Loạt cổ phiếu lao dốc trong tuần: 2 mã BĐS lặp lại điệp khúc 'giảm sàn', OGC mất 23% thị giá
Khác với PDR đã thoát khỏi cảnh liên tục giảm kịch sàn, tuần qua, HPX ghi nhận tới 4 phiên giảm sàn liên tiếp trong khi NVL suốt cả tuần "nằm sàn". Ngoài 2 cái tên quen thuộc trong ngành bất động sản (BĐS) trên, danh sách cổ phiếu giảm sâu trên 20% trong 1 tuần ghi nhận những cái tên mới.
NVL giảm 30,04%
Cổ phiếu NVL của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) đã giảm 30,04% từ 23.800 đồng/cổ phiếu mở phiên 5/12/2022 xuống 16.650 đồng/cổ phiếu kết phiên 9/12/2022, với tất cả 5 phiên đều giảm kịch sàn.
Trong tuần trước đó, cổ phiếu NVL những tưởng đã được "giải cứu" khi không có phiên nào giảm điểm, thậm chí có 2 phiên tăng kịch trần.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland) có tiền thân là Công ty TNHH Thương mại Thành Nhơn, được thành lập năm 1992. Hoạt động chính của Novaland là đầu tư, thi công xây dựng và kinh doanh bất động sản. Tập đoàn đã và đang triển khai hơn 40 dự án nhà ở và hơn 5 dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại các vị trí chiến lược của hầu hết các quận, huyện tại TP. HCM và các tỉnh lân cận.
Luỹ kế 9 tháng năm nay, Novaland ghi nhận doanh thu giảm 23% đạt 7.894 tỷ đồng và lãi sau thuế 2.054 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu từ bán hàng đạt hơn 6.445 tỷ đồng, ghi nhận từ việc bàn giao tại các dự án như NovaWorld Phan Thiet, Aqua City, NovaWorld Ho Tram, NovaHills Mui Ne, Soho Residence và Victoria Village. Doanh thu từ cung cấp dịch vụ đạt hơn 1.463 tỷ đồng.
Ngày 6/12, ông Nguyễn Ngọc Huyên, thành viên HĐQT Novaland đã có đơn xin từ nhiệm kể từ ngày 28/12 theo nguyện vọng cá nhân. Cùng ngày, ông Nguyễn Đức Dũng cũng có đơn xin từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT kể từ ngày 30/12 vì lý do cá nhân.
Đáng chú ý, NovaGroup vừa thông báo đã bị bán ra hơn 40 triệu cổ phiếu NVL của Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland). Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận trong phiên 30/11.
Công ty trình bày đây là giao dịch do bị công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu.
Giao dịch trên khiến sở hữu của NovaGroup tại Novaland giảm còn 670,9 triệu cổ phiếu, tương đương nắm giữ hơn 34,4% vốn, vẫn là cổ đông lớn nhất tại công ty bất động sản này.
HPX giảm 22,93%
Cổ phiếu HPX của Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát đã giảm 22,93% từ 9.070 đồng/cổ phiếu mở phiên 5/12/2022 xuống 6.990 đồng/cổ phiếu kết phiên 9/12/2022. Trong 5 phiên giao dịch, có 4 phiên là giảm kịch sàn liên tiếp, chỉ có phiên cuối hồi phục lại với mức tăng 2,79%.
Ở tuần trước đó, HPX biến động với biên độ cực mạnh khi ghi nhận 2 phiên giảm kịch sàn, 1 phiên giảm gần sàn nhưng lại có 2 phiên tăng kịch trần.
Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest) có tiền thân là Công ty Cổ phần Xây dựng - Du lịch Hải Phát được thành lập vào năm 2003. Hoạt động kinh doanh chủ yếu là Kinh doanh bất động sản, xây dựng nhà các loại, xây dựng công trình đường sắt và đường bộ, xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác. Một số dự án Công ty đã thực hiện có thể kể đến: Dự án Khu đô thị Văn Phú - Hà Đông - Hà Nội, Dự án Khu đô thị Tân Tây Đô - Đan Phượng - Hà Nội, Dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ và căn hộ THE PRIDE - La Khê - Hà Đông - Hà Nội, Dự án khu nhà phố thương mại 24h Vạn Phúc - Hà Đông - Hà Nội.
