20 doanh nghiệp địa ốc phát hành trái phiếu nhiều nhất năm 2021

Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về các doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhiều nhất và 20 doanh nghiệp bất động sản có lượng phát hành lớn nhất...

Trái phiếu không tài sản đảm báo “áp đảo”, chất lượng tài sản đảm bảo kém

Theo đó, Bộ Tài chính cho biết tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành năm 2021 đạt 639.766 tỷ đồng, tăng 38,8% so với năm 2020 (466.826 tỷ đồng), chủ yếu là TPDN phát hành riêng lẻ đạt 605.520 tỷ đồng, tăng 38,8% so với năm 2020, tổng khối lượng TPDN chào bán ra công chúng trong năm 2021 đạt 34.146 tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2020.

Quy mô thị trường TPDN đến cuối năm 2021 tương đương 18,2%GDP, tăng 42,4% so với cuối năm 2020 (17,11%GDP).

Đối với việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, năm 2021 có 06 doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế với tổng khối lượng phát hành là 1,74 tỷ USD. Trong đó, 04 doanh nghiệp bất động sản phát hành 1,15 tỷ USD, chiếm 66,1% tổng khối lượng phát hành, còn lại là doanh nghiệp thương mại dịch vụ và tổ chức tín dụng chiếm lần lượt 24,4% và 9,5% tổng khối lượng phát hành.

Lãi suất phát hành bình quân TPDN riêng lẻ năm 2021 là 7,94%/năm, giảm 1,4%/năm so với năm 2020, thấp hơn 1%-2% so với lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến của các tổ chức tín dụng (TCTD) hiện nay.

20 doanh nghiệp địa ốc phát hành trái phiếu nhiều nhất năm 2021 - Ảnh 1
Bộ Tài chính đánh giá tài sản đảm bảo của nhóm trái phiếu bất động sản kém chất lượng.

Đáng chú ý, trong năm qua, lượng trái phiếu không có tài sản đảm bảo áp đảo trong tổng giá trị phát hành. Cụ thể, TPDN phát hành riêng lẻ có tài sản đảm bảo chiếm 49,7%; trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 50,3%. Đối với TPDN phát hành ra công chúng, trái phiếu chủ yếu không có tài sản đảm bảo, chiếm 99% tổng khối lượng phát hành.

Trái phiếu không có tài sản đảm bảo chủ yếu là trái phiếu do các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán phát hành, chiếm 77,7% tổng khối lượng trái phiếu phát hành riêng lẻ không có tài sản đảm bảo.

Đối với trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng phát hành, 88,2% khối lượng phát hành là trái phiếu có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh thanh toán, 11,8% khối lượng phát hành là trái phiếu không có tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo của trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản phát hành chủ yếu là bất động sản, các chương trình, dự án (chiếm 57,84% tổng khối lượng phát hành), bảo đảm bằng cổ phiếu (chiếm 23,95%), bảo đảm bằng cả bất động sản và cổ phiếu (chiếm 1,37%) và bảo đảm bằng các tài sản khác (chiếm 8,67%).

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đánh giá, mặc dù tỷ lệ trái phiếu có tài sản đảm bảo cao nhưng thực tế chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lại hoặc cổ phiếu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản. Trường hợp thị trường bất động sản khó khăn, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Tại Báo cáo này, Bộ Tài chính cũng cho biết có 20 doanh nghiệp bất động sản vay nợ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nhiều nhất trong năm 2021 đã vay tổng số nợ lên tới hơn 100.000 tỉ đồng, lãi vay TPDN của các doanh nghiệp này từ 8%/năm đến 12,9%/năm.

Nhóm doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu về nợ vay TPDN trong năm vừa qua có: Công ty CP đầu tư và xây dựng Vạn Trường Phát, Công ty CP Osaka Garden, Công ty TNHH kinh doanh bất động sản Mediterranena Revival Villas.

Trong nhóm các doanh nghiệp bất động sản phát hành TPDN để vay nợ nhiều nhất trong năm 2021 theo Bộ Tài chính còn có nhiều "ông lớn" trong ngành bất động sản như: Công ty CP đầu tư Golden Hill, Công ty CP đầu tư Tân Thành Long An, Vinaconex,…

Doanh nghiệp phát hành TPDN vay vốn ít nhất trong nhóm 20 doanh nghiệp là Công ty CP vui chơi giải trí tổng hợp Tam Giang, huy động khoảng 2.736 tỉ đồng, với lãi suất 10%/năm, trong khi vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này chỉ khoảng 639 tỉ đồng.

