Lợi nhuận của KienLongBank tụt dốc vì khoản nợ được thế chấp bằng cổ phiếu STB

Khoản nợ "khủng" được thế chấp bằng cổ phiếu Sacombank đã gây ảnh hưởng mạnh tới kết quả kinh doanh trong thời gian gần đây của KienLongBank.

Khoản nợ "khủng" được thế chấp bằng cổ phiếu Sacombank

Vừa qua, cổ phiếu STB của ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) bất ngờ trở thành tâm điểm chú ý trên thị trường chứng khoán.

Diễn biến cổ phiếu STB - Nguồn: vietstock
Diễn biến cổ phiếu STB - Nguồn: vietstock

Cụ thể, ngày 22/9, giá cổ phiếu STB tăng trần lên mức 12.550 đồng/cp sau tin đồn Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) của ông Trần Bá Dương mua gần 176 triệu cổ phiếu STB (chiếm gần 10% khối lượng lưu hành) với giá 18.000 đồng/cp từ ngân hàng Kiên Long (Kienlongbank). Tuy nhiên, ngày sau đó, cả Thaco, Kienlongbank và Sacombank đều phủ nhận tin đồn này.

Dù các bên liên quan đều đã đính chính những đồn đoán, giá cổ phiếu STB đến phiên 25/09 tiếp tục tăng trần lên 13.300 đồng/cp với khối lượng giao dịch đạt 39,3 triệu đơn vị. Khép phiên giao dịch ngày 22/10, giá cổ phiếu tiếp tục tăng trần lên 14.600 đồng/cp.

Theo các công bố chính thức, Sacombank không có cổ đông lớn, gần 68.000 cổ đông nhỏ, trong đó 304 tổ chức tính đến cuối năm 2019. Ngoài cổ đông, 2 ngân hàng là Eximbank và Kienlongbank đang sở hữu lượng lớn cổ phiếu STB dưới dạng tài sản đảm bảo cho khoản vay đã thành nợ xấu của các khách hàng.

Năm 2020, Kienlongbank kỳ vọng sẽ rao bán thành công 176,4 triệu cổ phiếu Sacombank để giúp ngân hàng hồi phục trở lại với lợi nhuận cả năm dự kiến là 750 tỷ đồng, gấp hơn 8 lần năm 2019. Lãnh đạo Ngân hàng cũng cho biết ngân hàng sẽ không chốt giá bán thấp hơn 20.000 đồng/cp, dù đang cần thu hồi nợ xấu.

Theo đó, KienLongBank đã nhiều lần bán đấu giá 176,4 triệu cổ phiếu STB song đến nay vẫn chưa bán thành công.

Giá khởi điểm trong lần chào bán đầu tiên (hồi tháng 1/2020) lên tới 24.000 đồng/cp, gấp 2 lần thị giá cổ phiếu STB; lần thứ 2 (hồi tháng 2/2020) với giá 21.600 đồng/cp.

Đáng chú ý, vào đầu tháng 3/2020, Kienlongbank tiếp tục đại hạ giá khởi điểm xuống còn hơn 17.400 đồng/cp. Qua đây có thể thấy, nhà băng này đang muốn đẩy “của nợ” cổ phiếu của Sacombank càng nhanh càng tốt

Lợi nhuận tại KienLongBank giảm mạnh, tỷ lệ nợ xấu vọt lên cao nhất nhì ngành

Hiện nay, Kienlongbank đang muốn nhanh chóng xử lý được số cổ phiếu STB bởi các khoản vay liên quan đến tài sản thế chấp này đã gây ảnh hưởng xấu tới kết quả kinh doanh của nhà băng này.

Theo BCTC hợp nhất quý 3/2020, tại ngày 30/09/2020, tổng nợ xấu của KienLongBank gấp 6,5 lần đầu năm, ghi nhận gần 2.241 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 50% so với hồi đầu năm, lên gần 57 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn tăng 793%, lên gần 2.134 tỷ đồng.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020.

Trong số dư nợ có khả năng mất vốn tại ngày 30/09/2020 đã bao gồm gần 1.883 tỷ đồng dư nợ các khoản cho vay đối với một nhóm khách hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu của một ngân hàng khác được phân loại nhóm 5 theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước.

Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của Kienlongbank tăng từ mức 1,02% hồi đầu năm lên 6,63%. Kienlongbank từ ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thuộc hàng thấp nhất hệ thống vọt lên cao nhất nhì.

Ngoài chất lượng tín dụng thì lợi nhuận của Kienlongbank cũng ghi nhận kém ‘tươi sáng’ do khoản vay trên.

Cụ thể, theo BCTC hợp nhất quý 3/2020, tính riêng quý 3/2020 Kienlongbank ghi nhận thu nhập lãi thuần giảm 22% so với cùng kỳ, còn gần 241 tỷ đồng.

Các hoạt động ngoài lãi cũng giảm so với cùng kỳ 2019. Cụ thể, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 14% so với cùng kỳ; hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư không ghi nhận lãi trong khi cùng kỳ lãi hơn 35 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước và sau thuế của Ngân hàng trong quý 3/2020 giảm 52% so với cùng kỳ, chỉ còn gần 42 tỷ đồng và hơn 33 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, thu nhập lãi thuần của KienLongBank giảm 11% so với cùng kỳ, ở mức gần 791 tỷ đồng. Lợi nhuận trước và sau thuế giảm lần lượt  39% và 38% so với cùng kỳ 2019, chỉ còn gần 145 tỷ đồng và gần 116 tỷ đồng.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020.

Như vậy, nếu so với kế hoạch 750 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho cả năm 2020, Kienlongbank chỉ mới thực hiện được hơn 19% chỉ tiêu sau 9 tháng đầu năm.

Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh kỳ này của Kienlongbank cũng chỉ ghi nhận dương gần 1.442 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương đến 2.020 tỷ đồng

Trước đó, lợi nhuận năm 2019 của ngân hàng cũng giảm tới 70% so với năm 2018 và thua lỗ nặng ở quý 4, xuất phát từ việc phải hạch toán giảm các khoản lãi phải thu đã ghi nhận trong các năm trước đối với các khoản cho vay của nhóm khách hàng có tài sản bảo đảm là 176 triệu cổ phiếu STB.

Hà Phương (t/h)

Theo Sở hữu trí tuệ/Link: https://sohuutritue.net.vn/loi-nhuan-cua-kienlongbank-tut-doc-vi-khoan-no-duoc-the-chap-bang-co-phieu-stb-d63037.html