Quý III/2022 được coi là một quý kinh doanh thành công với Hải Phát Invest khi doanh thu đạt 725,7 tỷ đồng, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ, đi kèm đó là lợi nhuận sau thuế ở mức 92,8 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ 2021.
Theo thông báo mới nhất từ Hải Phát, Chủ tịch HĐQT Đỗ Quý Hải vừa báo cáo đã mua vào thành công gần 4 triệu cổ phiếu HPX trong phiên 8/12. Trước đó, ông Hải đã đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu HPX, dự kiến giao dịch trong khoảng từ 18/11 đến 16/12/2022.
Tuy nhiên, cùng trong phiên 8/12, Chủ tịch Hải Phát đồng thời bị công ty chứng khoán bán giải chấp gần 3,9 triệu đơn vị HPX.
Như vậy, sau phiên 8/12, ông Hải còn nắm giữ gần 69,9 triệu cổ phiếu HPX, tương ứng 22,98% vốn điều lệ.
Ngoài ra, cũng trong phiên 8/12, ông Đỗ Quý Đường, em trai ông Hải, cũng bị công ty chứng khoán ép bán 200 nghìn cổ phiếu HPX, giảm lượng sở hữu về còn chưa tới 524 nghìn đơn vị, tương ứng 0,17% vốn.
Hoạt động bán giải chấp của công ty chứng khoán đối với gia đình Chủ tịch Hải Phát vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Thống kê từ phiên 28/11 tới hết phiên 8/12, ông Đỗ Quý Hải cùng người thân đã bị công ty chứng khoán ép bán tới gần 20% lượng cổ phiếu đang lưu hành của công ty. Tạm tính theo mức giá đóng cửa tại các phiên giao dịch, số cổ phiếu bị giải chấp của gia đình Chủ tịch Hải Phát có giá trị khoảng 530 tỷ đồng.
OGC giảm 22,78%
Cổ phiếu OGC của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương đã giảm 22,93% từ 7.900 đồng/cổ phiếu mở phiên 5/12/2022 xuống 6.100 đồng/cổ phiếu kết phiên 9/12/2022, với 3 phiên giảm kịch sàn liên tiếp.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (OCG) được thành lập năm 2007 với vốn điều lệ ban đầu là 10 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 của OGC, doanh thu hợp nhất của công ty trong kỳ đạt hơn 592 tỷ đồng, tăng vọt so với con số 85 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế 9 tháng, OGC ghi nhận doanh thu 851,5 tỷ đồng, gấp 1,7 lần cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 121 tỷ đồng, giảm 18%. Với kết quả này, OGC đã hoàn thành đến 89% kế hoạch doanh thu và vượt 76% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.
Hồi cuối quý III, HoSE quyết định giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu OGC theo Quyết định số 427/QĐ-SGDHCM ngày 24/6/2022 với lý do lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ 6 tháng đầu năm là âm 33,53 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 30/6/2022 là âm 2.759,65 tỷ đồng.
Cổ phiếu chưa đáp ứng quy định tại điểm b khoản 4 Điều 37 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Thêm nữa, cổ phiếu OGC vẫn thuộc diện chứng khoán bị hạn chế giao dịch theo Quyết định số 361/QĐ-SGDHCM ngày 2/6/2022 do tổ chức niêm yết chậm nộp Báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định.
Theo số 361/QĐ-SGDHCM ngày 2/6/2022, cổ phiếu OGC chỉ được giao dịch phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thỏa thuận kể từ ngày 9/6/2022.
HTN giảm 21,05%
Cổ phiếu HTN của Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Incons đã giảm 21,05% từ 19.000 đồng/cổ phiếu mở phiên 5/12/2022 xuống 15.000 đồng/cổ phiếu kết phiên 9/12/2022.
Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Incons (HTN) có tiền thân là Công ty TNHH Thiết kế - Xây dựng Hưng Thịnh được thành lập vào năm 2007. Công ty hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và xây dựng công trình, cung ứng vật tư, thiết bị xây dựng. HTN chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2010.