Cảnh báo các chiêu “lách” quy định để phát hành trái phiếu riêng lẻ

Theo Bộ Tài chính, mặc dù trên thị trường sơ cấp, tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân mua TPDN riêng lẻ giảm mạnh so với năm 2020 nhưng trên thị trường thứ cấp tỷ trọng mua của các nhà đầu tư cá nhân lên tới mức 19% tổng khối lượng phát hành.

Thông tin lô trái phiếu Vạn Trường Phát - một trong những doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu nhiều nhất trong năm 2021.
Thông tin lô trái phiếu Vạn Trường Phát - một trong những doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu nhiều nhất trong năm 2021.

Để chào mời, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân, thị trường đã xuất hiện nhiều cách thức “lách” quy định của pháp luật về nhà đầu tư chứng khoán riêng lẻ.

Thứ nhất là, nhà đầu tư cá nhân được xác nhận là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (hiệu lực trong vòng 1 năm) bằng hợp đồng mua kỳ hạn TPCP hoặc chứng khoán niêm yết trong thời gian từ 2-4 ngày.

Hai là nhà đầu tư cá nhân sử dụng tài khoản vay ký quỹ để chứng minh danh mục chứng khoán niêm yết đang nắm giữ có giá trị trên 2 tỷ đồng nhưng thực tế số vốn tự có thấp hơn.

Ba là cá nhân không trực tiếp đứng tên mua trái phiếu mà ký hợp đồng dân sự với công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại hoặc doanh nghiệp khác để mua TPDN riêng lẻ.

Bên cạnh một số doanh nghiệp đại chúng lớn đã niêm yết và bắt buộc công bố đầy đủ thông tin định kỳ theo quy định bao gồm cả hoạt động phát hành, tiến độ sử dụng vốn, báo cáo tài chính hàng quý, bán niên và kiểm toán - chiếm 47,17% tổng khối lượng phát hành, Bộ Tài chính cho biết gần 53% còn lại thuộc nhóm công ty cổ phần chưa đại chúng và công ty trách nhiệm hữu hạn.

Đáng chú ý, trong số 358 doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ năm 2021, có 57 doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh lỗ trước khi phát hành; 45 doanh nghiệp có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 10 và một số doanh nghiệp đã phát hành khối lượng trái phiếu gấp nhiều lần quy mô vốn chủ sở hữu. Chẳng hạn Osaka Garden huy động 7.700 tỷ trong khi vốn chủ sở hữu chỉ đạt 270 tỷ, tương ứng tỷ lệ nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu lên đến 2.852%; Công ty TNHH kinh doanh bất động sản Mediterranena Revival Villas 7.200 tỷ trên vốn chủ sở hữu 153 tỷ, tương ứng tỷ lệ 4.706%,...

Một số doanh nghiệp phát hành để góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu doanh nghiệp khác hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn; hoặc phát hành để chuyển vốn “lòng vòng” nhằm lách quy định về giới hạn cho vay/đầu tư TPDN của TCTD đối với 1 khách hàng/nhóm khách hàng.

Bên cạnh đó, trên thị trường có hiện tượng các doanh nghiệp chào bán công khai TPDN phát hành riêng lẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trái phiếu được chào bán là trái phiếu có lãi suất cao (11%-12%/năm), thông tin chào bán do chính tổ chức phát hành trực tiếp chào mời trên thị trường sơ cấp hoặc do doanh nghiệp có liên quan chào bán lại trên thị trường thứ cấp.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cho biết có hiện tượng một số tổ chức tư vấn xây dựng hồ sơ chào bán có lợi cho doanh nghiệp để huy động vốn mà không cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin công bố cho nhà đầu tư.

Theo Bộ Tài chính, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP sẽ quy định chặt chẽ hơn điều kiện phát hành nhằm hạn chế việc doanh nghiệp phát hành TPDN với khối lượng lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, gây mất an toàn trong hoạt động, ảnh hưởng đến khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu của doanh nghiệp.

Nam Phong

Theo Sở hữu trí tuệ