Trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro, 20 doanh nghiệp BĐS có lượng phát hành lớn nhất
Mới đây, Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi Chính phủ về tình hình thị trường trái phiếu năm 2021 và quý I đầu năm 2022. Theo đó, điểm đang chú ý là doanh nghiệp bất động sản có tổng khối lượng phát hành trái phiếu đúng thứ 2 trong các nhóm ngành chiếm 33.16% tổng khối lượng, chỉ đứng sau tổ chức tín dụng - TCTD (36.18%).
Thị trường sơ cấp - TCTD và BĐS phát hành trái phiếu nhiều nhất năm 2021
Quy mô thị trường TPDN sơ cấp tính đến cuối năm 2021 có xu hướng gia tăng, tương đương 18.2% GDP, tăng 42.4% so với cuối năm 2020 (17.11% GDP), trong đó, quy mô thị trường trái phiếu riêng lẻ đạt 16.84%GPD, tăng 40.5% so với năm 2020.
Thị trường quý I/2022, khối lượng phát hành trái phiếu riêng lẻ đạt 104.752 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Khối lượng này chủ yếu tập trung trong tháng 1/2022 trước thời điểm thông tư 16 có hiệu lực.
Trong báo cáo gửi Chính phủ nêu rõ, TCTD phát hành lớn nhất, chiếm 36.18% tổng khối lượng phát hành. Doanh nghiệp bất động sản chiếm 33.16% khối lượng phát hành; các doanh nghiệp thương mại dịch vụ, sản xuất và xây dựng chiếm lần lượt 5.5%, 4.59%, 3.19% tổng khối lượng phát hành. Như vậy, nhóm doanh nghiệp bất động sản đứng thứ 2 chỉ xếp sau nhóm TCTD.
Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu chủ yếu với mục đích tăng vốn hoạt động chiếm 44.49% tổng khối lượng phát hành, 19.10% trái phiếu phát hành để thực hiện dự án, 4.52% sử dụng cho mục đích cơ cấu lại nguồn vốn, 29.29% khối lượng phát hành trái phiếu được sử dụng kết hợp các mục đích phát hành trên.
Đáng chú ý, có tới 11.8% khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhóm bất động sản và xây dựng không có tài sản đảm bảo, 88.2% phát hành trái phiếu có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh thanh toán. Tuy nhiên, nhóm có tài sản đảm bảo thường là bất động sản hoặc dự án đang thực hiện dang dở hoặc cổ phiếu. Rủi ro trong trường hợp này là sẽ theo rủi ro của thị trường chung, trường hợp bất động sản gặp khó khăn, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Đến quý I/2022, Bất động sản và Xây dựng là 2 nhóm phát hành nhiều nhất, chiếm lần lượt 45.1% và 22.1%.
TPDN tiềm ẩn nhiều rủi ro ở thị trường thứ cấp
Bộ Tài chính đánh giá, thị trường TPDN vẫn tiếp tục là kênh huy động vốn quan trọng, đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn cho đa lĩnh vực. Khối lượng phát hành trái phiếu năm 2021 đạt 51.125 tỷ đồng tăng 51.8% so với năm 2020, khối lượng phát hành thực tế tăng 11.8%, chiếm 5.3% tổng khối lượng phát hành. Trong quý I/2022, các doanh nghiệp đã chào bán 5.486 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng.
Tuy nhiên, thị trường trái phiếu năm 2021 xuất hiện những vấn đề mới gây rủi ro cho thị trường. Bộ Tài chính phân tích. Về phía nhà đầu tư (NĐT) cá nhân có nhiều cách để lách luật như sử dụng tài khoản vay ký quỹ để chứng minh tài chính, không trực tiếp mua mà ký hợp đồng dân sự với công ty chứng khoán hoặc ngân hàng, doanh nghiệp khác.
