Lợi suất trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp tăng mạnh

Lãi suất đăng ký ở các kỳ hạn đều tăng mạnh, nhằm có thể thu hẹp khoảng cách với lợi suất trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp cùng kỳ hạn.

Trong những ngày gần đây, lợi suất trái phiếu trên thị trường thứ cấp tiếp tục tăng mạnh, tương đồng xu hướng của khu vực.  
Trong những ngày gần đây, lợi suất trái phiếu trên thị trường thứ cấp tiếp tục tăng mạnh, tương đồng xu hướng của khu vực.  

Nguyên nhân chính được cho là do lãi suất đăng ký ở các kỳ hạn đều tăng mạnh, nhằm có thể thu hẹp khoảng cách với lợi suất trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp cùng kỳ hạn. Bên cạnh đó, giải ngân đầu tư công vẫn tương đối thấp trong quý 1/2022 (chỉ 11% kế hoạch năm được giải ngân, thấp hơn cùng kỳ) và Kho bạc Nhà nước chưa gặp áp lực phải phát hành trái phiếu Chính phủ để tài trợ.

Tính đến hiện tại, chỉ có 10,9% kế hoạch phát hành năm và 1,8% kế hoạch quý được thực hiện. Mặc dù kỳ vọng đầu tư công sẽ được tập trung giải ngân hơn trong thời gian tới, áp lực giải ngân vẫn chưa lớn trong quý 2 và nguồn cung sẽ chưa có sự cải thiện nhiều. Bên cạnh đó, sự chênh lệnh giữa lợi suất trái phiếu Chính phủ trên hai thị trường sơ cấp và thứ cấp vẫn được duy trì khiến nhu cầu đầu tư trái phiếu Chính phủ vẫn thận trọng. Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư CTCP Chứng khoán SSI cho rằng giao dịch trên thị trường sơ cấp sẽ tương đối trầm lắng trong thời gian tới.

Trên thị trường thứ cấp, lợi suất trái phiếu tiếp tục tăng mạnh, tương đồng xu hướng của khu vực. Kết tuần đóng cửa như sau: kỳ hạn 1 năm (lãi suất 1,94%, +8 bps), kỳ hạn 3 năm (2,13%; +9 bps); kỳ hạn 5 năm (2,30%, +13 bps); kỳ hạn 10 năm (3,01%, +27 bps); kỳ hạn 15 năm (3,21%, +26 bps); kỳ hạn 20 năm (3,17%, +10 bps) và kỳ hạn 30 năm (3,25%, +8 bps). Giá trị giao dịch trung bình hàng ngày tăng 8,6%, lên mức 12.100 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 554 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm bán ròng 2.000 tỷ đồng.

Lãi suất liên ngân hàng duy trì mức cao

Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức cao trên 2%, kết tuần vừa qua, kỳ hạn qua đêm ở mức 2,23% (giảm 6 điểm cơ bản so với tuần trước đó) và kỳ hạn 1 tuần 2,42% (giảm 10 điểm cơ bản).

Trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm gần 1.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/năm. Lượng tín phiếu đáo hạn lên đến 3.800 tỷ đồng và giúp khối lượng đang lưu hành giảm xuống chỉ còn 2.400 tỷ đồng.

Tại phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến ngày 31/12/2023 - ngắn hơn so với đề xuất từ Ngân hàng Nhà nước là đến 2025. Việc Nghị Quyết 42 được kéo dài đến cuối 2023 giống như một biện pháp trong gói hỗ trợ kinh tế 2022 - 2023, hướng tới tới nền kinh tế và ngành ngân hàng nói riêng.

Từ tháng 8/2017 khi có hiệu lực đến nay, Nghị quyết 42 được triển khai tích cực và đạt được kết quả khả quan. Theo đó, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý, kiểm soát và tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2%. Tổng nợ xấu chưa xử lý xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến 31/12/2021 giảm 17,21% so với thời điểm Nghị quyết số 42 có hiệu lực (15/8/2017).

Tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/12/2021 đạt trung bình khoảng 5.670 tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2.150 tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực.

N.N

Theo Chất lượng và Cuộc sống