Một số địa phương đề nghị thay thế dự án đầu tư công trung hạn sang dự án mới

Đồng Tháp, TP Đà Nẵng và Lạng Sơn đề nghị thay thế 8 dự án đã có trong danh mục báo cáo Quốc hội nhưng chưa đủ thủ tục đầu tư (tổng vốn 1.595 tỷ đồng) bằng 5 dự án khác Quốc hội chưa phê duyệt nhưng đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, có thể triển khai ngay.

Thực hiện Chương trình Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều ngày 9/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho danh mục dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư và bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Cụ thể, Theo Tờ trình của Chính phủ, có 3 địa phương (Đà Nẵng, Đồng Tháp, Lạng Sơn) đề nghị thay thế 8 dự án đã có trong danh mục báo cáo Quốc hội tại báo cáo số 243/BC-CP nhưng chưa đủ thủ tục đầu tư (tổng số vốn là 1.595 tỷ đồng) bằng 5 dự án khác chưa báo cáo Quốc hội nhưng đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, có thể triển khai ngay (tổng số vốn là 1.345,810 tỷ đồng); việc điều chỉnh tăng, giảm số vốn bố trí giữa các dự án là trong nội bộ của địa phương, không làm tăng tổng mức vốn đầu tư công đã được Quốc hội quyết định.

Uỷ ban Tài chính ngân sách - cơ quan thẩm tra, cho rằng việc điều chỉnh tăng, giảm số vốn bố trí giữa các dự án là nội bộ của địa phương, không làm tăng tổng mức đầu tư công đã được Quốc hội quyết định, nên đồng tình. Tuy nhiên, Ủy ban này lưu ý các địa phương phải cam kết không bố trí vốn cho những dự án đã đề nghị thay thế, rút ra khỏi danh mục.

Đa số ý kiến UBTCNS nhất trí với đề xuất của Chính phủ về trường hợp điều chỉnh dự án của TP Đà Nẵng và tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên, đối với việc thay thế dự án của tỉnh Lạng Sơn, thay 5 dự án (gồm 4 dự án giao thông, 1 dự án thủy lợi) bằng 2 dự án mới, UBTCNS cho rằng, việc điều chỉnh dự án như Chính phủ trình làm thay đổi cơ cấu vốn giữa các lĩnh vực, chưa bảo đảm nguyên tắc “không làm thay đổi cơ cấu, tổng mức vốn từng ngành, lĩnh vực trong nội bộ của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết 29”, vì vậy, đề nghị điều chỉnh lại phương án bố trí vốn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề, bản chất đây là các dự án mới, chưa có trong danh mục Chính phủ báo cáo trước đây, nên cần trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Về việc thay thế dự án của Lạng Sơn, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Nghị quyết 29 đã yêu cầu không được thay đổi cơ cấu vốn, tổng mức vốn các ngành, lĩnh vực. Nếu thay đổi như vậy, các địa phương khác cũng có thể làm được, thì liệu chúng ta có chấp nhận. “Tinh thần chung là phải tôn trọng pháp luật”- Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Ngoài ra, ông Huệ đề nghị Chính phủ rà soát các dự án của địa phương xin bố trí bổ sung vốn lần này đã nằm trong danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn hay chưa.

UBTVQH đề nghị Chính phủ bảo đảm điều hòa nguồn vốn đầu tư công của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn vốn đầu tư công của chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn; bảo đảm tập trung giải ngân trong 2 năm 2022 – 2023 vốn đầu tư công hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội. Đồng thời, bảo đảm nguồn vốn để triển khai theo đúng tiến độ được cấp có thẩm quyền quyết định của các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm, quan trọng, cấp thiết thuộc giai đoạn 2021-2025

Trung Kiên

Theo Chất lượng và cuộc sống