Về phía doanh nghiệp, có tới 45 doanh nghiệp có hệ số nợ cao hơn vốn sở hữu và 10 doanh nghiệp phát hành có tỷ lệ phát hành cao gấp 5 lần vốn chủ sở hữu. Hoặc chuyển vốn lòng vòng nhằm lách quy định về giới hạn cho vay/đầu tư TPDN của TCTD với với 1 hoặc nhóm khách hàng.
Một số tổ chức tư vấn chào bán không đúng thực tế, xây dựng hồ sơ chào bán có lợi cho doanh nghiệp để huy động vốn mà không cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho NĐT.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài chính, đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tổng khối lượng mua lại trước hạn là 140.316,9 tỷ đồng, tương đương 23.15% khối lượng phát hành, khối lượng trái phiếu đã chuyển đổi là 4.580,61 tỷ đồng, tương đương 157% khối lượng trái phiếu chuyển đổi phát hành trong năm 2021.
Đối với thị tường trái phiếu doanh nghiệp niềm yết, cả 2 sở Giao dịch Chứng khoán có 29 mã được niêm yết, tổng giá trị được niêm yết khoảng 23.082 tỷ đồng, tương đương 1.6% dư nợ thị trường. Tổng giá trị giao dịch TPDN niêm yết năm 2021 là 49.352,7 tỷ đồng , bình quân khoảng 200 tỷ đồng/phiên.
Có 20 doanh nghiệp phát hành trái phiếu lớn nhất năm 2021
Ghi nhận trong báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 và quý I/2022 mà Bộ Tài chính gửi tới Thủ tướng, cơ quan này đã liệt kê số lượt đăng ký phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các nhóm ngành. Trong đó, bất động sản có đợt đăng ký nhiều nhất 363 đợt, dứng đầu các nhóm ngành đăng ký phát hành trái phiếu.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính còn điểm mặt 20 doanh nghiệp bất động sản có lượng phát hành trái phiếu nhiều nhất năm vừa qua.
Cụ thể, tổng khối lượng trái phiếu phát hành của 20 doanh nghiệp này năm vừa qua đạt trên 100.000 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng lượng trái phiếu phát hành của các doanh nghiệp bất động sản trong năm. Đáng chú ý, tại nhiều doanh nghiệp, tỷ lệ khối lượng phát hành trên vốn chủ sở hữu đã lên tới hàng chục lần.
Theo Bộ Tài chính, doanh nghiệp bất động sản có khối lượng phát hành trái phiếu lớn nhất năm vừa qua như Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát, Công ty CP Osaka Garden, Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản Mediterranena Revival Villas, Công ty CP Hoàng Phú Vương và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Residence
Cụ thể, Công ty Mediterranena Revival Villas với vốn chủ sở hữu chỉ 153 tỷ nhưng năm vừa qua đã phát hành tới 7.200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tương đương tỷ lệ phát hành trên vốn chủ sở hữu lên tới hơn 47 lần.
Tương tự, Công ty Osaka Garden năm vừa qua phát hành 7.700 tỷ trái phiếu doanh nghiệp nhưng vốn chủ sở hữu chỉ đạt 270 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ khối lượng phát hành trái phiếu/vốn chủ sở hữu của nhà phát triển bất động sản này lên tới 28,5 lần.
Ngoài 2 doanh nghiệp kể trên, hàng loạt doanh nghiệp đang có lượng phát hành trái phiếu gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu như Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát gấp 4 lần; Công ty CP Hoàng Phú Vương và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Residence cùng gấp 6 lần.
Trong những năm gần đây, cùng với nhóm tổ chức tín dụng, bất động sản thường xuyên là nhóm doanh nghiệp có lượng phát hành trái phiếu lớn nhất. Riêng năm 2021, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp của nhóm công ty bất động sản phát hành lên tới hơn 212.000 tỷ, trong khi khối lượng phát hành trong quý I/2022 cũng là hơn 47.000 tỷ đồng.