Loạt dự án 'huyết mạch' kết nối với một trong hai sân bay lớn nhất Việt Nam sẽ hoàn thành trong năm 2024
Dự kiến từ nay đến cuối năm 2024, loạt dự án này sẽ hoàn thành và sẽ là chìa khóa giảm ùn tắc tại cung đường đi tới sân bay.
Theo thông tin từ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM, đến tháng 10/2024, cơ quan sẽ hoàn thành công tác mở rộng 30m tuyến đường Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân) đoạn dài 2km từ đường Bình Long tới Mã Lò.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng, trong đó riêng kinh phí giải phóng mặt bằng là 995 tỷ đồng (do quận Bình Tân thực hiện).
Sau hơn một năm triển khai, dự án hiện đạt khoảng 70% khối lượng. Địa phương đã hoàn tất giao mặt bằng, nhà thầu đang thi công đồng loạt các hạng mục như nền đường; di dời... trong đó, dọc tuyến đang được ngầm hóa lưới điện, dự kiến hai tháng tới sẽ xong và chuyển sang hoàn thiện các hạng mục khác như trải nhựa, vỉa hè... để thông xe sau 4 tháng nữa.
Bên cạnh đó, TP. HCM cũng vừa khởi động lại dự án xây mới cầu Tân Kỳ - Tân Quý sau 6 năm ngưng trệ do vướng mặt bằng và chuyển đổi phương thức đầu tư. Công trình bắc qua kênh Tham Lương với tổng chiều dài 385m, trong đó phần cầu dài 83m, 4 làn xe và lề đi bộ, phần còn lại là đường dẫn hai đầu.
Theo đó, Cầu Tân Kỳ - Tân Quý được khởi công đầu năm 2018 theo hình thức BOT, tổng vốn 312 tỷ đồng, sau nâng lên 668 tỷ đồng do tính lãi vay trong thời gian xây dựng, chờ thu phí.
Cuối năm 2018, dự án xong 70% nhưng do vướng mặt bằng và không phù hợp Nghị quyết 437 của Quốc hội (không làm dự án BOT trên đường hiện hữu) nên đã bị "đứng hình".
Sau khi khởi động lại, dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý có tổng vốn 491 tỷ đồng, trong đó kinh phí xây dựng 44 tỷ đồng, 190 tỷ đồng giải tỏa mặt bằng và 230 tỷ đồng thanh toán cho nhà đầu tư cũ.
Đường và cầu Tân Kỳ - Tân Quý là một trong những tuyến giao thông chính ở cửa ngõ Tây Nam, kết nối giao thông từ Quốc lộ 1 vào nội đô và sân bay Tân Sơn Nhất.
Sau khi các dự án này hoàn thành, ngoài giảm ùn tắc sẽ chỉnh trang đô thị cho khu vực, nhất là khi thành phố tính chuyển khu nghĩa trang thành nơi xây trường học, công viên sau di dời.
Cũng là một trong những tuyến đường "huyết mạch" dẫn ra sân bay Tân Sơn Nhất, con đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) hiện cũng được thi công sau nhiều nằm bị đình trệ do gặp khó khi giải phóng mặt bằng.
Dự án có tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng, dài gần 800m từ đường Cộng Hoà đến cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) với quy mô mở rộng mặt đường lên 22m.
Theo UBND quận Tân Bình, dự án có khoảng 150 trường hợp căn hộ bị ảnh hưởng, đến nay đã cơ bản hoàn tất đền bù, giao mặt bằng cho dự án. Vừa qua, dọc tuyến được giải toả cây xanh, di dời hạ tầng kỹ thuật, chuẩn bị thi công đồng loạt để hoàn thành vào cuối năm nay.
Cùng với công trình trên, tại khu vực sân bay, TP. HCM đang triển khai dự án lớn là đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà, tổng vốn hơn 4.800 tỷ đồng.
Tuyến đường này xây mới, dài 4km, kết nối trực tiếp ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất (đang xây dựng), mở thêm hướng tiếp cận sân bay và phá thế độc đạo ở cổng vào trên đường Trường Sơn.
Sau 18 tháng thi công, dự án hiện đạt hơn 50% khối lượng trong đó, gói thầu thi công đầu tiên là hầm chui nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện đạt khoảng 80%, dự kiến tháng 8 hoàn thành giúp giảm ùn tắc đường Trường Sơn và nút giao Lăng Cha Cả.
Theo chủ đầu tư, dự án đường nối đang được đặt mục tiêu hoàn thành vào cuối năm nay. Công trình khi đưa vào khai thác ngoài đồng bộ nhà ga T3 công suất 20 triệu khách mỗi năm sẽ tạo ra trục giao thông mới song hành tuyến Cộng Hòa, giảm áp lực giao thông cho cửa ngõ sân bay.
Sau khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, sân bay Tân Sơn Nhất chính là một trong hai sân bay lớn nhất Việt Nam với diện tích 1.500ha, được quy hoạch trở thành trung tâm kết nối giao thông trong và ngoài nước.