Lợi nhuận công ty chứng khoán: 'Đỏ mắt' tìm tăng trưởng

Trong năm 2022, quý IV là kỳ kế toán chứng kiến nhiều sự thụt lùi nhất trong kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập
Luật sư Nguyễn Tiến Lập

“Đỏ mắt” tìm tăng trưởng lợi nhuận

Năm 2022 của các công ty chứng khoán khép lại với kết quả kinh doanh quý IV không thể tệ hơn.

Quán quân về lợi nhuận sau thuế quý IV vẫn thuộc về cái tên quen thuộc là Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS), đạt hơn 229 tỷ đồng. Dù đứng đầu bảng, mức lợi nhuận này vẫn sụt giảm 71% so với cùng kỳ năm 2021. Trong quý IV, các nguồn thu chính của TCBS đều đi giật lùi như lãi từ các tài sản tài chính FVTPL (giảm 73,9%), lãi từ các khoản cho vay và phải thu (giảm 11%), doanh thu môi giới chứng khoán (giảm 56,9%)… Trong khi đó, chi phí hoạt động lại tăng gấp rưỡi lên hơn 351 tỷ đồng trong kỳ.

Một ông lớn khác trong ngành chứng khoán là Công ty Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) cán mốc lợi nhuận trước thuế ở vị trí thứ 2. Tương tự như TCBS, các mũi nhọn kinh doanh của SSI trong quý IV như hoạt động tự doanh, cho vay ký quỹ (margin), môi giới chứng khoán… đều giảm mạnh so với cùng kỳ. Dù đã tiết giảm mạnh chi phí hoạt động so với quý IV/2021 để bù đắp cho phần hụt của doanh thu, lợi nhuận sau thuế của SSI vẫn giảm đến 78% so với cùng kỳ, đạt hơn 223 tỷ đồng vì thiếu trợ lực từ hoạt động tài chính.

Ở quy mô nhỏ hơn, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cũng không nằm ngoài nhóm lợi nhuận sụt giảm. Trong quý IV, doanh thu từ các nghiệp vụ của công ty đều kém sắc so với cùng kỳ, trong đó, doanh thu môi giới chứng khoán giảm mạnh 55,5%, doanh thu từ hoạt động tư vấn tài chính giảm tới 90%, lãi từ các tài sản tài chính FVTPL và lãi từ các khoản cho vay và phải thu lần lượt giảm 28% và giảm gần 15%. Kết quả, tổng doanh thu hoạt động của MBS trong quý IV đạt hơn 405 tỷ đồng, giảm 38,4% so với cùng kỳ. Hoạt động tự doanh không thua lỗ, nhưng sụt giảm mạnh 37,6% so với cùng kỳ. Chốt quý, MBS báo lãi sau thuế 72,4 tỷ đồng, giảm 58% so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2021.

Tương tự MBS, hoạt động tự doanh của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC, HoSE: VCI) cũng ghi nhận kém sắc trong quý IV và là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả kinh doanh ảm đạm. Khác với nhiều công ty chứng khoán khi hoạt động môi giới bị ảnh hưởng không nhỏ bởi tâm lý nhà đầu tư trên thị trường, doanh thu từ nghiệp vụ này của VCSC chỉ giảm nhẹ gần 2%, vẫn đạt hơn 209 tỷ đồng. Tuy nhiên, một nghiệp vụ chính khác là hoạt động tư vấn tài chính lại ghi nhận doanh thu giảm tới 97%, từ mức hơn 233 tỷ đồng (quý IV/2021) giảm còn vỏn vẹn 6,7 tỷ đồng.

Ở hoạt động tự doanh, lãi từ các tài sản tài chính FVTPL giảm 25,6%, đạt hơn 369 tỷ đồng. Ngược lại, lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL là hơn 400 tỷ đồng, tăng 82% so với cùng kỳ. Kết quả, VCSC lỗ tự doanh hơn 31 tỷ đồng trong kỳ, trong khi cùng kỳ lãi tới gần 260 tỷ đồng. Chốt quý, lợi nhuận sau thuế của VCSC lao dốc 94%, đạt 28,4 tỷ đồng, thua xa mức lợi nhuận cùng kỳ hơn 467 tỷ đồng.

Ngoài những công ty nêu trên, còn hàng loạt cái tên từ lạ đến quen trong khối các công ty chứng khoán ghi nhận lợi nhuận giảm đến hàng chục phần trăm trong quý IV so với cùng kỳ như Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC, HoSE: HCM), Công ty Chứng khoán VPS, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco)…

Tuy nhiên, sụt giảm chưa phải tình hình tệ nhất trong quý IV của khối ngành chứng khoán. Là một trong những ông lớn trong ngành, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND) báo lỗ sau thuế quý IV hơn 13,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi tới hơn 724 tỷ đồng. Sự chênh lệch quá lớn này nguyên nhân đến từ việc các chi phí trong kỳ tăng phi mã, trong khi doanh thu đi ngang. Cụ thể, doanh thu hoạt động trong kỳ đạt hơn 1.961 tỷ đồng, biến động không đáng kể so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng 90%, đạt hơn 1.450 tỷ đồng do lỗ từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL). Chi phí tài chính tăng gấp 2,5 lần, đạt hơn 424 tỷ đồng do gia tăng chi phí lãi vay.

