Một công ty báo doanh thu bất động sản gấp 11 lần so với năm 2022
Năm 2023, Vinaconex ghi nhận doanh thu thuần đạt 12.705 tỷ đồng, tăng 50% trong đó doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản tăng gấp 11 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã: VCG) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2023 với nhiều con số khả quan.
Tính riêng trong quý IV/2023, Vinanconex mang về 3.789 tỷ đồng, cao gấp 2,16 lần so với quý IV/2022. Bên cạnh đó, doanh thu tài chính cũng tăng 35%. Công ty cũng tiết giảm được phần các chi phí như chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp.
Kết quả, Vinaconex lãi sau thuế 132 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ báo lỗ.
Giải trình lý do lợi nhuận sau thuế quý 4/2023 tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2022, VCG cho biết, lợi nhuận sau thuế quý 4/2023 tại báo cáo tài chính hợp nhất là 131 tỷ đồng, tăng 170 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022 tương ứng với mức tăng 443% là do doanh thu bán hàng và hoạt động tài chính trong kỳ đều tăng, đồng thời chi phí quản lý doanh nghiệp giảm so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế cả năm 2023, Vinaconex ghi nhận doanh thu thuần 12.705 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức doanh thu thuần cao nhất của công ty từ năm 2012 đến nay. Tuy nhiên, trái với đà tăng trưởng mạnh doanh thu, lợi nhuận sau thuế năm 2023 của Vinaconex giảm về đáy trong cùng thời điểm.
Dù vậy, công ty vẫn cách khá xa kế hoạch 16.340 tỷ đồng doanh thu đã đề ra cho cả năm.
BCTC quý IV/2023 của Vinaconex
Trong cơ cấu doanh thu, hoạt động xây lắp vẫn đóng vai trò chủ đạo với doanh thu gần 8.274 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ. Mảng kinh doanh bất động sản cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng lên 2.315 tỷ đồng, cao gấp 11 lần so với kết quả 212 tỷ đồng cùng kỳ.
Trong năm 2023, Vinaconex có hơn 7.000 tỷ đồng là tài sản dở dang dài hạn, trong đó dự án KĐT Du lịch Cái Giá Cát Bà có giá trị tồn kho nhiều nhất, hơn 5.277 tỷ đồng, dự án TTTM Chợ Mơ hơn 876,2 tỷ đồng, dự án Kim Văn Kim Lũ hơn 518,6 tỷ đồng, Khu công nghệ cao Hòa Lạc 227,9 tỷ đồng, dự án cấp nước sạch TX Sapa hơn 204,8 tỷ đồng. Giá trị còn lại ở các dự án khác.
Trong diễn biến có liên quan, trong năm 2023, Vinaconex đã rút khỏi Dự án Cát Bà Amatina quy mô 750 triệu USD sau gần 20 năm theo đuổi. HĐQT Vinaconex ITC đã thông qua việc chấm dứt và thanh lý trước thời hạn hợp đồng hợp tác đầu tư Phân khu CT02 và Hạ tầng kết nối phân khu CT02 của Dự Án Khu đô thị du lịch Cái Giá – Cát Bà.
Theo đó, Vinaconex ITC sẽ được nhận lại toàn bộ các tài sản đã thế chấp cho tổ chức tín dụng phát sinh từ thỏa thuận hợp đồng hợp tác đầu tư. Đồng thời, Vinaconex ITC phải hoàn trả lại cho Vinaconex số tiền 2.200 tỷ đồng trong vòng 90 ngày kể từ ngày 30/9/2023. Đây là khoản tiền góp vốn của Vinaconex để Vinaconex ITC triển khai dự án trước đây. Vinaconex hiện là công ty mẹ - chi phối 51% vốn điều lệ của Vinaconex ITC.
Theo tìm hiểu, dự án Cát Bà Amatina được Vinaconex lên ý tưởng triển khai kể từ năm 2005 với việc thành lập Ban quản lý dự án Cái Giá – Cát Bà và công bố số vốn đầu tư vào dự án này lên đến gần 11.000 tỷ đồng (tương đương gần 750 triệu USD theo tỷ giá thời điểm bấy giờ). Đến năm 2008, Ban quản lý Dự án Cái Giá – Cát Bà được chuyển đổi thành Vinaconex ICT; đến năm 2010, Vinaconex ICT chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Quay lại với hoạt động tài chính của Vinaconex, tại thời điểm ngày 31/12/2023, tổng các khoản phải thu (cả ngắn và dài hạn) của Vinaconex đã giảm 25% so với tại thời điểm đầu năm 2023, còn 6.957 tỷ đồng, chủ yếu do đã thu hồi được khoản phải thu hơn 2.060 tỷ đồng từ Công ty TNHH Thượng mại và Xây dựng Minh Phương Việt Nam.
Tại ngày 31/12/2023, nợ xấu của Vinaconex ở mức gần 887 tỷ đồng (giá gốc) với giá trị có thể thu hồi là 246 tỷ đồng (chiếm 28%). Con số nợ xấu (giá gốc) này cũng giảm 34% so với tại thời điểm đầu năm 2023, chủ yếu giảm tại khoản nợ từ Công ty Liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh.
Trong năm 2023, từ đầu năm đến ngày 31/12/2023, Vinaconex đã chi gần 3.600 tỷ đồng để trả nợ cho trái chủ.