Mỗi tháng, gần 8,5 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường
Năm 2020 chứng kiến tới 101,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động.
Ngày 27/12, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý IV và năm 2020.
Theo báo cáo được Tổng cục Thống kê công bố, tính chung năm 2020, cả nước có 134,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 2.235,6 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 1.043 nghìn lao động, giảm 2,3% về số doanh nghiệp, tăng 29,2% về vốn đăng ký và giảm 16,9% về số lao động so với năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2020 đạt 16,6 tỷ đồng, tăng 32,3% so với năm trước.
Nếu tính cả 3.341,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 39,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm nay là gần 5.577,6 nghìn tỷ đồng, tăng 39,3% so với năm trước.
Năm 2020 có 101,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động. Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, còn có 44,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 11,9% so với năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2020 lên 179 nghìn doanh nghiệp, tăng 0,8% so với năm trước. Trung bình mỗi tháng có 14,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Tuy nhiên, năm 2020 cũng chứng kiến tới 101,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm trước.
Trong đó, bao gồm: 46,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 62,2%; gần 37,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 13,8%; gần 17,5 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,7%.
Trung bình mỗi tháng có gần 8,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy: Có 40,6% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2020 tốt hơn quý III/2020; 24,7% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 34,7% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.
Theo Tổng cục Thống kê, dự kiến quý I/2021 so với quý IV/2020, có 42,8% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 19% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 38,2% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kinh tế – xã hội năm 2020 của nước ta diễn ra trong bối cảnh dịch viêm Covid-19 bùng phát mạnh và diễn biến khó lường trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế – xã hội của các quốc gia trên thế giới. Các nền kinh tế lớn đối mặt với tình trạng suy thoái sâu, tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, khi phần lớn các nền kinh tế tái khởi động sau phong tỏa do dịch Covid-19, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới có những dấu hiệu khả quan hơn. Thương mại toàn cầu, giá cả hàng hóa đang dần được phục hồi, thị trường chứng khoán toàn cầu tăng mạnh trong tháng 11 và tháng 12 nhờ tín hiệu tích cực từ sản xuất và hiệu quả của vaccine phòng Covid-19. Những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Cộng đồng chung châu Âu tuy vẫn đối mặt với nhiều khó khăn nhưng đã có xu hướng phục hồi trong những tháng cuối năm 2020 và dự báo tăng trưởng khả quan hơn trong năm 202.
Trong nước, bên cạnh những thuận lợi từ kết quả tăng trưởng tích cực năm 2019, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại. Tình hình đứt gãy thương mại quốc tế gây ra những hệ lụy tới hoạt động sản xuất và xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm ở mức cao. Bên cạnh đó, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa, lũ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng và đời sống nhân dân.