Loạt doanh nghiệp bị phạt vi phạm về trái phiếu sau vụ Tân Hoàng Minh
Sau vụ Tân Hoàng Minh, doanh nghiệp bất động sản lại tiếp tục chạy đua phát hành trái phiếu. Cụ thể, trong tháng 5, nhóm doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản phát hành 6.879 tỷ đồng trái phiếu, tương đương 28,53% tổng giá trị phát hành.
Theo các chuyên gia, phát hành trái phiếu doanh nghiệp là một kênh huy động vốn làm dự án chính của nhiều doanh nghiệp bất động sản. Tính chung 6 tháng đầu năm, lĩnh vực này đứng thứ 2 về tổng số vốn huy động qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chỉ xếp sau nhóm ngân hàng thương mại.
Một số doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng, dịch vụ lưu trú phát hành trái phiếu huy động hơn 1.600 tỷ đồng trong tháng 5, gồm Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển du lịch Phú Quốc phát hành trái phiếu doanh nghiệp huy động 717,2 tỷ đồng, Công ty cổ phần Sunbay Ninh Thuận phát hành trái phiếu doanh nghiệp huy động 900 tỷ đồng.
Trước đó, trong báo cáo gửi Chính phủ liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, 20 doanh nghiệp bất động sản vay nợ trái phiếu nhiều nhất trong năm 2021 với tổng số tiền lên đến hơn 100.000 tỷ đồng, lãi vay từ 8 - 12,9%/năm.
Đáng chú ý, trong số này, nhiều doanh nghiệp phát hành huy động số lượng vốn cao gấp hàng chục lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, phải kể đến Công ty TNHH kinh doanh BĐS Mediterranena Revival Villas, vốn huy động thông qua phát hành trái phiếu bằng 47 lần vốn chủ sở hữu. Công ty cổ phần Osaka Garden phát hành 7.700 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp nhưng vốn chủ sở hữu chỉ 270 tỷ đồng.
Trong bối cảnh cơ quan chức năng kiểm soát chặt tín dụng vào lĩnh vực bất động sản cũng như giám sát hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp do rủi ro vi phạm phát hành và đấu giá quyền sử dụng đất, trong vài quý tới, chắc chắn doanh nghiệp bất động sản sẽ khó khăn hơn. Việc cần số tiền lớn nhằm phục vụ cho đáo hạn trong năm nay có thể làm gia tăng áp lực lên cân đối dòng tiền của các doanh nghiệp này, thậm chí cả ngành bất động sản.
Khi “cú sốc” Tân Hoàng Minh chưa kịp lắng xuống, thêm loạt doanh nghiệp bị xử phạt vì vi phạm trong phát hành và sử dụng vốn từ hoạt động trái phiếu.
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Seaside Homes (Seaside Homes).
Seaside Homes bị phạt 70 triệu đồng do công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật. Trong đợt phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ năm 2022, công ty công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định tại bản công bố thông tin về đợt chào bán trái phiếu, phương án phát hành trái phiếu và bản công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu.
Trước đó, Seaside Homes hoàn tất phát hành trái phiếu trị giá 1.500 tỷ đồng vào ngày 13/1. Theo báo cáo, số trái phiếu này có kỳ hạn 48 tháng, đáo hạn vào ngày 13/1/2026. Thông tin về trái chủ, lãi suất và mục đích phát hành không được doanh nghiệp công bố. Seaside Homes bắt đầu hoạt động vào ngày 16/10/2017. Vốn điều lệ của đạt 375,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, thêm một doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán nữa là Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng.
Theo SSC, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng (Công ty Hồng Hoàng, TP.HCM) bị phạt 70 triệu đồng vì công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định về báo cáo tài chính năm 2020, báo cáo tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2020, báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2020…
Công ty Hồng Hoàng cũng chính là doanh nghiệp năm 2019 phát hành lô trái phiếu 1.400 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm, với lãi suất gây choáng váng thị trường khi đẩy lên tới 20%/năm.
Ngày 4/8, SSC cũng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương do không công bố thông tin đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.
Trong đó, có tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 ngày 18/1/2022 (Tờ trình về việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, phát hành cổ phiếu cho người lao động, phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành cổ phiếu riêng lẻ, báo cáo tài chính 2021 đã được kiểm toán) …
Ngoài ra, trong tuần qua, SSC đã xử phạt loạt doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán như Công ty cổ phần Tập đoàn Khoáng sản Á Cường (phạt 100 triệu đồng), Công ty cổ phần Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (tổng tiền phạt 317,5 triệu đồng) …
Để tránh những rủi ro gặp phải, Bộ Tài chính đã tiếp tục khuyến nghị các nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cần thận trọng, tìm hiểu quy định pháp luật và năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, nắm rõ những rủi ro đối với trái phiếu doanh nghiệp trước khi quyết định đầu tư.
Với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 35%/năm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp được dự báo sẽ dần thay thế ngân hàng để trở thành kênh huy động vốn chính trong nền kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần sớm xây dựng hành lang pháp lý để thị trường này phát triển lành mạnh hơn.