Hưng Thịnh Incons thường tham gia vào các dự án xây dựng có quy mô lớn với vai trò tổng thầu. Một số công trình tiêu biểu Công ty đã tham gia thực hiện như Công trình Thiên Nam Apartment, Quận 10, TP. HCM; Căn hộ 27 Trường Chinh, Phường Tân Thới Nhất, Quận 12, TP. HCM; Chung cư cao tầng tại 91 Phạm Văn Hai; Căn hộ 8X Plus, Trường Chinh, Quận 12, TP. HCM.
Về hoạt động kinh doanh, công ty đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 1.004 tỷ đồng, tăng 53,8% so với cùng kỳ năm ngoái; tuy nhiên lợi nhuận sau thuế giảm tới 84,74%, chỉ đạt 3,42 tỷ đồng.
Giải trình nguyên nhân khiến lợi nhuận quý III/2022 giảm mạnh so với quý III/2021, Hưng Thịnh Incons cho biết là do các khoản chi phí trong kỳ tăng mạnh với chi phí tài chính tăng 40,8% lên hơn 62,81 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 52,92% lên hơn 33 tỷ đồng, chi phí khác gần 1,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ không ghi nhận.
Lũy kế 9 tháng, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 4.249,28 tỷ đồng, tăng 21,12% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 132,81 tỷ đồng, giảm 6,95% so với cùng kỳ.
HDC giảm 13,84%
Cổ phiếu HDC của Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu đã giảm 13,84% từ 38.300 đồng/cổ phiếu mở phiên 5/12/2022 xuống 33.000 đồng/cổ phiếu kết phiên 9/12/2022.
Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Bà Rịa Vũng Tàu (Hodeco) có tiền thân là Công ty Phát triển Nhà Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, được thành lập vào năm 1990. Công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, sản xuất vật liệu xây dựng, các dịch vụ du lịch và bất động sản khác. HDC chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần từ năm 2001.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, Hodeco ghi nhận doanh thu đạt 1.124,5 tỷ đồng, tăng 22,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 249,17 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước.
Ngày 2/12, Hodeco đã nhận được Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế từ Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau khi rà soát, đối chiếu số liệu kê khai Quyết toán thuế TNDN năm 2021, Đoàn Thanh tra Bộ Tài chính đã phát hiện HDC khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế TNDN phải nộp.
Số tiền thuế doanh nghiệp khai thiếu là 292 triệu đồng (đã được nộp bổ sung ngày 29/9). Do đó, Cục Thuế ra quyết định phạt doanh nghiệp hơn 58 triệu đồng đối với hành vi khai sai thuế và 15 triệu đồng tiền phạt chậm nộp thuế. Như vậy, tổng số tiền phạt và tiền chậm nộp thuế TNDN là hơn 73 triệu đồng.
Ở một diễn biến khác, công ty chứng khoán đã bán giải chấp 200.000 cổ phiếu HDC của ông Đoàn Hữu Thuận, Chủ tịch HĐQT Hodeco, giao dịch được thực hiện ngày 16/11/2022.
Theo giải trình phía Hodeco, lý do bán giải chấp do công ty chứng khoán thiếu tinh thần trách nhiệm và thiện ý, hạ tỷ lệ margin về 0 một cách đột ngột, mặc dù đã liên hệ đảm bảo nộp tiền trong buổi sáng ngày 16/11/2022.
Để đảm bảo tỷ lệ nắm giữ sau khi bị bán giải chấp ngày 16/11/2022, từ ngày 22/11 đến 22/12, ông Đoàn Hữu Thuận đăng ký mua 200.000 cổ phiếu HDC.
Thêm nữa, ngày 16/11, ông Lê Viết Liên, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc bị bán giải chấp 804.600 cổ phiếu HDC để giảm sở hữu từ 4,17% về còn 3,42% vốn điều lệ. Lý do giao dịch cũng là bị bán giải chấp do công ty chứng khoán thiếu tinh thần trách nhiệm và thiện ý, hạ tỷ lệ margin về 0 một cách đột ngột, nên mặc dù đã liên hệ đề xuất trong vòng 1 tuần sẽ bổ sung tài sản nhưng không được chấp thuận.
Như vậy, Chủ tịch và Tổng giám đốc bị bán giải chấp 1.004.6000 cổ phiếu HDC.