Masan Group: Nợ phải trả vượt mốc 100 nghìn tỷ đồng
Cuối năm 2022, nợ phải trả của Masan Group tăng 25% so với cuối năm 2021 lên mức 104.706 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này lại giảm gần 5.700 tỷ đồng, tương đương gần 13,5%.
Theo Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý 4/2022, Công ty CP Tập đoàn Masan (Masan Group, HOSE: MSN) có tổng nguồn vốn gần 141.343 tỷ đồng, cao hơn 15.249 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương tăng 12%.
Tuy nhiên cơ cấu nguồn vốn của Masan Group lại mất cân đối khi nợ phải trả tăng mạnh, trong khi đó vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này lại suy giảm.
Cụ thể, tính đến 31/12/2022, nợ phải trả của Masan Group đạt gần 104.706 tỷ đồng, tăng 25% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn tăng hơn 89% lên mức 65.320,8 tỷ đồng; nợ dài hạn giảm gần 20% xuống mức 39.385,2 tỷ đồng.
Tổng nợ vay của Masan Group tăng 22% so với hồi đầu năm lên mức 70.993 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2022, chiếm 67,8% nợ phải trả của doanh nghiệp. Bao gồm vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 40.567 tỷ đồng, tăng 115%; vay và nợ thuê tài chính dài hạn của Masan Group là 30.425,6 tỷ đồng, giảm 22,7% so với hồi đầu năm.
Việc các khoản nợ tài chính tăng mạnh trong năm 2022 buộc Masan Group phải trích 6.361,6 tỷ đồng cho chi phí tài chính, chủ yếu là chi phí lãi vay với 4.847,7 tỷ đồng, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, trong khối nợ vay của Masan Group có 35.143 tỷ đồng là nợ trái phiếu. Bao gồm gần 16.363 tỷ đồng trái phiếu có đảm bảo và gần 18.780 tỷ đồng trái phiếu không đảm bảo.
Trong năm 2022, Masan Group của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang là một trong số những doanh nghiệp hoàn tất phát hành nhiều lô trái phiếu lớn, chủ yếu nhằm mục đích đảo nợ.
Trong khi khối nợ của Masan Group ngày càng “phình to” thì vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này lại giảm tới 5.700 tỷ đồng so với hồi đầu năm xuống mức 36.636,7 tỷ đồng (tương đương giảm gần 13,5%).
Không chỉ khối nợ tăng mạnh, vốn chủ sở hữu giảm, dòng tiền thuần của Masan Group âm gần 8.440 tỷ đồng trong năm 2022. Trong năm 2021, dòng tiền của doanh nghiệp ghi nhận dương gần 14.586 tỷ đồng.
Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2022, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Masan Group âm gần 3.789 tỷ đồng (cùng kỳ dương 1.144 tỷ đồng); dòng tiền từ hoạt động đầu tư âm hơn 26.447 tỷ đồng (cùng kỳ dương 6.346 tỷ đồng). Do đó, Masan Group đã huy động dòng tiền tài chính hơn 21.796 tỷ đồng, chủ yếu là đi vay và phát hành trái phiếu để bù đắp lại khoản thâm hụt từ hoạt hoạt động kinh doanh chính và phục vụ thêm cho hoạt động đầu tư.
Về hoạt động kinh doanh, doanh thu của Masan Group trong quý 4/2022 đạt gần 20.643 tỷ đồng, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt 803,5 tỷ đồng, giảm 89%.
Luỹ kế cả năm 2022, tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đạt 76.189 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 14% so với 2021 và lợi nhuận sau thuế đạt 4.754 tỷ đồng, chưa bằng một nửa con số lãi hơn 10.000 tỷ đồng của năm trước.
Nguyên nhân lớn nhất của con số sụt giảm này là do phần doanh thu tài chính sụt giảm 62% xuống còn 2.575 tỷ đồng, so với gần 6.800 tỷ đồng cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí tài chính lại tăng 11,5% lên mức 6.361,6 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay do hoạt động vay nợ của doanh nghiệp tăng mạnh.
Bất chấp thị trường trái phiếu ảm đạm, Masan Group liên tục phát hành trái phiếu để đảo nợ
Ngày 22/2/2023, Masan Group công bố chào bán thành công toàn bộ lô trái phiếu phát hành ra công chúng trị giá 800 tỷ đồng. Lô trái phiếu có kỳ hạn 60 tháng (5 năm) kể từ ngày 22/2/2023, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền.
Sau đợt chào bán, Masan Group ghi nhận tổng nợ 32.500 nghìn tỷ đồng, trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp chiếm hơn 64%. Hiện tỷ lệ Nợ/Vốn chủ sở hữu của Masan Group đã xấp xỉ 2,3 lần.
Trước đó, ngày 21/2/2023, Masan Group thông báo huy động thành công 700 tỷ đồng từ trái phiếu. Chỉ tính riêng tháng 2/2023, Masan Group đã phát hành thành công 1.500 tỷ đồng trái phiếu.
Theo kế hoạch, Masan Group dự kiến phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng vào ngày 17/3 tới đây nhằm mục đích thanh toán một phần hoặc toàn bộ khoản gốc đến hạn của lô trái phiếu trị giá 2.000 tỷ đồng đáo hạn ngày 30/3/2023.
Tập đoàn dự kiến phát hành thêm 2.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng để thanh toán một phần gốc đến hạn của lô trái phiếu trị giá 3.000 tỷ đồng sẽ đáo hạn vào ngày 12/5/2023. Lô trái phiếu này chưa chốt ngày phát hành.
Cả hai lô trái phiếu nói trên nằm trong kế hoạch phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng được Masan Group công bố từ cuối tháng 10/2022.