Mạnh tay với ngân hàng ép khách mua bảo hiểm
Lợi nhuận từ bán bảo hiểm của nhiều ngân hàng lên đến chục nghìn tỷ, đã khiến các ngân hàng đẩy mạnh dịch vụ này. Cũng từ đó đã nảy sinh nhiều biến tướng mà phổ biến là ép khách mua bảo hiểm, gian dối trong tư vấn, dụ khách chuyển tiền tiết kiệm qua mua sản phẩm bảo hiểm… gây nhiều bức xúc. Sau nhiều lần nhắc nhở không hiệu quả, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Công an đồng loạt vào cuộc, mạnh tay chấn chỉnh hoạt động này.
Món lợi lớn
Báo cáo tài chính của các ngân hàng 2022 cho thấy khoản lợi lớn từ bán bảo hiểm. MB là ngân hàng có doanh thu bảo hiểm lớn nhất hệ thống. Năm 2022, MB đạt doanh thu 10.185 tỷ đồng từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm, chiếm tới 71,5% tổng doanh thu từ mảng dịch vụ. Đứng thứ 2 là VPBank với doanh thu từ dịch vụ bảo hiểm đạt 3.353 nghìn tỷ đồng, chiếm 32% tổng thu nhập dịch vụ, tăng trưởng 42%.
Năm 2022, doanh thu từ hợp tác bảo hiểm của Techcombank hơn 1.750 tỷ đồng còn thu nhập hoa hồng bảo hiểm tại VIB là 1.302 tỷ đồng. Tại TPBank, thu từ dịch vụ kinh doanh, bảo hiểm và tư vấn năm 2022 là 876 tỷ đồng. Báo cáo tài chính cả năm 2022 của HDBank không tiết lộ con số doanh thu cụ thể, nhưng trong báo cáo kiểm toán giữa năm, hoạt động môi giới bảo hiểm đem về hơn 1.000 tỷ đồng doanh thu, gấp đôi cùng kỳ.
Trong khi đó, hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm trong 15 năm giữa Vietcombank và FWD là thương vụ lớn nhất trong lĩnh vực Bancassurance, với khoản phí trả trước lên tới 400 triệu USD. Tại phiên họp cổ đông thường niên năm 2021, ban lãnh đạo Vietcombank cho biết mảng kinh doanh này đem về gần 3.000 tỷ đồng. Đến nay, nhiều ngân hàng, nguồn thu từ bảo hiểm chiếm tỷ trọng trên 70% trong cơ cấu lợi nhuận của các mảng dịch vụ ngoài tín dụng. Tuy đã phát triển rất mạnh nhưng dư địa của mảng bancassurance vẫn còn rất lớn khi tỷ lệ khách hàng mua bảo hiểm tại ngân hàng mới chỉ chiếm 5-8%.
Năm 2022, theo thông tin từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 251.306 tỉ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho hay, chỉ tính trong nửa đầu năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancassurance của doanh nghiệp bảo hiểm đã chiếm tới 41% tổng doanh thu khai thác mới. Doanh thu phí khai thác mới đến từ kênh bancassurance sẽ sớm đạt mức 50% trong tổng doanh thu.
Báo cáo ngành ngân hàng của VNDirect, cho hay đa phần các ngân hàng đã ghi nhận tăng trưởng mạnh phí dịch vụ từ hoạt động bancassurance trong giai đoạn năm 2020-2022. Đối với mảng bảo hiểm nhân thọ, doanh thu khai thác mới qua kênh ngân hàng đã tăng theo cấp số nhân trong vài năm qua, từ 20% tổng phí khai thác mới trong năm 2018 lên đến 40% vào năm 2021.
Mạnh tay chấn chỉnh
Đẩy mạnh bán bảo hiểm, thu lợi chục nghìn tỷ nhưng các ngân hàng đã gây ra nhiều bức xúc cho khách hàng khi bị ép mua bảo hiểm kiểu ‘bia kèm lạc’. Thậm chí, có trường hợp nhân viên ngân hàng gian dối khi tư vấn, dụ dỗ người gửi tiền chuyển qua mua bảo hiểm… đã có dấu hiệu hành vi vi phạm pháp luật khi biến tiền gửi của khách thành khoản đầu tư sản phẩm bảo hiểm
Từ năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục nhắc nhở các ngân hàng tuân thủ các quy định về bán chéo sản phẩm bảo hiểm, nghiêm cấm hành vi ép buộc, lừa đảo trong bán bảo hiểm; xử lý nghiêm những trường hợp ép khách hàng phải mua các loại bảo hiểm không cần thiết.
Dù vậy, sức hấp dẫn từ hoa hồng bán bảo hiểm khiến các ngân hàng càng tìm mọi cách ép KPI xuống chi nhánh, nhân viên và từ đó đã liên tục xảy ra các biến tướng gây bức xúc. Thậm chí, đã xuất hiện các sự vụ có biểu hiện gian dối và lừa đảo khi tư vấn mua, đầu tư sản phẩm bảo hiểm lên tới hàng trăm triệu hay cả tỷ đồng.
Đỉnh điểm là một nhóm khách hàng tố giác tới Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm và cơ quan này đã chuyển đơn tới Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) để điều tra vụ việc gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) bị biến thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Cùng với đó, một vài ngân hàng cổ phần lớn ở Hà Nội cũng đang trong tầm ngắm điều tra của công an liên quan đến các hoạt động bán bảo hiểm
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã yêu cầu Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm tiến hành thanh tra, kiểm tra các công ty bảo hiểm, bao gồm cả các đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, không để tiếp tục xảy ra tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng ép buộc khách hàng phải mua bảo hiểm mới cho vay vốn hay hình thức giới thiệu cho người tới gửi tiền tham gia đầu tư vào các sản phẩm bảo hiểm liên kết trái với quy định pháp luật liên quan.
Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước cũng họp với các ngân hàng về vấn đề bán bảo hiểm. Phó thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn yêu cầu các ngân hàng nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn bộ hệ thống, không để xảy ra trường hợp ép khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định nội bộ, quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm…
Phó thống đốc yêu cầu các TCTD cung cấp thông tin về sản phẩm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm và giải thích rõ ràng, đầy đủ về quyền lợi bảo hiểm; giải thích cho khách hàng các sản phẩm bảo hiểm được phân phối thông qua TCTD không phải là sản phẩm của TCTD; nghiêm cấm hành vi ép khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi ép, gắn việc mua sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cùng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm sẽ tiến hành thanh tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động đại lý bảo hiểm của TCTD
Ngày 15/2/2023, Ngân hàng Nhà nước có Công văn số 506/NHNN-TTGSNH phát đi thông điệp, sẽ có biện pháp xử lý nghiêm trong trường hợp phát hiện nhân viên/đơn vị kinh doanh ép khách hàng mua bảo hiểm và TCTD chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi này.
Sau những năm bùng nổ, tăng trưởng doanh thu từ bán chéo bảo hiểm của ngân hàng sẽ khó duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong 2023. Cùng với những phản ứng bất lợi từ khách hàng, sự quản lý chặt chẽ hơn từ cơ quan quản lý… bancasurance sẽ gặp khó hơn. SSI Research nhận định, phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng từ năm 2023 trở đi sẽ không còn dễ dàng. Dự báo, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ sẽ tăng 16-18% so với cùng kỳ, cao hơn kết quả năm 2022 nhưng thấp hơn 26% so với mức trung bình lịch sử giai đoạn 2012-2021.