Mỗi người dân gánh 40 triệu đồng nợ công

Với dự toán nợ công năm 2021 lên đến 4 triệu tỷ đồng, thì từ trẻ sơ sinh cho tới người già sẽ phải gánh hơn 40 triệu đồng nợ công.

Đó là thông tin được Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng cho biết khi thảo luận tại tổ ngày 2/11 về kinh tế-xã hội, ngân sách năm 2020, kế hoạch năm 2021 và nhận định đây là vấn đề nhức nhối.

Ông Dũng kể lại vào thời điểm đầu nhiệm kỳ, có cử tri chất vấn ông rằng, tại sao họ không làm gì mà con họ phải gánh 30 triệu đồng nợ công? “Tới cuối nhiệm kỳ thì từ 30 triệu mỗi người nay đã tăng lên 40 triệu đồng”, báo Thanh niên dẫn lời ông Dũng nói.

Liên quan tới nợ công, ông Dũng cũng đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn, kỹ hơn về con số trả nợ trực tiếp. Theo ông Dũng, năm 2020, số trả nợ trực tiếp là hơn 318.000 tỷ đồng, chiếm hơn 27% thu ngân sách.

Theo dự toán, năm 2021, số dùng trả nợ trực tiếp là hơn 368.000 tỷ đồng, chiếm 27,4% thu ngân sách.

“Chúng ta hình dung thu 100 đồng mà phải trả nợ 27 đồng thì an ninh, an toàn tài chính quốc gia là rất khó khăn”, ông Dũng lo ngại.

Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng, chi thường xuyên năm 2020 vẫn còn cao, theo báo cáo lên tới 63,4%. Trong khi đó, chi đầu tư phát triển là “một câu chuyện buồn của năm 2020”.

“Đành rằng nói do dịch Covid-19, rồi thận trọng, thiên tai bão lũ, nhưng 9 tháng, chúng ta mới chỉ giải ngân 57,2% so với dự toán. Đặc biệt, giải ngân ODA chỉ đạt 24,8%, trong đó có 14.000 tỷ đồng chưa phân bổ được. Quốc hội quyết rồi mà vẫn treo đấy”, ông Dũng nêu.

Mỗi người dân gánh 40 triệu đồng nợ công - Ảnh 1
Phiên họp toàn thể tại hội trường sáng 2/11, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Cùng ngày, cũng trong phiên họp tổ của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, ước tính thu ngân sách năm 2020 sẽ thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Không sản xuất, kinh doanh thì lấy đâu nguồn thu? Tình hình khó khăn sẽ kéo dài nên vài năm tới phải tiếp tục thắt lưng buộc bụng.

Giải thích về mức “hụt” thu ngân sách năm nay, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thông tin: Dự toán năm 2020 được xây dựng trên nền khá cao, với kế hoạch tăng trưởng lên tới 6,8%, giá dầu dự toán 60 USD/thùng, kim ngạch xuất-nhập khẩu tăng 7 - 9%. Do đó, dự toán thu nội địa tăng 10%, trên con số thực hiện cũng tăng 9,9% của năm 2019.

Chính phủ đã ban hành các chính sách gia hạn, giãn thuế TNDN, thuế GTGT, tiền thuê đất, sau đó trình Quốc hội ban hành Nghị quyết giảm 30% thuế TNDN, giảm 30% thuế bảo vệ môi trường với nhiêu liệu bay, chính sách về thuế thu nhập cá nhân, thuế TTĐB với ô tô….

Ông Dũng cho biết, trong 10 tháng, kết quả thực hiện các chính sách nói trên đã đạt gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng tiền thuê đất của 128.619 doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh được gia hạn với số tiền là 66.700 tỷ đồng, gia hạn thuế TTĐB với ô tô trong nước đạt 10.000 tỷ đồng. Miễn giảm các loại thuế phí khoảng 23.000 tỷ đồng, ước cả năm khoảng 30.000 tỷ đồng.

Trong khi thu giảm thì nhiều khoản chi lại tăng lên. Trước tiên là phải đảm bảo 470.000 tỷ đồng vốn cho đầu tư theo dự toán năm nay. Đây là khoản chi quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, làm nền tảng cho các kỳ tiếp theo, đồng thời kích cầu trong nước.

“Cùng với số vốn năm trước chuyển sang, tổng số vốn đầu tư năm nay khoảng 630.000 tỷ đồng, là gói đầu tư hàng năm lớn nhất từ trước đến nay. Trong 10 tháng qua chúng ta đã chi khoảng 17.800 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch, hỗ trợ người dân”, ông Dũng thông tin.

“Trong 10 tháng ta mới thu được 75,2% dự toán, giảm 10,3% so cùng kỳ năm 2019 và là mức thấp nhất 10 năm gần đây. Không có sản xuất, kinh doanh thì lấy đâu nguồn thu?”, Bộ trưởng Dũng nói và cho biết: Ước tính mức thu năm nay giảm khoảng 190.000 tỷ đồng so với dự toán, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội đề xuất tăng bội chi, tăng chi cho phòng chống dịch, nhưng trong phạm vi phải đảm bảo ổn định vĩ mô cho các năm tiếp theo, một yếu tố vô cùng quan trọng.

Cụ thể, mức bội chi năm nay ước tăng lên 5,59% GDP (tính theo GDP mới). Nợ công tăng lên 57,4% GDP, dưới trần Quốc hội cho phép là 65%. Xét từ mức đỉnh của năm 2016 là 63,7% GDP thì đây cũng là kết quả rất tốt, có được nhờ sự phấn đấu, tích luỹ của các năm gần đây tạo dư địa điều hành. Với kết quả của năm nay thì mức bội chi 5 năm bình quân đạt 3,8%, đạt mục tiêu dưới 3,9% của kế hoạch 5 năm theo kế hoạch, một kết quả rất tích cực.

Từ đầu năm đến nay thu được hơn 20.000 tỷ đồng nợ đọng thuế từ năm trước chuyển sang nhưng nợ đọng sẽ tăng; gia hạn đến tháng 11, 12 này bắt đầu thu, tuy nhiên thực tế khó thật nên sẽ khó.

“Thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế, hải quan 10 tháng vừa rồi báo cáo, xử lý trên 40.000 tỷ đồng, trong đó riêng tăng thu vào ngân sách hơn 14.000 tỷ đồng. Chúng tôi vẫn tạo điều kiện thuận lợi, vẫn ra giãn nhưng vẫn thanh tra, kiểm tra, xử lý. Xử lý là kiểm tra hậu kiểm, nếu mình buông lỏng tạo thuận lợi không có không thanh tra, kiểm tra thì sơ hở và sai sót vô cùng", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.

Ông Dũng thông tin, với dự toán năm 2021 xây dựng trên nền tảng theo tinh thần phương án Chính phủ báo cáo sang năm vẫn là 6-6,5% tăng trưởng, lạm phát dưới 4%. Đây là mức cao.

“Kinh nghiệm của chúng tôi chắc phải kéo dài 2-3 năm khó khăn, cho nên vài năm tới phải tiếp tục tục “thắt lưng, buộc bụng” để tập trung cho an sinh, tập trung cho đầu tư phát triển, ổn định vĩ mô, chứ không thể nói một chốc một lát cất cánh được ngay”, Bộ trưởng Bộ Tài chính cảnh báo.

Minh Thái (Tổng hợp)

Theo Báo Đất Việt