Ở quy mô nhỏ hơn, Công ty Cổ phần Chứng khoán VIX (HoSE: VIX) chứng kiến doanh thu trong kỳ giảm 24% so với cùng kỳ, đạt hơn 237 tỷ đồng, trong khi chi phí hoạt động tăng gấp 3,9 lần so với cùng kỳ, đạt 361 tỷ đồng. VIX báo lỗ sau thuế quý IV 103 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 162 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ kỷ lục của công ty chứng khoán này kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán từ năm 2009 đến nay.

Một số công ty chứng khoán khác rơi vào tình trạng thua lỗ trong quý IV có thể kể đến như Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (HoSE: CTS), Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (HoSE: VDS), Công ty Cổ phần Chứng khoán APG (HoSE: APG)… Ở chiều ngược lại, các công ty chứng khoán hiếm hoi ghi nhận tăng trưởng trong kết quả kinh doanh quý IV có thể kể đến như Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) với doanh thu hoạt động tăng gấp 30 lần, đạt hơn 320 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng gấp 63 lần, đạt hơn 181 tỷ đồng. Động lực tăng trưởng quan trọng đến từ nguồn vốn “khổng lồ” được bơm từ ngân hàng VPBank giúp VPBankS thỏa sức mở rộng kinh doanh.

Lợi nhuận qua đỉnh, công ty chứng khoán thu hẹp margin

Lợi nhuận công ty chứng khoán: 'Đỏ mắt' tìm tăng trưởng - Ảnh 1

Nếu so sánh với năm 2021, kết quả kinh doanh của khối các công ty chứng khoán đã có một năm “thảm hoạ” khi lợi nhuận năm 2022 chỉ còn ghi nhận bằng hơn một nửa. Tuy nhiên, nếu so với giai đoạn trước Covid-19 (từ năm 2019 trở về trước) thì lợi nhuận của năm 2022 vẫn có phần nhỉnh hơn. Trong bối cảnh chu kỳ kinh doanh đã qua đỉnh, dư nợ cho vay margin tại các công ty chứng khoán cũng thu hẹp.

TCBS là một trong số các công ty chứng khoán có dư nợ cho vay margin “khủng” nhất tính tới cuối năm 2021, đạt giá trị trên 15.852 tỷ đồng. Ghi nhận tại thời điểm cuối năm 2022, mức dư nợ cho vay này đã giảm còn hơn 9.354 tỷ đồng, tương đương thu hẹp khoảng hơn 6.400 tỷ đồng sau 1 năm.

SSI với dư nợ cho vay margin tính tới cuối năm 2022 là hơn 11.057 tỷ đồng, cũng đã giảm hơn 12.600 tỷ đồng so với cuối năm 2021. HSC cũng giảm quy mô cho vay hơn 6.300 tỷ đồng, từ mức 13.690 tỷ đồng vào cuối năm 2021 còn hơn 7.378 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2022. Một cái tên đáng chú ý khác là Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) với dư nợ cho vay còn vỏn vẹn 363 triệu đồng, trong khi trước đó đạt mức 3.820 tỷ đồng.

Theo dự đoán của FiinRatings, các công ty trong khối ngành chứng khoán sẽ tiếp tục giảm quy mô margin, thu hẹp quy mô kinh doanh trong năm 2023 so với năm 2022 nhằm chờ đợi tín hiệu tích cực hơn từ vĩ mô. Các chuyên gia của FiinRatings cho rằng ảnh hưởng từ kinh tế vĩ mô với mặt bằng lãi suất gia tăng khiến kênh chứng khoán trở nên ít hấp dẫn hơn trong năm 2023, một mặt kéo dòng tiền về kênh tiền gửi tiết kiệm, mặt khác khiến chi phí vốn gia tăng.

FiinRatings kỳ vọng sẽ có sự phân hóa lớn giữa các công ty chứng khoán trong năm 2023. Những công ty có thanh khoản dồi dào, rủi ro tập trung không cao và hoạt động kinh doanh không phụ thuộc nhiều vào biến động thị trường cũng như tập khách hàng cá nhân sẽ có kết quả kinh doanh ổn định hơn so với các doanh nghiệp tăng trưởng nóng theo xu hướng thị trường.
 

Ngọc Thu

Theo VietnamFinance