"Mổ xẻ" những điểm trừ của dự án chung cư Hà Nội Paragon

- Không chỉ có những nhược điểm dễ nhìn thấy, dự án chung cư Hà Nội Paragon còn có nhiều điểm trừ khác khiến khách hàng phải cân nhắc.

Ngoài những nhược điểm có thể nhìn thấy rõ như Kiến Thức đã phân tích ở bài trước, dự án chung cư Hà Nội Paragon còn có thêm nhiều điểm trừ đáng chú ý khác.


Đại diện chủ đầu tư từng bị tố không giữ chữ “tín”


Chủ đầu tư của dự án chung cư Hà Nội Paragon Tower là Công ty CP Xây dựng và thương mại VT. Tham chiếu trên Cổng Thông tin điện tử Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội, người đại diện công ty này là ông Thang Văn Lương, trụ sở doanh nghiệp tại Lô A3 KĐT mới Cầu Giấy, P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.


Ông Thang Văn Lương cũng đồng thời là người đại diện của 2 đơn vị: Công ty CP Tập đoàn đầu tư và thương mại Thăng Long (trụ sở 83B Lý Thường Kiệt) và Công ty CP dự án TincomCity (trụ sở 360 Giải Phóng, bỏ trống số giấy đăng ký kinh doanh).


Trong khi đó, Công ty CP Tập đoàn đầu tư và thương mại Thăng Long lại là chủ đầu tư dự án Tincom Pháp Vân (Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) – dự án từng bị phản ánh “để sắt rỉ đủ 6 năm mới xong móng” bất chấp thảm cảnh chôn vốn của khách hàng.


Không những thế, đằng sau câu chuyện góp vốn đầu tư dự án Tincom – Pháp Vân dai dẳng từ năm 2009 đến nay vẫn chưa chấm dứt, đã có nhiều hộ dân xin thoái vốn nhưng tất cả chỉ nhận lại được những lời hứa suông của ông Thang Văn Lương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long.


Như vậy, với việc chủ đầu tư dự án Tincom Pháp Vân và chủ đầu tư dự án Hà Nội Paragon đều có chung người đại diện pháp luật là ông Thang Văn Lương thì đây là một điều đáng để khách hàng lưu ý và thận trọng khi mua nhà tại dự án Hà Nội Paragon. Bởi nếu chủ đầu tư uy tín thì sẽ không để xảy ra một cú phốt hay tai tiếng nào với các sản phẩm, dự án của mình.


Vì rút kinh nghiệm ngay từ dự án Tincom – Pháp Vân, mặc dù đã 6 năm trôi qua, dự án vẫn chỉ dừng lại ở giai đoạn chưa thi công xong phần móng. Hàng trăm khách hàng đã góp vốn nhiều tỷ đồng cho dự án từ năm 2010 đến nay có nguy cơ mất trắng vì không đòi lại được tiền. Tất cả những những lời hứa và những con số trả lại tiền tiền khi khách hàng yêu cầu thoái vốn chỉ là trên giấy tờ.


Điều này đang khiến rất nhiều khách hàng có dự định mua nhà tại dự án Hà Nội Paragon đang đặt ra câu hỏi về năng lực của chủ đầu tư khi triển khai dự án cũng như tiến độ chất lượng công trình. Liệu "vết xe đổ" tại dự án Tincom Pháp Vân có một lần nữa lặp lại với Hà Nội Paragon?

Người đại diện chủ đầu tư dự án chung cư Paragon Tower từng bị tố không giữ chữ tín.


Ngân hàng bảo lãnh từng dính “nghi án rửa tiền”


Bên cạnh điểm trừ về người đại diện chủ đầu tư từng bị tố không giữ chữ tín, thì ngân hàng bảo lãnh cho dự án là Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) cũng từng dính phải “cú phốt” lớn khiến người mua nhà tại dự án này phải đắn đo, suy nghĩ.


Cụ thể, thông tin trên báo Thương hiệu và công luận ngày 26/10/2016, trong vụ án Phạm Công Danh và đồng bọn gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng của Ngân hàng Xây dựng (VNVB), số tiền 183 tỷ đồng mà ông Phạm Công Danh được PVcomBank chuyển thẳng vào tài khoản cá nhân, với phương thức vỏ bọc cũ “ủy thác đầu tư” (UTĐT) vẫn là một góc khuất.


