Lợi nhuận của Hải Phát Invest giảm một nửa, chủ tịch liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu
Thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn trong năm 2022 đã khiến lợi nhuận ròng của Hải Phát Invest giảm hơn một nửa so với năm liền trước. Đáng chú ý, dòng tiền kinh doanh liên tục âm đã khiến tình hình kinh doanh của Hải Phát Invest bộc lộ nhiều vấn đề.
CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, Mã: HPX) vừa công bố BCTC hợp nhất quý IV/2022 với doanh thu thuần đạt gần 327 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Chủ yếu do doanh thu các hoạt động khác giảm mạnh từ gần 186 tỷ về hơn 38 tỷ.
Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng cao, đặc biệt trong mảng bất động sản đã khiến công ty này lỗ gộp 34 tỷ đồng trong quý cuối cùng của năm 2022, trong khi cùng kỳ ghi nhận mức lãi dương hơn 4 tỷ. Trong quý IV, Hải Phát Invest thoát lỗ nhờ nguồn thu gần 145 tỷ đồng từ hoạt động tài chính và việc tiết giảm hầu hết chi phí phát sinh từ bán hàng cho tới quản lý doanh nghiệp và thu về hơn 19 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. So với cùng kỳ năm trước đó, mức lợi nhuận ròng này của Hải Phát Invest đã giảm 7 lần.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến kết quả kém tích cực kể trên, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết số lượng sản phẩm dự án bất động sản bán ra trong quý vừa qua thấp hơn cùng kỳ năm trước.
Như vậy, lũy kế cả năm 2022, Hải Phát Invest ghi nhận 1.635 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17% so với năm 2021. Tuy vậy, khoản lãi sau thuế lại thu hẹp một nửa, còn 140 tỷ đồng.
Đầu năm 2022, Hải Phát Invest đã đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất tối thiểu đạt 2.700 tỷ đồng và lãi sau thuế tối thiểu 450 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm, doanh nghiệp này chỉ hoàn thành 61% kế hoạch doanh thu và 31% mục tiêu lợi nhuận.
Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Hải Phát Invest đạt gần 9.300 tỷ đồng, giảm gần 300 tỷ đồng so với đầu năm. Doanh nghiệp hiện có 130 tỷ đồng gửi ngân hàng, giảm 5 lần so với hồi đầu năm. Khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn cũng thu hẹp từ 330 tỷ xuống 15 tỷ đồng.
Trong khi đó, các khoản phải thu dài hạn, cụ thể là các khoản phải thu theo các hợp đồng hợp tác đầu tư của doanh nghiệp lại tăng mạnh lên gần 1.346 tỷ đồng, gấp 2,4 lần đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn đều tăng mạnh, lần lượt là 23% lên gần 2.300 tỷ đồng và 139% lên 1.345 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2022, Hải Phát Invest đang nhận gần 1.100 tỷ đồng tiền người mua trả trước, trong khi số liệu đầu năm chỉ hơn 27 tỷ đồng. Đây là khoản thanh toán theo tiến độ từ khách hàng ký hợp đồng mua bất động sản tại Dự án Cao Bằng, Dự án Bắc Giang và các dự án khác.
Ở chiều nguồn vốn, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp địa ốc này vào khoảng 5.640 tỷ đồng, giảm 7% so với hồi đầu năm. Đáng chú ý, tổng nợ vay (vay ngân hàng và công ty chứng khoán) của công ty đã giảm 29% trong năm, xuống 3.317 tỷ đồng.
Chủ tịch Hải Phát Invest liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu
Ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Hải Phát (mã chứng khoán: HPX) vừa bị công ty chứng khoán bán giải chấp hơn 3,6 triệu cổ phiếu HPX trong phiên giao dịch ngày 11/1/2023 theo phương thức giao dịch khớp lệnh.
Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu HPX mà ông Hải nắm giữ giảm từ 57,87 triệu đơn vị, tương ứng từ 19,03% xuống còn 54,24 triệu đơn vị, tương ứng 17,84% số lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Trước đó, từ ngày 28/11 đến ngày 23/12/2022, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hải Phát đã có 8 lần bị các công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu.
Cụ thể, trong các ngày 28 – 30/11/2022, ông Hải bị công ty chứng khoán bán giải chấp hơn 36 triệu cổ phiếu, khiến số lượng cổ phiếu sở hữu giảm từ 121,78 triệu đơn vị xuống 85,77 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ sở hữu giảm từ 40,04% xuống 28,2%.
Tiếp đến, các ngày 1/12, 2/12, 5/12, 6/12, 8/12, 9/12 và 23/12/2022, ông Hải tiếp tục bị ép bán lần lượt là 1,62 triệu đơn vị, 11,28 triệu đơn vị, 800.000 đơn vị, 2,33 triệu đơn vị, 3,85 triệu đơn vị, 295.500 đơn vị và 1,72 triệu đơn vị, khiến tỷ lệ sở hữu giảm từ 28,2% xuống 22,32%.
Ngoài việc bị các công ty chứng khoán bán giải chấp, trong hai ngày 27 và 28/12, Chủ tịch HĐQT Hải Phát cũng đã hoàn tất bán ra 10 triệu cổ phiếu HPX và giảm tỷ lệ sở hữu xuống 19,03%.
Như vậy, kể từ khi bị các công ty chứng khoán bán giải chấp đến nay (28.11.2022 - 11.1), ông Hải đã bị bán giải chấp tổng cộng hơn 61,5 triệu cổ phiếu HPX, cộng với việc chủ động bán ra 10 triệu cổ phiếu để cơ cấu danh mục, số lượng cổ phiếu ông Hải nắm giữ tại Hải Phát đã giảm hơn một nửa từ 121,78 triệu đơn vị xuống còn 54,24 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ sở hữu giảm từ 40,04% xuống còn 17,84%.
Không chỉ có ông Hải bị bán giải chấp cổ phiếu mà ông Đỗ Quý Đường và Đỗ Quý Thành là hai người em của ông Hải cũng bị bán giải chấp. Cụ thể, ông Đỗ Quý Đường bị bán giải chấp tổng cộng hơn 2,5 triệu đơn vị, số lượng cổ phiếu nắm giữ giảm từ 3,04 triệu đơn vị xuống còn hơn 500.000 đơn vị, tỷ lệ sở hữu giảm tương ứng từ 1% xuống còn 0,17%. Ông Đỗ Quý Thành, Phó Tổng Giám đốc công ty bị bán giải chấp tổng cộng hơn 2,3 triệu đơn vị.
Ngoài ra, bà Chu Thị Lương, vợ ông Đỗ Quý Hải cũng bị bán giải chấp tổng cộng gần 5,2 triệu đơn vị, số lượng cổ phiếu nắm giữ giảm từ 11,41 triệu đơn vị xuống còn hơn 6,88 triệu đơn vị, tỷ lệ sở hữu giảm tương ứng từ 3,75% xuống còn 2,26%.