Loạt nhà thầu xây dựng ‘kêu trời’ vì nợ đọng hơn 10 năm chưa được quyết toán

Hầu hết các nhà thầu bị nợ đọng, đặc biệt ở khoảng giá trị khối lượng còn lại 20-25% cuối của dự án. Thậm chí nhiều dự án đã đưa vào khai thác sử dụng 10 năm vẫn chưa quyết toán được, trong khi nhà thầu phải vay tín dụng ngân hàng, chịu lãi suất cao dẫn đến tình trạng nợ đọng kéo dài hết công trình này đến công trình khác.

Tình trạng trên diễn ra không chỉ ở các gói thầu dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công mà ở các dự án sử dụng các nguồn vốn khác.

Có công trình trên 10 năm chưa quyết toán được

Chia sẻ tại hội thảo “Nợ đọng xây dựng – kiến nghị giải pháp” diễn ra hôm nay (18/8), ông Khương Tất Thắng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, cho hay hiện doanh nghiệp có 1.280 hợp đồng có giá trị công nợ phải thu.

Tổng số nợ phải thu tại thời điểm cuối tháng 3/2022 là 1.539 tỷ đồng, trong đó công nợ các công trình chủ đầu tư là đơn vị quản lý vốn nhà nước là 1.004 tỷ đồng, doanh nghiệp tư nhân 535 tỷ đồng. Nợ từ 1-3 năm là 506 tỷ đồng, nợ từ 3-5 năm là 539 tỷ đồng, nợ trên 5 năm là 149 tỷ đồng.

“Nợ đọng diễn ra ở các dự án, gói thầu đơn vị ký hợp đồng với chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ… Nợ đọng không chỉ 5 năm gần đây mà còn có những khoản nợ đọng kéo dài trên 10 năm gây không ít hệ lụy cho doanh nghiệp”, ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, nguyên nhân dẫn đến nợ đọng là sau khi các công trình được nghiệm thụ đưa vào sử dụng không quan tâm đến kế hoạch vốn, chậm bố trí vốn trả nợ các dự án đã hoàn thành bàn giao. Đặc biệt, có chủ đầu tư là doanh nghiệp tư nhân chiếm dụng vốn, chây ỳ trong việc trả nợ nhưng chưa được quan tâm giải quyết.

Tương tự, ông Hoàng Trung Kiên, Phó giám đốc kinh doanh Tập đoàn Cienco 4, cho rằng hiện về phía chủ đầu tư, kể cả nhà nước hay tư nhân đều không có bất kỳ bảo lãnh nào. Như vậy, các nhà thầu làm xong công trình hầu như trong tình trạng phải chờ khoản tiền công trình chưa được thanh toán.

“Nhà thầu làm xong không thể thu được tiền, các khoản nợ kéo dài nhiều năm và không có cơ quan nào đứng ra xử lý triệt để”, ông Kiên bày tỏ.

Sếp Cienco 4 nhấn mạnh rằng tình trạng chậm thanh toán đối với công nợ là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng rất lớn đến dòng tiền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp ảnh hưởng đến tình trạng đóng bảo hiểm cho người lao động, nộp thuế nhà nước gây hệ lụy xã hội.

Ông Kiên cũng cho biết hiện tại tổng số nợ đọng của Cienco 4 là 187 tỷ đồng, trong đó điển hình là cầu Đông Trù (22,5 tỷ), cầu Vĩnh Tuy (6,5 tỷ); gói J3 Bến Lức – Long Thành (19,7 tỷ đồng), cầu Dùng (10,1 tỷ), gói 3A, 4A Bình Định (10,9 tỷ), cầu Hòa Trung (74,2 tỷ)….

Khởi kiện ra tòa án để giải quyết

Cùng vướng mắc về nợ đọng, đại diện Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết trong năm 2020-2021, doanh nghiệp phải đưa hai vụ việc ra cơ quan giải quyết tranh chấp để xử lý một cách khách quan và công bằng.

Người này cho biết, kể từ năm 2014, Tập đoàn Hòa Bình và chủ đầu tư đã ký kết hai hợp đồng xây dựng. Đối với hợp đồng thứ nhất, tập đoàn được chủ đầu tư giao thi công xây dựng các hạng mục công trình thuộc dự án sân golf và khu nghỉ dưỡng quốc tế, hợp đồng còn lại được giao thực hiện cung cấp vật tư, thiết bị và thi công xây dựng các hạng mục công trình thuộc dự án khu đô thị du lịch sinh thái.

Tuy nhiên, sau khi thi công xây dựng hoàn thành các dự án nêu trên theo chỉ dẫn của chủ đầu tư và đệ trình hợp lệ các hồ sơ thanh toán, quyết toán thì chủ đầu tư không thực hiện đầy đủ và đúng hạn nghĩa vụ thanh toán cho tập đoàn.

