Lợi nhuận doanh nghiệp mía đường có ngọt?

Hầu hết doanh nghiệp mía đường niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý. Theo đó, kết quả kinh doanh quý 4 niên độ 2021 - 2022 của các doanh nghiệp mía đường ghi nhận không mấy khả quan.

Lợi nhuận của một số doanh nghiệp mía đường không mới khả quan.  
Lợi nhuận của một số doanh nghiệp mía đường không mới khả quan.  

CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (mã: SBT) là doanh nghiệp đầu ngành, chiếm 46% thị phần cả nước với 66.000ha vùng nguyên liệu tại Việt Nam, Lào và Campuchia. Công ty này đặt mục tiêu đến 2025 sẽ mở rộng vùng nguyên liệu tại Úc lên đến 20.000ha.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 niên độ 2021 - 2022 (năm tài chính kết thúc ngày 30/6) của TTC Sugar, doanh thu thuần đạt 5.508 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ, chủ yếu là doanh thu bán đường với giá trị hơn 4.950 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, công ty lãi trước thuế 200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thu về hơn 170 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ.

Lũy kế cả niên độ, công ty ghi nhận doanh thu thuần 18.325 tỷ đồng, tăng 23%. Khoản lãi trước thuế niên độ này đã vượt 1.000 tỷ, tăng 28% và cũng là con số cao nhất từ trước tới nay. Lãi sau thuế niên độ 2021 - 2022 đạt 818 tỷ đồng, tăng 25,7% so với niên độ trước.

Trong niên độ này, SBT lên mục tiêu đạt 16.905 tỷ đồng doanh thu và 750 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, công ty đã vượt 8% kế hoạch doanh thu và 9% kế hoạch lợi nhuận.

CTCP Mía đường Lam Sơn (mã: LSS) lại có xu hướng ngược lại với doanh thu thuần quý 4 đạt 766 tỷ đồng, giảm 7,8% nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 24 tỷ đồng, tăng hơn 49% so với cùng kỳ năm trước. 

Lũy kế cả niên độ 2021 - 2022, LSS đạt 2.041 tỷ đồng doanh thu thuần, hơn 44 tỷ lợi nhuận ròng; tăng lần lượt 10,5% và 95% so với cùng kỳ năm ngoái.

Niên độ 2021 - 2022, doanh nghiệp đặt kế hoạch 2.600 tỷ đồng doanh thu, gần 100 tỷ lợi nhuận trước thuế. Như vậy, với 50 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, doanh nghiệp mới đạt 50% mục tiêu lợi nhuận và đạt 78,5% chỉ tiêu doanh thu.

Công ty CP Mía đường Sơn La (mã: SLS)  cũng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 niên độ 2021 - 2022 ghi nhận sự giảm tốc cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.

Quý 4 niên độ 2021 - 2022, doanh nghiệp đạt 218 tỷ đồng doanh thu thuần, 62 tỷ đồng lãi sau thuế; giảm lần lượt 6% và 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 4 quý, công ty ghi nhận 869 tỷ đồng doanh thu thuần, 188 tỷ  lãi sau thuế; tăng lần lượt hơn 8% và 14,6% so với cùng kỳ niên độ trước. 

Niên độ này, doanh nghiệp lên mục tiêu 1.037 tỷ đồng tổng doanh thu, 75 tỷ đồng lãi sau thuế. Như vậy, Sơn La mới đạt 84% chỉ tiêu doanh thu song đã vượt 150% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Cũng có kết quả kinh doanh không mấy kỳ vọng, lũy kế đến cuối niên vụ, CTCP Đường Kon Tum (HNX: KTS) ghi nhận doanh thu đi lùi, giảm gần 29% so với cùng kỳ, xuống 176 tỷ đồng. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp cả niên độ của công ty cải thiện từ mức 11,2% lên 16% đã giúp lợi nhuận sau thuế tăng 41%, lên hơn 8 tỷ đồng.

Trong năm 2021, mảng đường của CTCP Đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS) cũng có sự đột biến với doanh thu đạt gần 1.584 tỷ đồng, tăng 59.3% so với năm 2020; lợi nhuận gộp đạt hơn 371,6 tỷ đồng, cao gấp 11,7 lần. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu về mảng đường của QNS đạt hơn 842 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với nửa đầu năm 2022 và lợi nhuận gộp hơn 108 tỷ đồng, giảm 24,6%.

Riêng về QNS, đây là doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh chính là sữa đậu nành, mảng đường chỉ chiếm 20% doanh thu thuần và 15% lợi nhuận gộp cả công ty.

Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, đến ngày 31/7, ngành đường Việt Nam đã hoàn thành vụ mía 2021-2022. Lũy kế đến kết thúc vụ, toàn ngành đã ép được 7,5 triệu tấn mía, sản xuất được gần 741.700 tấn đường, tăng 11,6% về lượng mía ép và 7,5% về lượng đường so với cùng kỳ với vụ ép mía 2020- 2021.

Ước tính tổng cung đường năm 2022 là 2,5 triệu tấn lớn hơn tổng cầu trong khoảng 2,1 - 2,3 triệu tấn nên cân đối cung cầu đường sẽ là thừa cung cho cả năm 2022.

Nguồn cung đường nhập khẩu tiếp tục đưa đường vào thị trường thông qua nhập khẩu trực tiếp chính ngạch từ các nước ASEAN và đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam với Campuchia và Lào đang tràn vào, cộng với đường từ vụ ép 2021-2022 và cả đường lỏng siro ngô tiếp tục được nhập khẩu.

Các nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ đường chưa tăng nên các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu đặc biệt là đường lậu tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường.

VSSA nhận định giá đường trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào nỗ lực chống gian lận thương mại và đường nhập lậu. Nếu việc kiểm soát đường nhập lậu có hiệu quả, giá đường sẽ ở mức tiệm cận với giá đường các nước trong khu vực (nhưng vẫn thấp hơn).

Ngược lại, nếu việc kiểm soát đường nhập lậu không hiệu quả, giá đường sẽ tiếp tục giảm dưới giá thành sản xuất đường từ mía và dẫn đến khả năng phá hủy chuỗi liên kết sản xuất mía đường.

Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán VCBS dẫn số liệu cho biết niên vụ 2020-2021 là niên vụ có sản lượng mía sản xuất ra thấp nhất trong 20 năm qua. Trong số 41 nhà máy thì đến nay chỉ còn 24 nhà máy đang hoạt động. Tại một số địa phương, người dân bỏ mía, không chăm, dẫn đến năng suất và chất lượng mía giảm.

Nguyên nhân, ngoài yếu tố thời tiết thì do giá đường các vụ trước đó xuống thấp vì sự cạnh tranh quyết liệt của đường giá rẻ từ Thái Lan và đường nhập lậu, gian lận thương mại.

Minh Vân

Theo Chất lượng và Cuộc sống