Lời xin lỗi vì nghẽn lệnh tại HoSE: Việc cần làm khác

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, UBCKNN và HoSE cần làm nhiều hơn để thể hiện trách nhiệm của mình.

Tại buổi tọa đàm với chủ đề Nghẽn lệnh tại HoSE diễn ra mới đây, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Trần Văn Dũng đã thừa nhận hệ thống giao dịch chứng khoán thời gian qua có rất nhiều vấn đề do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó những nhà quản lý đã có lúc bị xao nhãng, không lường hết tình hình thị trường có thể tăng tốc nhanh như hiện nay. Điều này dẫn tới hệ thống mới chưa được chuẩn bị một cách kịp thời.

Chủ tịch UBCKNN cho rằng ông nợ nhà đầu tư lời xin lỗi và cũng gửi lời xin lỗi tới các chuyên gia, nhà khoa học, công ty chứng khoán... những người tâm huyết với thị trường chứng khoán đã liên lạc với ông để nắm tình hình hoặc hiến kế giải quyết vấn đề nhưng ông không trả lời hết được.

Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) Lê Hải Trà cũng cho rằng, ở góc độ là người tổ chức thị trường, khi xảy ra sự cố, đó là vấn đề và đơn vị này phải nhận một phần trách nhiệm.

Trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, đối với nhiều nhà đầu tư, lời xin lỗi của lãnh đạo UBCKNN và HOSE xem ra là hơi muộn. Tình trạng nghẽn lệnh đã kéo dài nhiều tháng qua. Mặt khác, lời xin lỗi ấy cũng chỉ là một phần, còn nhiều việc UBCKNN và HoSE phải làm.

Theo ông Hải, những vấn đề tồn tại trên sàn chứng khoán không chỉ là tình trạng nghẽn lệnh, mà còn cả những vấn đề khác như quản lý, giám sát thị trường; vấn nạn cổ phiếu rác...

"Cho nên, xin lỗi chỉ là một phần, UBCKNN cần có những giải pháp cơ bản để giải quyết tận gốc những vấn đề này. Nếu xin lỗi không đi với những hành động cụ thể thì thị trường chứng khoán vẫn còn tồn tại nhiều yếu kém", ông Hải thẳng thắn.

Lời xin lỗi vì nghẽn lệnh tại HoSE: Việc cần làm khác - Ảnh 1
Tình trạng nghẽn lệnh tại sàn HoSE đã kéo dài nhiều tháng, gây bức xúc cho nhà đầu tư. Ảnh: Báo Đầu tư 

Ông Nguyễn Hoàng Hải lưu ý, hiện Thanh tra Bộ Tài chính đang tiến hành thanh tra hành chính sàn HoSE để xác định nguyên nhân và tình trạng nghẽn lệnh giao dịch, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm để không bao giờ xảy ra tình trạng này nữa.

Hiệp hội đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thanh tra Bộ Tài chính đề xuất những nội dung cần thanh tra tại sàn HoSE. Đó là cần đi tìm nguyên nhân lý giải tại sao đã qua 20 năm vận hành phần mềm giao dịch do Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan cung cấp mà sàn HoSE chưa thể làm chủ công nghệ vận hành?

Đồng thời, thanh tra dự án làm phần mềm giao dịch mới được cung cấp bởi Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc; thanh tra tình trạng các cổ phiếu thực chất là không đủ tiêu chuẩn niêm yết tại sàn HoSE nhưng vẫn được chọn vào bộ chỉ số VN30 một cách dễ dàng và tồn tại trong nhiều năm.

VAFI cũng đề nghị thanh tra tình trạng doanh thu lợi nhuận giả, vốn điều lệ khống, thanh tra xem có hay không tình trạng thổi giá chứng khoán thu lợi bất chính để làm trong sạch thị trường?

"Có lẽ từ trước tới nay hầu như chưa có nội dung thanh tra toàn diện này tại doanh nghiệp được tiến hành. Các cuộc thanh tra doanh nghiệp chủ yếu ở nội dung chấp hành về nghĩa vụ thuế, về tham nhũng tại doanh nghiệp. Đây là một khoảng trống trong việc thi hành pháp luật chứng khoán.

Cần nói thêm bản thân UBCKNN chưa chủ động đề xuất tiến hành 1 cuộc thanh tra nào như nội dung trên", Hiệp hội nhận xét và khẳng định, cần thiết phải có đợt thanh tra toàn diện như vậy.

Trao đổi với báo chí trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trước tình trạng nghẽn lệnh giao dịch xảy ra tại sàn HoSE, Bộ Tài chính đã tổ chức các cuộc họp để bàn các giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng này. Đồng thời, yêu cầu lãnh đạo HoSE làm kiểm điểm và báo cáo cụ thể về tình trạng nghẽn lệnh trong thời gian qua.

Bộ trưởng Bộ Tài chính và lãnh đạo Bộ cũng đã làm việc và chỉ đạo UBCKNN, sàn HoSE để cùng đưa ra giải pháp khắc phục sự cố.

Hiện nay, hệ thống kỹ thuật do FPT phối hợp cùng hệ thống kỹ thuật của HoSE và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang tích cực khắc phục tình trạng nghẽn mạng. Dự báo dự án này hoàn thành và sẽ khắc phục được triệt để tình trạng nghẽn lệnh vào đầu tháng 7.

Đối với hệ thống KRX (Hàn Quốc), Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, do đại dịch Covid-19 nên các chuyên gia không sang Việt Nam được, do đó việc triển khai dự án đã bị gián đoạn. Hiện các đơn vị liên quan đang nỗ lực để hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống này vào cuối năm nay. Khi đi vào vận hành, hệ thống này sẽ giải quyết được dứt điểm vấn đề nghẽn lệnh giao dịch trên HoSE hiện nay.

Thành Luân

Theo Đất Việt