'Ma trận' tại Vạn Thịnh Phát giúp Trương Mỹ Lan sở hữu hàng triệu cổ phần

Tòa án nhân dân TP. HCM sẽ mở phiên tòa xét xử vụ án trong 2 tháng, từ ngày 5/3 và dự kiến kéo dài đến ngày 29/4. Phiên tòa đang được dư luận chú ý do liên quan lên đến hàng triệu tỷ đồng, hàng nghìn công ty, hàng chục nghìn cá nhân và tổ chức...

Hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có trụ sở tại số 193-203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1, TP. HCM, kinh doanh chính là bất động sản, nhà hàng, khách sạn.

Hệ sinh thái của tập đoàn này có hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước. Nhóm công ty này được chia thành nhiều tầng lớp, với hàng trăm cá nhân được thuê đứng tên đại diện pháp luật hoặc là người có quan hệ họ hàng, cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát được chia làm 4 nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Nhóm định chế tài chính tại Việt Nam trong đó có Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI), Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú (Công ty Việt Vĩnh Phú). Trong đó, SCB có vai trò đặc biệt quan trọng, được sử dụng như một công vụ tài chính để cấp vốn cho các thành viên trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.

Nhóm thứ 2 là các công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam phần lớn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhà hàng, khách sạn... đều là công ty có vốn điều lệ lớn, nắm cổ phần chi phối các công ty con, công ty thành viên. Ví dụ như Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula có vốn điều lệ 18.000 tỷ đồng, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông (Công ty An Đông) vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng...

Nhóm thứ 3 là các công ty 'ma' tại Việt Nam được thành lập để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án, vay vốn ngân hàng, thực hiện việc đảo nợ hoặc ký hợp đồng hợp tác, thi công …

Nhóm cuối cùng là mạng lưới công ty tại nước ngoài, cụ thể là tại các vùng lãnh thổ, quốc gia 'thiên đường thuế' phục vụ hoạt động đầu tư, kinh doanh tại nước ngoài hoặc sử dụng danh nghĩa 'Nhà đầu tư nước ngoài' đầu tư vào Việt Nam có nhiệm vụ quản lý nguồn vốn, tài sản của gia đình bà Lan tại nước ngoài.

Nhóm công ty chính vốn chục nghìn tỷ trong do người thân đứng tên

Quá trình điều tra, truy tố vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các công ty liên quan, cơ quan điều tra đã phát hiện và kê biên hàng triệu cổ phần của Trương Mỹ Lan và các cá nhân đứng tên hộ tại SCB và nhiều công ty lớn.

Bị cáo Trương Mỹ Lan.  
Bị cáo Trương Mỹ Lan.  
Cụ thể, cơ quan điều tra đã kê biên 857.561.259 cổ phần của bị cáo Trương Mỹ Lan tại SCB, cùng với 137.763.300 cổ phần của 5 công ty lớn, gồm: Công ty cổ phần Vận tải hàng không Miền Nam (SATSCO); Công ty cổ phần đầu tư SATSCO Miền Bắc; Công ty cổ phần đầu tư hàng không SATSCO - Phú Quốc; Công ty cổ phần địa ốc Đông Á; Công ty cổ phần T&H Hạ Long.

Theo kết luận của Bộ Công an, một trong những cái tên nổi bật trong hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát liên quan đến vụ án là Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có vốn điều lệ 13.000 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật là bà Trương Huệ Vân, Tổng giám đốc (cháu bị can Trương Mỹ Lan, hiện cũng đã bị khởi tố).

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gồm 4 cổ đông: Bà Trương Mỹ Lan sở hữu 60%; bà Elizabeth Chu Yuet Han (Chu Duyệt Hằng) - con Trương Mỹ Lan chiếm 10%; bà Mary Chu Yuet Fan (Chu Duyệt Phấn) - con gái Trương Mỹ Lan chiếm 10%; Công ty Cổ phần Emerald, đại diện là bà Trương Huệ Vân nắm 20%.

Tiếp đến là Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát. Doanh nghiệp có vốn điều lệ là 12.800 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật là bà Ngô Thanh Nhã, Tổng giám đốc (em dâu bà Trương Mỹ Lan).

Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát gồm 4 cổ đông: Tập đoàn VTP sở hữu 49%, bà Chu Duyệt Hằng sở hữu 15,5%, bà Chu Duyệt Phấn nắm 15,5% và Công ty cổ phần Emerald, đại diện là bà Trương Huệ Vân chiếm 20%.

Kế đến là Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula, với vốn điều lệ 18.000 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm có 10 cổ đông cá nhân và 21 cổ đông pháp nhân.

Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Việt Vĩnh Phú với vốn điều lệ 2.868 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính là tư vấn quản lý và Tạ Chiêu Trung - Tổng giám đốc làm đại diện pháp luật.

Cổ đông gồm bà Trương Huệ Vân sở hữu 50,5% vốn điều lệ; Công ty Prosperity Asia Capital Limited - quốc tịch British Virgin Islands nắm 19,5%; Công ty Lionyear International Limited - quốc tịch British Virgin Islands sở hữu 15%; Công ty Magic Luck Group Limited - quốc tịch British Virgin Islands nắm 15% vốn.

Lập hàng nghìn công ty ma

Ngoài ra còn có một số công ty có hoạt động kinh doanh, tạo doanh thu cho nhóm Vạn Thịnh Phát gồm: Công ty cồ phần Tập đoàn Quản lý bất động sản Windsor, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, Công ty cổ phần Đầu tư Times Square Việt Nam, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hàng tiểu thủ công nghiệp Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Khách sạn Quốc tế Thiên Phúc, Công ty TNHH Vinametric, Công ty CP Bông Sen, Công ty TNHH Quản lý Sài Gòn Artisans, Công ty TNHH Sài Gòn Atelier, Công ty TNHH Coco & May, Công ty TNHH The Recipe, Công ty cổ phần The Signature, Công ty LaviFood...

Theo kết luận điều tra, ngoài các doanh nghiệp kể trên còn có nhiều các công ty 'ma' được bị can Trương Mỹ Lan giao cho Hà Thục Kim và sau này là Đặng Phương Hoài Tâm, Trưởng Văn phòng HĐQT của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát phụ trách và phối hợp với Nguyễn Ngọc Dương và Nguyễn Phương Anh (là Tổng giám đốc và Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sài Gòn Peninsula) thực hiện.

Các công việc gồm đặt tên công ty, tìm thuê người đứng tên thành lập công ty dưới các vai trò là người đại diện theo pháp luật, cổ đông, thành viên Công ty TNHH, tìm địa chỉ đặt trụ sở công ty, chọn ngành nghề kinh doanh... cho phù hợp với yêu cầu của Trương Mỹ Lan và đồng phạm.

Nguyễn Ngọc Dương chỉ đạo bà Trần Thị Kim Chi, ông Bùi Đức Khoa... tìm người nhận đứng tên theo yêu cầu và cung cấp thông tin của họ cho ông Phan Chí Luân quản lý, cập nhật danh sách.

Với phương thức này, kết quả điều tra xác định bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo nhóm đối tượng tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thành lập/nhận chuyển nhượng/sử dụng hàng nghìn pháp nhân để: Đứng tên khoản vay; chuyển/nhận tiền từ nước ngoài; phát hành trái phiếu; đứng tên dự án; cơ cấu lại sở hữu cổ phần giữa các công ty, chuyển nhượng cổ phần, tài sản cho các cá nhân theo mục đích của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm (chuyển nhượng nhiều lần để nâng giá trị tài sản, hoặc chuyển nhượng để lập phương án rút tiền ra khỏi Ngân hàng SCB...).

Trong đó, một số lượng lớn công ty ma được thành lập không có hoạt động kinh doanh mà chỉ để đứng tên khoản vay tại Ngân hàng SCB, lập các phương án vay vốn khống, hợp thức hóa rút tiền ở Ngân hàng SCB để bà Lan sử dụng.

Ngoài ra, bà Lan cũng chỉ đạo nhóm đối tượng tại Tập đoạn Vạn Thịnh Phát thuê/nhờ hàng nghìn cá nhân để: Đứng tên khoản vay tại Ngân hàng SCB; đứng tên đại diện pháp luật công ty 'ma'; đứng tên tài sản đảm bảo; đứng tên cổ phần; mở tài khoản nhận tiền, rút tiền mặt, phục vụ cho các mục đích của bị cáo Trương Mỹ Lan.

Trần Lê

Theo VietnamFinance