TP.HCM gọi tư nhân đổ vốn tỷ USD làm metro: Trả lại bằng đất?
TP.HCM dự kiến xây dựng tuyến metro dài 355 km từ nay đến năm 2035. Để hiện thực mục tiêu này, việc thu hút nguồn đầu tư cả chục tỷ USD từ doanh nghiệp tư nhân càng trở nên cần thiết.
TP. HCM hút vốn tỷ USD của tư nhân xây metro
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được, tổng nhu cầu vốn dành cho 9 tuyến đường sắt, đường sắt đô thị là hơn 1,2 triệu tỷ đồng. Vì thế, chính quyền thành phố rất ủng hộ doanh nghiệp Việt Nam đăng ký tham gia đầu tư, xây dựng hệ thống đường sắt đô thị. Cơ chế và chính sách đặc thù chính là công cụ khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn tham gia; chuyển từ đầu tư công sang đầu tư tư nhân để giảm áp lực ngân sách.
Đến nay, Quốc hội đã ban hành nghị quyết 188 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị (metro). Với các chính sách thuộc thẩm quyền thành phố, UBND TP. HCM sẽ tập trung nghiên cứu, hoàn thiện, trình HĐND TP.HCM xem xét ban hành.

TP. HCM cũng đã ban hành kế hoạch triển khai nghị quyết 188 để đầu tư đồng loạt 7 tuyến metro với chiều dài 355km, hoàn thành vào năm 2035. Ngoài ra, hai tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và tuyến kết nối từ trung tâm đi Cần Giờ cũng đang ưu tiên làm sớm, có kế hoạch thực hiện bằng vốn tư nhân.
Quốc hội vừa thông qua Luật Đường sắt (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/7 đã bổ sung thêm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để đầu tư phát triển đường sắt. Luật mới cũng đặc biệt quan tâm đến thu hút khối doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư đường sắt, đường sắt đô thị.
Đến nay, UBND TP. HCM giao Sở Nội vụ phối hợp Công ty TNHH MTV đường sắt đô thị số 1- HURC1 nghiên cứu các mô hình doanh nghiệp tư nhân trực tiếp đầu tư, vận hành đường sắt đô thị thay vì do cơ quan thuộc chính quyền thực hiện.
UBND TP. HCM cũng giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan khẩn trương rà soát tổng thể quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị theo mô hình, tầm nhìn mới, phù hợp với bối cảnh mở rộng địa giới hành chính sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP. HCM.
UBND TP. HCM đề nghị Sở Tài chính chủ trì, đề án huy động vốn đầu tư cho hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị theo định hướng tại Đề án phát triển đường sắt đô thị được nêu trong Kết luận số 49 của Bộ Chính trị. Sở Tài chính chịu trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất mô hình quỹ đầu tư riêng dành cho phát triển đường sắt đô thị, tính toán khả năng huy động tối đa các nguồn lực và đa dạng hóa nguồn vốn, bao gồm hình thức PPP, vốn ngoài ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Sở Tài chính tham mưu UBND TP. HCM trình Thường trực HĐND TP. HCM chuẩn bị kế hoạch bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, 2031-2035 và bảo đảm phù hợp với tiến độ, lộ trình đầu tư phát triển các tuyến đường sắt đô thị của thành phố.
Cơ chế trả bằng đất và trả bằng tiền
Theo PGS-TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giao thông Vận tải Việt Đức, Trường ĐH Việt Đức (TP.HCM), đặc điểm của các dự án đường sắt đô thị là vốn đầu tư ban đầu cực lớn, thời gian thi công cũng như nghiệm thu, đưa vào vận hành khai thác rất lâu.
Quá trình thi công cũng gặp nhiều rủi ro do hệ thống quy trình thủ tục vừa nhiều vừa phức tạp, mỗi công đoạn thực thi phải qua nhiều cấp, nhiều lần phê duyệt. Chưa kể trong giai đoạn đầu, việc thu hút người dân sử dụng giao thông công cộng ngay lập tức là vô cùng khó khăn, doanh thu từ bán vé không đủ bù chi phí vận hành… Đây là những rủi ro cản trở sự quan tâm của các nhà đầu tư tới các dự án đường sắt đô thị nói riêng và đường sắt quốc gia nói chung.
Ông Tuấn nhấn mạnh, việc tạo hành lang pháp lý cho mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng) thông qua những quy định rõ việc phát triển, khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất vùng phụ cận ga đường sắt đô thị. TOD tạo ra các khu đô thị tích hợp, mật độ cao xung quanh các nhà ga metro, giúp tăng hiệu quả sử dụng đất, giảm ùn tắc giao thông và tạo ra giá trị gia tăng cho bất động sản. Điều này hấp dẫn các nhà đầu tư bởi tiềm năng sinh lời cao và giảm thiểu rủi ro trong quá trình triển khai dự án.
Theo ông Phan Công Bằng, Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị TP. HCM, khung pháp lý hiện hành đã có nhiều chuyển biến tích cực, mở ra cơ hội lớn để thu hút doanh nghiệp, nhất là khu vực tư nhân, tham gia đầu tư vào hệ thống metro. Cụ thể, với Luật PPP sửa đổi hiện nay, hình thức BT đã được khôi phục, cho phép nhà đầu tư được thanh toán bằng quỹ đất. Ngoài ra, Nghị quyết 98 của Quốc hội về cơ chế đặc thù phát triển TP. HCM cũng cho phép áp dụng BT trả chậm bằng tiền.
Hai cơ chế BT nói trên- một trả bằng đất, một trả bằng tiền - đang trở thành những công cụ hữu hiệu giúp TP. HCM linh hoạt huy động các nguồn lực xã hội tham gia phát triển đường sắt đô thị.
Hiện TP. HCM đang tính đến nhiều nguồn lực để đáp ứng nhu cầu vốn cho các dự án metro, bao gồm phát triển quỹ đất theo mô hình TOD, phát hành trái phiếu công trình, trái phiếu địa phương và huy động đầu tư tư nhân…
Theo quy hoạch, TP. HCM có 12 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 510km. Bên cạnh đó, tuyến đường sắt đô thị kết nối trung tâm đi Cần Giờ và tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành cũng đang được xúc tiến triển khai theo hướng giao tư nhân triển khai.
Tỉnh Bình Dương có 12 tuyến với khoảng 305km, còn Bà Rịa - Vũng Tàu có 3 tuyến với 125km.
Như vậy sau sáp nhập, trước mắt TP. HCM mới sẽ có gần 1.000km đường sắt đô thị, chưa kể các tuyến đường sắt quốc gia đang được trung ương triển khai hoặc tới đây sẽ điều chỉnh quy định để địa phương làm.