Theo Báo cáo 6 tháng đầu năm 2015, Bộ Công thương có kế hoạch chuyển giao toàn bộ phần vốn nhà nước của PVN tại PVcomBank về NHNN quản lý số tiền 4.680 tỷ đồng, hoàn thành trong năm 2015. Ngoài ra, 800 tỷ đồng là số vốn góp tại OceanBank của PVN đã bị NHNN mua lại với giá “0 đồng” để tái cấu trúc ngân hàng này.


Theo tài liệu cho thấy, nhiều khoản đầu tư ngoài ngành của PVN thông qua PVcomBank (tiền thân là TCT Tài chính CP Dầu khí VN PVFC) có dấu hiệu đầu tư bất động sản “trá hình” trái phép thông qua một số công ty con của PVN và PVcomBank là PVFI và PVFC Invest.


Cuối tháng 1/2011, UBND TP. Đà Nẵng cấp 10 sổ đỏ GCNQSDĐ Dự án Khu phức hợp thương mại - dịch vụ Chi Lăng cho 10 công ty con của Tập đoàn Thiên Thanh, do ông Phạm Công Danh làm Chủ tịch. Theo đó, đơn giá tiền sử dụng đất Tập đoàn Thiên Thanh phải trả cho Đà Nẵng là 25,3 triệu đồng/m2. Toàn bộ 10 sổ đỏ này, ngay lập tức được ông Danh chỉ đạo mang thế chấp tại NH TMCP Đại Dương (OceanBank) để vay 1.254 tỷ đồng. Chưa đầy 1 tháng sau, mảnh đất này được PVcomBank “định giá” lên tới hơn gấp đôi là 54,9 triệu đồng/m2.


Rất chóng vánh, đầu tháng 3/2011, PVcomBank thông qua 2 HĐ UTĐT đã chuyển 1.510 tỷ đồng cho Công ty CP Đầu tư và Tư vấn tài chính dầu khí (PVFC Invest) và Công ty CP Đầu tư tài chính Công đoàn dầu khí (PVFI) để “mua” lại 5 sổ đỏ 27.000 m2 - chiếm gần một nửa tổng diện tích dự án.


Điều đáng ngạc nhiên đó là 1.307 tỷ đồng được trả OceanBank để thanh toán toàn bộ gốc và lãi mà Tập đoàn Thiên Thanh đã vay nợ tại ngân hàng này, 20 tỷ đồng chuyển vào tài khoản của Tập đoàn Thiên Thanh và có tới 183 tỷ đồng chuyển trực tiếp vào tài khoản cá nhân của ông Phạm Công Danh, mở tại ACB - Chi nhánh Phú Thọ (TP HCM).


Toàn bộ số tiền khổng lồ từ PVFC được luân chuyển “thần tốc” qua các công ty con đến OceanBank và “chui” vào túi ông Phạm Công Danh trong thời gian kỷ lục vỏn vẹn 3 ngày.


Dự án từng dính các vi phạm pháp luật về đất đai


Ngoài những điểm trừ trên, dự án Hà Nội Paragon còn dính phải các vi phạm pháp luật về đất đai. Cụ thể, vào ngày 30/04/2015, TTXVN đưa tin, trong thời gian trước đó, thành phố Hà Nội đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 23 đơn vị, tổ chức là những đơn vị được giao đất cho thuê đất nhưng chậm đưa vào sử dụng sau 12 tháng liền kể từ ngày nhận bàn giao mặt bằng, hoặc chậm triển khai 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư được phê duyệt. Sau kiểm tra, 15 dự án có dấu hiệu vi phạm về pháp luật đất đai.


Trong đó, dự án Tòa nhà hỗn hợp PARAGON (Công ty cổ phần xây dựng và thương mại VT) cùng nhiều dự án khác như dự án Trường mầm non Hoa Trà My II (Công ty cổ phần Diên Hồng), Nhà xưởng chế biến và giới thiệu các sản phẩm cốm vòng… là những dự án chậm triển khai xây dựng, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính…


Những lý do trên có thể sẽ khiến khách hàng thận trọng nhiều hơn trước khi quyết định mua nhà ở dự án chung cư cao cấp Hà Nội Paragon.

Theo Hồng Liên
Báo Điện tử Kiến Thức


Link nguồn: http://kienthuc.net.vn/nha-dat/mo-xe-nhung-diem-tru-cua-du-an-chung-cu-ha-noi-paragon-785674.html