Loạt DN năng lượng mặt trời Trung Quốc dừng sản xuất tại Việt Nam?

Các công ty năng lượng mặt trời lớn của Trung Quốc, bao gồm LONGi (Công nghệ Năng lượng xanh LONGi) và Trinasolar, gần đây đã xác nhận việc dừng hoạt động sản xuất tại Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á khác.

Dừng sản xuất tại Đông Nam Á

Theo tờ Thời báo Chứng khoán (STCN) của Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 4/6, có thông tin cho rằng nhà máy sản xuất mô-đun quang điện của Công ty công nghệ Năng lượng xanh LONGi (gọi tắt là LONGi), sẽ dần ngừng hoạt động trong tuần này, đồng thời tất cả 5 dây chuyền sản xuất của nhà máy sản xuất của công ty tại Việt Nam cũng bị đình chỉ.

Trả lời báo giới Trung Quốc, LONGi cho biết công ty đang thực hiện nâng cấp trên nhiều địa điểm để triển khai công nghệ quang điện mặt trời và hệ thống kỹ thuật số thế hệ tiếp theo, nhưng không nói rõ về tình hình sản xuất tại các quốc gia được đề cập.

Đến ngày 6/6, phía LONGi mới xác nhận việc đình chỉ một nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Công ty cho biết việc ngừng sản xuất tại Việt Nam sẽ ít ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của công ty, do Việt Nam chiếm chưa đến 10% tổng công suất sản xuất pin của LONGi vào năm 2023.

Longi cũng cho biết một số nhà máy khác của hãng ở Đông Nam Á từng bị truyền thông đưa tin đóng cửa vẫn hoạt động.

Loạt DN năng lượng mặt trời Trung Quốc dừng sản xuất tại Việt Nam? - Ảnh 1

Cùng thời điểm, vào ngày 5/6, tiếp tục có thông tin cho biết một doanh nghiệp đầu ngành khác là nhà máy của Trinasolar ở Thái Lan đã bước vào giai đoạn ngừng sản xuất. Theo nguồn tin, dây chuyền sản xuất linh kiện của hãng đã ngừng sản xuất vào cuối tháng 5, còn dây chuyền sản xuất pin dự kiến ​​ngừng sản xuất vào khoảng ngày 13/6.

Trả lời STCN, phía Trinasolar cho biết các chuỗi sản xuất của công ty tại Thái Lan và Việt Nam sẽ sớm rơi vào trạng thái ngừng hoạt động để bảo trì theo lịch trình hàng năm.

Ngoài ra, năng lực sản xuất của Trina Solar tại Thái Lan và Việt Nam chủ yếu dành cho Mỹ và luôn duy trì lợi thế cạnh tranh tại thị trường này. Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường Washington bị ảnh hưởng bởi một số môi trường chính sách nên sẽ có sự biến động trong dài hạn. Công ty sẽ đưa ra quyết định dựa trên tình hình ngành và thị trường, đưa ra những điều chỉnh linh hoạt và tối ưu cho kế hoạch sản xuất.

Hết thời hạn miễn thuế của Mỹ

Đáng chú ý, động thái đình chỉ sản xuất của hai gã khổng lồ năng lượng mặt trời diễn ra vào thời điểm chính sách miễn thuế quan 2 năm của Mỹ với các sản phẩm năng lượng mặt trời nhập khẩu từ một số quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam.

Theo đó, ngày 6/6/2022, Mỹ đã công bố về việc miễn thuế đối với tấm pin năng lượng mặt trời từ Việt Nam, Campuchia, Malaysia, và Thái Lan trong vòng 2 năm để đáp ứng nhu cầu tăng chóng mặt về năng lượng mặt trời của Mỹ. Do đó, đến ngày 6/6/2024, chính sách này chính thức hết hiệu lực.

Chính sách này được đưa ra vào thời điểm Mỹ ưu tiên chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, sự thiếu hụt năng lực sản xuất nội địa đã dẫn đến việc Mỹ phải nhập khẩu rất nhiều tấm pin năng lượng mặt trời từ Việt Nam cũng như một số quốc gia Đông Nam Á khác.Theo S&P Global Market Intelligence, hơn 80% lượng năng lượng mặt trời nhập khẩu của Hoa Kỳ đến từ 4 quốc gia Đông Nam Á kể trên.

Mặt khác, Washington lại tăng thuế với tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc vào năm 2011. Điều này dẫn tới việc các doanh nghiệp Trung Quốc "đổ xô" sang Đông Nam Á, tạo dây chuyền sản xuất để "tìm cửa" đưa sản phẩm sang Mỹ với giá thành rẻ hơn và dễ dàng hơn.

Năm 2023, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố rằng “một số nhà sản xuất Trung Quốc đang vận chuyển các sản phẩm năng lượng mặt trời của họ qua Campuchia, Malaysia, Thái Lan và/hoặc Việt Nam để xử lý nhỏ nhằm tránh phải trả thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp”.

Tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiết lộ mức tăng thuế mạnh đối với một loạt hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Nhà Trắng cho biết, trong một tuyên bố rằng thuế suất đối với pin mặt trời, dù được lắp ráp thành mô-đun hay không, sẽ tăng từ 25% lên 50% vào năm 2024.

Trung Quốc chưa "khó", Đông Nam Á đã lo
Trung Quốc chưa "khó", Đông Nam Á đã lo

Việc Mỹ kết thúc miễn thuế với các sản phẩm quang điện (PV) được coi là một cánh cửa lớn đang khép lại với các công ty Trung Quốc đang có hoạt động sản xuất và xuất khẩu tại Malaysia, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Tuy nhiên, theo các phân tích từ tờ Global Times - một tờ xã luận của Trung Quốc, việc các công ty của nước này mở rộng sản xuất sang các quốc gia thứ 3 là điều hoàn toàn bình thường trong xu hướng toàn cầu hoá. Sự kết hợp nhiều năm giữa công nghệ tiên tiến từ các nhà sản xuất Bắc Kinh và chi phí nhân công rẻ tại Đông Nam Á đã tạo ra những sản phẩm PV chất lượng và giá rẻ hơn so với mặt bằng chung và so với cả những sản phẩm từ Mỹ.

Do đó, việc kết thúc miễn thuế cùng những hành động cố "tách rời" Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng PV toàn cầu là hành động không đem lại lợi ích cho Washington, và cũng không "làm khó" được các doanh nghiệp Trung Quốc.

Các nhà phân tích cho rằng việc kết thúc miễn thuế sẽ có tác động đáng kể đến khối lượng xuất khẩu năng lượng mặt trời từ Đông Nam Á sang Mỹ và người mua ở Mỹ sẽ giảm tốc độ mua từ khu vực này.

Điều đó sẽ buộc ngành sản xuất ở Đông Nam Á phải thu hẹp quy mô hoặc chuyển hướng cung cấp sang các thị trường khác, nơi họ có thể gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các tấm nền rẻ hơn sản xuất tại Trung Quốc.

Quỳnh Anh

Theo VietnamFinance