Luật các TCTD: Những vấn đề khó nhất và nóng nhất
Quá trình thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cho thấy Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12, Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 (Luật Các tổ chức tín dụng) bộc lộ một số hạn chế, cần được nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của tổ chức tín dụng và thực tiễn quản lý của cơ quan nhà nước.
Can thiệp xử lý ngân hàng yếu kém
Một trong những vấn đề được quan tâm nhất trong Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi là các quy định giám sát và can thiệp sớm các tổ chức tín dụng yếu kém. Vấn đề này càng nóng thêm khi câu chuyện tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, xử lý sở hữu chéo… đang ở thời điểm không thể kéo dài vì đã quá chậm.
Tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 6, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) bày tỏ lo ngại khi có 4 ngân hàng thương mại cổ phần đang bị kiểm soát đặc biệt và đặt vấn đề liệu các ngân hàng này có xảy ra như vụ SCB nữa hay không để khách hàng gửi tiền yên tâm. Quan ngại của đại biểu Quốc hội không phải là vô căn cứ khi Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), Signature Bank (Signature) và First Republic Bank (First Republic) lần lượt lâm vào phá sản trong nửa đầu năm 2023.
“Tất nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có ngân hàng nào được tuyên bố phá sản nhưng sự sụp đổ của 3 ngân hàng lớn là hồi chuông cảnh báo cơ quan quản lý ngành ngân hàng về những rủi ro đối với sự ổn định tài chính. Và các hành lang pháp lý chặt chẽ, đầy đủ sẽ là “tấm khiên” phòng thủ vững chắc cho hệ thống ngân hàng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, nói.
Đồng quan điểm, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và cuộc khủng hoảng ngân hàng đang diễn ra ở Mỹ đã chứng minh rằng, các luật, chính sách, thủ tục giải quyết và phục hồi, cũng như các mạng lưới tài chính an toàn có liên quan là rất cần thiết trong bất kỳ hệ thống tài chính nào. Tất cả các quốc gia, bất kể quy mô, bản chất và cơ chế quản trị, đều cần có cơ chế khắc phục và xử lý hiệu quả đối với các ngân hàng và các tổ chức tài chính phi ngân hàng khác.
Bà Carolyn Turk nhấn mạnh: “Cung cấp cơ sở pháp lý bảo vệ người giám sát và thiết lập một cơ chế can thiệp và giải quyết mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn, kịp thời hơn đối với các ngân hàng yếu kém và phá sản”.
Luật hoá xử lý nợ xấu
Câu chuyện xử lý nợ xấu là vấn đề quan trọng rất được giới ngân hàng quan tâm, nhằm luật hóa Nghị quyết 42 của Quốc hội (sẽ hết hiệu lực cuối năm 2023). TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho rằng cần tăng tính hiệu lực, hiệu quả đối với công tác thu giữ và phát mại tài sản bảo đảm, nên mở rộng đối tượng tham gia mua bán nợ xấu (bao gồm cả các tổ chức tư nhân trong và ngoài nước) ngoài VAMC, DATC nhằm tăng khả năng huy động nguồn lực, tăng thanh khoản cho thị trường và cũng là thông lệ quốc tế; có thể quy định những tổ chức mua – bán nợ cần được Ngân hàng Nhà nước cấp phép nhằm chuẩn hóa và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức này.
“Khi đó, việc nhận và xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản của các tổ chức cho vay nước ngoài có thể được thực hiện theo hình thức ủy quyền thông qua một tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu hoạt động tại Việt Nam. Và để làm được việc này, Luật Các tổ chức tín dụng cần phải thay đổi một số nội dung”, TS.Lực nói.
Một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, trong quá trình thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, Luật Các tổ chức tín dụng đã bộc lộ một số hạn chế, cần nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của tổ chức tín dụng và thực tiễn quản lý của cơ quan nhà nước. Luật Các tổ chức tín dụng được ban hành từ năm 2010, cho đến nay, các luật liên quan đã được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp…
Do đó, một số quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng cần xem xét sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất với các quy định của các luật nói trên... Bên cạnh đó, các quy định về tổ chức, quản trị, điều hành và hoạt động của tổ chức tín dụng cũng đang tồn tại một số vướng mắc với các luật khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã…
“Đáng chú ý, các quy định về xử lý tổ chức tín dụng yếu kém đã được sửa đổi, bổ sung vào năm 2017, tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi hành, một số quy định tại Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 cần phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn với tình hình thực tế”, vị lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước nói.
Theo bà Carolyn Turk, lần sửa đổi gần đây nhất của Luật Các tổ chức tín dụng là vào năm 2017, nhưng cốt lõi vẫn là nội dung của Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành năm 2010.
Kể từ đó tới nay, ngành ngân hàng thế giới và trong nước đã có nhiều bước phát triển. Bài học rút ra từ các cuộc khủng hoảng và bất ổn trong quá khứ trên thị trường tài chính toàn cầu và trong nước cho thấy, cần phải củng cố các luật này, kết hợp các phương pháp tiếp cận hiện đại hơn và các tiêu chuẩn quốc tế cập nhật, đồng thời điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.
“Ngân hàng Thế giới đã xem xét dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi và nhận thấy có tiến bộ trong việc sửa đổi dự thảo. Các bước phát triển đáng khích lệ bao gồm mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, bổ sung thêm các khoản nợ xấu và các mảng liên quan đến phá sản, nâng tầm Nghị quyết số 42/2017/QH14 thành luật, loại bỏ các hạn chế giới hạn việc áp dụng các thủ tục rút gọn trước ngày 15/8/2017 và các hành động khắc phục để loại bỏ các trở ngại về thủ tục trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42”, bà Carolyn Turk nói.
Cũng theo bà Carolyn Turk, bên cạnh nghị quyết về nợ xấu, Việt Nam vẫn còn cơ hội để nâng cấp khung pháp lý và điều chỉnh cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu và thông lệ tốt trên thế giới. Việc sửa đổi nên hướng tới mục đích đảm bảo tính nhất quán giữa Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, kết hợp các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, đưa ra các điều khoản phục vụ cho cơ chế giám sát dựa trên cơ sở quản trị rủi ro.
Một số chuyên gia cho rằng, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi vẫn cần thêm thời gian để tổng hợp, tiếp thu, giải trình.