Tập đoàn đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu thanh toán và đề nghị tổ chức phiên họp để xử lý các khoản nợ tồn đọng, song chủ đầu tư cố tình trốn tránh nghĩa vụ, nhiều lần yêu cầu hoãn phiên họp và không tôn trọng tinh thần hòa giải. Do vụ việc kéo dài thời gian nên tập đoàn đã quyết định đưa ra cơ quan giải quyết tranh chấp.

Đại diện Tập đoàn Hòa Bình cho biết các vụ việc trên đã được tòa án và Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) giải quyết, kết quả buộc chủ đầu tư phải thanh toán toàn bộ giá trị thi công thực tế còn thiếu, các khoản phạt và tiền lãi chậm thanh toán theo quy định.

Quyết toán chậm thì coi như lỗ

Ông Vũ Xuân Thắng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí xây dựng (Coma), cho rằng một trong những thủ tục gây phiền phức và thiệt hại cho nhà thầu là quy định về phê duyệt quyết toán. Việc này với nhà thầu nước ngoài là không có. Nhà thầu thực thi công việc thi công, có sự giám sát của nhiều bên liên quan, có khối lượng thực hiện và xác định được giá trị thanh toán, hợp đồng thỏa thuận giữ lại tỷ lệ % để bảo hành và chờ phê duyệt quyết toán nhưng nhiều khi hết hạn bảo hành 5-10 năm vẫn chưa phê duyệt được quyết toán.

“Thủ tục phê duyệt quyết toán nhà thầu thấy chặt chẽ thì ít mà phiền nhiễu, hành nhà thầu thì nhiều. Mỗi hợp đồng thi công, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đơn giá cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, lãi chỉ được 3-5%, thậm chí hòa hoặc lỗ nhưng phê duyệt quyết toán chậm thì coi như lỗ”, ông Thắng nhấn mạnh.

Sẽ đánh giá, xếp hạng các chủ đầu tư

Để khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng, ông Thắng kiến nghị phải luật hóa hoặc nghị định hóa rõ ràng một số khái niệm, làm cơ sở cho việc thanh quyết toán và giải quyết tranh chấp hợp đồng thi công.

Theo ông Thắng, hợp đồng đơn giá cố định thì giá trị thanh toán dựa trên cơ sở khối lượng thực hiện. Khối lượng vượt thì mặc nhiên nhà thầu phải được thanh toán ngay mà không cần thủ tục phiền nhiễu.

Phó tổng giám đốc Coma cũng đề xuất phải có quy định và thực hiện nghiêm sau 1, 2, 3 năm tùy cấp độ và quy mô vốn, kể từ ngày bàn giao công trình phải phê duyệt xong quyết toán. Không phê duyệt xong thì phải thanh toán cho nhà thầu còn phê duyệt sau đó là trách nhiệm của các bên liên quan.

Còn đại diện Công ty Cổ phần Fecon kiến nghị chủ đầu tư cần đơn giản hóa thủ tục nghiệm thu, đặc biệt hồ sơ chất lượng trong thanh toán giai đoạn đối với hợp đồng trọn gói.

Đối với mốc thanh toán theo giai đoạn nên quy định chỉ cần nghiệm thu hoàn thành mốc theo hiện trạng hoàn thành mốc thi công; giảm bớt số lượng hồ sơ chất lượng/hồ sơ hoàn công, thanh toán, quyết toán các dự án đầu tư công…

Đại diện Fecon cũng kiến nghị với cơ quan nhà nước cần quy định bắt buộc đối với các tổng thầu nước ngoài khi sử dụng thầu phụ trong nước hoặc các chủ đầu tư tư nhân cần tuân thủ tối thiểu theo quy định nhà nước về thời gian bảo hành, bảo lãnh, tỷ lệ giữ lại chờ quyết toán để đảm bảo cạnh tranh công bằng, hạn hế chèn ép bí bách đối với các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp tư nhân nhỏ.

Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng nếu tình trạng nợ đọng không giải quyết được thì 5-7 năm tới, doanh nghiệp xây dựng, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ biến mất. Vì vậy, đây là tiếng “kêu cứu” của ngành xây dựng mà cơ quan chức năng cần xem xét nghiêm túc.

Để giải quyết tình trạng nợ đọng, ông Hiệp cho rằng cần luật hóa để đưa ra trách nhiệm pháp lý của chủ đầu tư trong và ngoài ngân sách. Hiệp hội dự kiến sẽ bàn VCCI để đánh giá, xếp hạng các chủ đầu tư để cộng đồng doanh nghiệp cùng biết.

Lệ Chi

Theo VietnamFinance