Metro số 1 Bến Thành - Suối tiên gần 20 năm vẫn chưa thể chạy
TP. HCM được phê duyệt quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị gồm 8 tuyến, với tổng chiều dài 220 km, nhưng thực tế tiến trình đầu tư các tuyến metro tại TP. HCM rất chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển và chưa góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn trong thời gian qua.
Thông tin này được cập nhật tại Hội nghị lần thứ 31 - Ban Chấp hành Đảng bộ TP. HCM khóa XI, ngày 13/6.
Theo Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị gồm 8 tuyến, với tổng chiều dài 220 km. Đến nay, qua gần 20 năm, mới thực hiện được Tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đạt hơn 96%; Tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đang giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật; các tuyến khác bắt đầu công tác chuẩn bị đầu tư.
Thực tế, tiến trình đầu tư các tuyến metro tại TP. HCM rất chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển và chưa góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn trong thời gian qua.
"Với thực trạng đó, để có thể xây dựng 200 km còn lại của hệ thống đường sắt đô thị trong những năm tới là thách thức lớn, đòi hỏi phải có chính sách, cơ chế mang tính đột phá huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện", ông Nên nói.
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP. HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 (được duyệt tại quyết định số 568), TP.HCM quy hoạch 8 tuyến metro (chiều dài 172,6km), 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (chiều dài 56,5km).
Tại dự thảo 'đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060', hệ thống đường sắt đô thị tại TP. HCM sẽ gồm 12 tuyến, với 10 tuyến metro có tổng chiều dài khoảng 510km, 2 tuyến tramway/LRV (khoảng 70km).
Đề án đặt mục tiêu giai đoạn 1 từ nay đến năm 2035 sẽ hoàn thành 6 tuyến với tổng chiều dài khoảng 183km.
Mạng lưới giai đoạn này dự kiến đảm nhận từ 40 - 50% lượng khách công cộng, đáp ứng 7 - 8 triệu lượt hành khách/ngày đêm. Sơ bộ tổng mức đầu tư cho giai đoạn này cần hơn 871.216 tỷ đồng (khoảng 36,33 tỷ USD).
Vốn để triển khai các dự án sẽ được huy động tối đa mọi nguồn lực nhà nước, đa dạng hóa các phương thức đầu tư. Trong đó, ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo và quyết định để đầu tư toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị giai đoạn đến năm 2035.