Loạt 'ông lớn' năng lượng hủy kế hoạch ở Việt Nam: Bình thường hay bất thường?
Chuyên gia cho rằng, phải làm rõ xem việc các doanh nghiệp năng lượng tái tạo lần lượt rời bỏ Việt Nam là điều bình thường hay là do những bất thường trong chính sách, thể chế và môi trường kinh doanh.
'Ông lớn' điện gió ngoài khơi hủy kế hoạch đầu tư
Theo Reuters, tập đoàn năng lượng tái tạo Enel của Ý đang chuẩn bị rời khỏi Việt Nam. Đây là động thái mới nhất của một doanh nghiệp FDI khi các dự định phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam chưa rõ ràng.
Trước đó, hai tập đoàn năng lượng khác là Equinor của Na Uy và Orsted từ Đan Mạch cũng có quyết định tương tự.
Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, đã có 3 ông lớn năng lượng tái tạo lần lượt rời bỏ Việt Nam.
Bình luận về sự rời đi của các ông lớn năng lượng tái tạo này, trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, phải làm rõ xem vì sao các doanh nghiệp điện gió hủy dự định và rời Việt Nam.
“Phải biết được lí do vì sao các ‘ông lớn’ điện gió rời đi chứ không phải là ngành ngành nghề khác. Đây là tình trạng bình thường hay bất thường?”, ông Thịnh đặt vấn đề.
Trên thực tế, theo ông Thịnh một doanh nghiệp khi quyết định đầu tư ra nước ngoài, họ sẽ khảo sát nhiều nước sau đó mới chọn ra một nước phù hợp để đầu tư.
“Trong một số trường hợp, việc nhà đầu tư nước ngoài tới rồi rời đi là điều rất bình thưởng bởi việc đưa ra quyết định đầu tư dựa trên nhiều yếu tố như môi trường kinh doanh, chi phí vận hành doanh nghiệp, chi phí nhân công, chính sách của nước sở tại. Ngoài ra, cũng còn những lý do khác nữa để doanh nghiệp có quyết định đầu tư hay không đó là vị trí địa lý, sự ổn định về mặt chính trị”, ông Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, trong trường hợp nếu doanh nghiệp tới khảo sát nhưng rời đi là do: Cơ hội thi trường chưa rõ ràng, DN chưa nhìn thấy hiệu quả hoặc chỉ là vị trí địa lý của nước bản địa xa với nước mình thì đó là chuyện hết sức bình thường. Nhưng nếu họ rời đi vì môi trường kinh doanh, vì chính sách của chúng ta chưa đáp ứng thì phải xem lại”, ông Thịnh nói.
Đồng quan điểm bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp World Bank Việt Nam (WB), việc một số doanh nghiệp đến khảo sát, quyết định đầu tư và sau đó thay đổi không đầu tư nữa là điều rất bình thường.
Bất cứ nền kinh tế nào cũng có các nhà đầu tư tiềm năng đến khảo sát để kiểm tra xem có họ có phù hợp để đầu tư vào hay không, một số doanh nghiệp sẽ ở lại còn một số sẽ không đầu tư và rút lui.
Điều này hết sức bình thường và không phản ánh hay thể hiện rằng sức hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư FDI đang mất đi. Do đó, vị chuyên gia này khẳng định, FDI vào Việt Nam vẫn tích cực ít nhất là trong trung hạn.
Đừng để nhà đầu tư năng lượng tái tạo nản lòng
Đánh giá về diễn biến này, đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, các nhà đầu tư không còn kiên nhẫn, không nhìn thấy cơ hội rõ rệt tại Việt Nam so với các thị trường điện gió ngoài khơi khác trên thế giới.
"Hay nói cách khác, trong một thời gian dài, Việt Nam vẫn chưa tìm ra được một chính sách, cơ chế rõ ràng, thống nhất, nhất là cơ chế lựa chọn nhà đầu tư, cơ chế giá và mua bán điện… đã phần nào làm nản lòng các nhà đầu tư có tên tuổi", vị đại diện bày tỏ.
Trước đó, báo cáo Thủ tướng về vấn đề trên, Bộ Công Thương nêu loạt khó khăn trong phát triển nguồn điện gió ngoài khơi.
Về quy hoạch, theo Bộ Công Thương, hiện nay tên, địa điểm, quy mô công suất, phương án đấu nối các dự án điện gió ngoài khơi chưa được xác định, chưa có cơ sở để thực hiện nhiệm vụ liên quan đến khảo sát, đo đạc, điều tra, đánh giá tác động làm cơ sở lập dự án đầu tư điện gió ngoài khơi.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 81 năm 2013 về "Định hướng phát triển vùng và liên kết vùng", đối với vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ, chưa thể hiện rõ định hướng phát triển năng lượng hoặc năng lượng tái tạo như định hướng các vùng khác còn lại trên cả nước.
Về đầu tư, Bộ Công Thương nhận thấy, Luật Đầu tư năm 2020 chưa quy định rõ đối với dự án điện gió ngoài khơi thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội hay Thủ tướng hay UBND cấp tỉnh.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương nhận thấy, trường hợp dự án điện gió ngoài khơi không được coi là dự án có sử dụng đất, thì các dự án này có thể sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu năm 2023 và có thể không thuộc các trường hợp chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.
Về khảo sát, giao khu vực biển để khảo sát, Bộ Công Thương cho hay, chưa có đủ cơ sở xác định việc khai thác năng lượng gió trên mặt biển là thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên môi trường Biển và Hải đảo, dẫn đến việc thực hiện trình tự, thủ tục theo Nghị định 11 năm 2021 về việc giao khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân để sử dụng, khai thác tài nguyên gió trên biển là chưa rõ cơ sở để thực hiện.
Bộ này cũng nêu những khó khăn xung quanh vấn đề giá điện, bảo lãnh vay vốn, chuyển đổi ngoại tệ, hợp đồng mua bán điện, cam kết sản lượng ... do pháp luật chưa quy định cụ thể cho điện gió ngoài khơi, dẫn đến nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc xác định các điều kiện khuyến khích, thuận lợi khi thực hiện dự án.
Đặc biệt, việc trình dự án thí điểm điện gió ngoài khơi của các DN có vốn nhà nước không thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương mà vấn đề này thuộc về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với PVN, EVN)…
Với những khó khăn trên, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng sớm có ý kiến về đề xuất dự án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi mà bộ này đã trình.
Tại Công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9/2024 về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chínhyêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm khẩn trương thực hiện bồi thường tổn thất cho bên mua bảo hiểm bảo đảm nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời theo đúng thỏa thuận hợp đồng và quy định pháp luật.
Ghi nhận tại nhiều DNBH, lãnh đạo và cán bộ nhân viên đã và đang nỗ lực cao nhất để liên lạc, tiếp cập với khách hàng, người thân, hỗ trợ thủ tục, giám định và chi trả bồi thường nhanh nhất, nhằm chia sẻ rủi ro, mất mát, cùng vượt qua khó khăn, sớm ổn định đời sống và sản xuất.