6% so với cùng kỳ) và LNST đạt 12 tỷ đồng (giảm 91,8% so với cùng kỳ). Lũy kế 9 tháng năm 2023, LNST đạt 404 tỷ đồng, hoàn thành 91,8% kế hoạch cả năm.
Doanh thu quý III/2023 giảm 20,2% so với cùng kỳ và giảm 32,4% so với quý II/2023, đạt 2.507 tỷ đồng. Quý III thường là quý các doanh nghiệp nhiệt điện có kết quả kinh doanh kém tích cực nhất khi vào cao điểm mùa mưa bão hằng năm ở Việt Nam, dẫn đến giá thị trường điện cạnh tranh (FMP) thấp, từ đó làm giảm biên lợi nhuận. Tuy nhiên, năm nay các công ty nhiệt điện kỳ vọng là giá FMP có thể được cải thiện do điều kiện EL NINO.
Mặc dù vậy, sản lượng thủy điện huy động được vẫn rất tốt trong quý III/2023 dẫn đến giá FMP trong quý III/2023 bình quân chỉ đạt 1.082 đồng/kWh, giảm 29,8% so với cùng kỳ. Từ đó, phần điện bán trên thị trường cạnh tranh của QTP cũng bị ảnh hưởng.
Giá vốn hàng bán giảm 28,3% so với cùng kỳ và 15,9% so với quý II/2023, đạt 2.444 tỷ đồng. Từ đó, biên lãi gộp giảm mạnh, chỉ còn 2,5%, là mức thấp nhất kế từ quý III/2020.
Công ty TNHH chứng khoán ACB (ACBS) nhận thấy giá than đầu vào trong quý III/2023 bình quân đạt hơn 2 triệu đồng/tấn, tăng 38,3% so với cùng kỳ. Yếu tố trên góp phần làm giảm biên lợi nhuận của quý III/2023.
ACBS cho hay kết quả kinh doanh quý III/2023 đạt 91,8% kế hoạch LNST đặt ra của QTP và chỉ đạt 47,4% dự phóng trước đây của công ty. ACBS đưa ra khuyến nghị mua cho QTP với giá mục tiêu 16.565 đồng/cổ phiếu.
CTD: Khuyến nghị mua, giá mục tiêu 63.100 đồng/cổ phiếu
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết tính tới thời điểm cuối quý II/2023, backlog của Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) ước tính vào khoảng 20 nghìn tỷ đồng. Công ty thay đổi cách tính backlog dựa trên từng hợp đồng ký kết để phản ánh đúng lượng công việc thực tế. Lượng backlog hiện tại đủ để CTD duy trì hoạt động trong vòng 2 năm, bên cạnh đó chiến lược repeat sales hiệu quả, tập trung vào các chủ đầu tư uy tín giúp cho CTD có được lượng công việc khá ổn định.
Chi phí nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng khoảng 70% trong giá vốn hàng bán. Tính từ đầu năm, giá thép đã hạ nhiệt trong khi các loại VLXD khác như xi măng, bê tông, gạch dù vẫn giữ ở mức cao nhưng đã ổn định hơn so với năm 2022. Chi phí NVL ổn định sẽ giảm bớt tác động tới biên LNG.
Tỷ suất LNG kỳ vọng cải thiện nhờ: các dự án có biên LNG thấp (chủ yếu từ thời BLĐ cũ) đã được ghi nhận doanh thu phần lớn; các dự án xây dựng công nghiệp cho các chủ đầu tư FDI chiếm tỷ trọng lớn hơn trong doanh thu.
Chi phí trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi sẽ có xu hướng giảm dần kể từ năm 2023 sau khi công ty đã quyết liệt trích lập dự phòng cho 16 dự án cũ hình thành nợ xấu kể từ năm 2020. CTD ước tính chi phí trích lập dự phòng cho 2024 là 90 tỷ đồng.
Áp lực cạnh tranh trong ngành xây dựng kỳ vọng sẽ giảm bớt khi nhiều doanh nghiệp đã rời bỏ ngành do ảnh hưởng bởi thị trường BĐS đi xuống và tín dụng bị thắt chặt khiến nhiều chủ đầu tư không thể thanh toán công nợ cho nhà thầu, dẫn tới việc nhiều nhà thầu rơi vào tình trạng mất thanh khoản. Trong bối cảnh đó, CTD vẫn duy trì được hoat động ổn định nhờ lượng tiền mặt dồi dào tích lũy ở chu kỳ trước.
Theo đó, Yuanta đưa ra khuyến nghị mua cho CTD với giá kỳ vọng là 63.100 đồng/cổ phiếu.